Lưu học sinh Lào ấm lòng giữa “mùa dịch”

GD&TĐ - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến nhiều lưu học sinh Lào học tập tại Quảng Bình, Đà Nẵng gặp khó khăn do không thể trở về nhà.

Nhiều chương trình hỗ trợ được các trường kết nối thực hiện. Ảnh: Xuân Hùng
Nhiều chương trình hỗ trợ được các trường kết nối thực hiện. Ảnh: Xuân Hùng

Nhưng mọi lo lắng của các em vơi dần bởi luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp chính quyền, nhà trường, thầy cô.

Bộn bề lo lắng

Hơn một năm trở lại đây, do dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, khiến các em lưu học sinh Lào tại Quảng Bình, Đà Nẵng bị “mắc kẹt”. Em Phethavy Phalanysong lưu học sinh Lào tại Trường Đại học Quảng Bình cho biết: “Những năm trước vào dịp hè em được về nhà thăm gia đình và phụ giúp bố mẹ các công việc để kiếm thêm tiền trang trải cho năm học mới. Thế nhưng Tết và kỳ nghỉ hè vừa rồi, do dịch bệnh nên em không thể về nhà được. Ở lại thì em lo lắng về các chi phí sinh hoạt, ăn uống...”.

Đó không chỉ là nỗi lo của riêng Phethavy Phalanysong mà là băn khoăn chung của nhiều lưu học sinh Lào đang học tập tại các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Đà Nẵng.

Những ngày này, tại khu ký túc xá Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, Thanane Minta – học năm thứ 4 ngành Kinh tế Đầu tư, bắt đầu học kỳ mới bằng hình thức online trên chiếc điện thoại của mình.

Quê Minta ở Savannakhet (Lào), như mọi khi, đến hè em sẽ lên xe về quê thăm bố mẹ. Thế nhưng, dịch Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng khiến em không thể về thăm gia đình. Minta đành ở lại trong khu ký túc xá của trường.

“Khi biết tin Đà Nẵng bùng phát dịch, không thể trở về nhà nên em buồn lắm. Đã 9 tháng nay em chưa về nên rất nhớ nhà. Bên cạnh đó, do em đi học dưới diện tự túc, mọi chi phí sinh hoạt ở đây đều do gia đình chu cấp nên chắc chắn có khó khăn với ba mẹ em”, Minta nói.

Minta chia sẻ, nhớ gia đình và muốn về thăm quê là suy nghĩ chung của hầu hết lưu học sinh. Thế nhưng trong thời điểm dịch bệnh, ở lại trường để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố và quê hương của em là việc phải làm.

Thầy Mai Xuân Hùng, Phòng Quản lý Khoa học – Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Quảng Bình cho biết: Năm học 2020 - 2021, Trường Đại học Quảng Bình có 200 lưu học sinh Lào học tập tại trường. Vừa rồi có 54 em hoàn thành tốt nghiệp và đã trở về nhà, còn lại 146 em đang lưu trú tại ký túc xá của trường, chuẩn bị bước vào năm học mới.

Sinh viên Lào lưu trú tại ký túc xá Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, đang học trực tuyến.
Sinh viên Lào lưu trú tại ký túc xá Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, đang học trực tuyến. 

Những món quà nghĩa tình

Trong thời gian thành phố xảy ra dịch bệnh, Trường ĐH Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đã tuyên truyền, vận động lưu học sinh Lào ở lại ký túc xá và tuân thủ nghiêm nguyên tắc phòng dịch của thành phố để đảm bảo an toàn cho bản thân.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, đại diện Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng cho hay: Trường cũng thường xuyên cử cán bộ, giáo viên xuống ký túc xá để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của sinh viên. Đồng thời, động viên chia sẻ để giúp các em yên tâm học tập. Cùng đó, đội ngũ giảng viên của nhà trường luôn nỗ lực đồng hành giúp các em trong học tập.

Trường đồng thời kêu gọi nguồn lực xã hội để hỗ trợ gạo và nhu yếu phẩm cho lưu học sinh. Với quan điểm “tất cả sinh viên là người Đà Nẵng”, gần 300 sinh viên, trong đó có 147 sinh viên Lào, đang lưu trú tại ký túc xá Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đã nhận hỗ trợ từ chính quyền địa phương khi thành phố thực hiện “ai ở đâu ở yên đấy”.

Còn tại Quảng Bình, thời gian qua, UBND tỉnh, nhà trường, các cơ quan, tổ chức, đơn vị như: Hội hữu nghị Việt - Lào; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình; Tỉnh đoàn Quảng Bình… thường xuyên có chính sách hỗ trợ học sinh Lào đang lưu trú tại đây.

PGS.TS Nguyễn Đức Vượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Bình trao đổi: “Từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lãnh đạo nhà trường đã chỉ đạo giảng viên phụ trách trực tiếp, quan tâm để cùng nhà trường hỗ trợ cho các em”.

Bên cạnh đó, trường kêu gọi sự hỗ trợ từ các đơn vị, nhà hảo tâm để bảo đảm lưu học sinh Lào không bị thiếu thốn về mọi mặt, giúp các em bớt lo lắng, yên tâm để chuẩn bị bước vào năm học mới.

Trường Cao đẳng Y tế Quảng Bình có 51 sinh viên Lào đang lưu trú và học tập. Trong thời gian vừa qua, các em cũng nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ UBND tỉnh và các cơ quan, ban, ngành, cá nhân.

Chia sẻ về việc hỗ trợ các em trong mùa dịch Covid-19, Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ CKII Lê Viết Hùng - Quyền Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Nhà trường đã huy động toàn thể cán bộ, giảng viên hỗ trợ cho các em, trang bị 4 tủ lạnh để bảo quản thức ăn.

Trước mắt, nhà trường trích gần 30 triệu đồng cho các em mượn sử dụng chi tiêu, sinh hoạt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Cùng với đó hỗ trợ, động viên và hướng dẫn các em thực hiện tốt biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.

 “Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khiến chúng em không thể trở về nhà và rất lo lắng. Thế nhưng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh Quảng Bình, nhà trường và các nhà hảo tâm Việt Nam, chúng em thấy thật sự ấm áp, có thêm động lực và yên tâm học tập”. - Keophuvanh Somked, sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Quảng Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.