Lưu giữ tuổi thơ bằng vỏ lon bia

GD&TĐ - Đã mấy thập kỉ trôi qua, ông Mã Tấn Phát (64 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) vẫn bền bỉ theo nghề làm đồ chơi bằng vỏ lon bia. Ngoài việc mưu sinh, những sản phẩm độc đáo làm từ vỏ lon đó còn là cách để ông lưu giữ tuổi thơ và làm bạn với trẻ em hàng ngày.

Ông Phát giới thiệu sản phẩm
Ông Phát giới thiệu sản phẩm

Đôi tay tài hoa

Sau năm 1975, ông Phát làm nghề buôn bán nhỏ. Đến năm 1985, ông nghĩ ra cách làm đồ chơi bằng vỏ lon bia các loại. Ông Phát trải lòng: “Tất cả là tôi tự mày mò, tham khảo. Thời đó, đồ chơi bằng nhựa công nghiệp đối với trẻ em rất quý và đắt, còn đồ chơi bằng vỏ lon bia rẻ hơn và nhiều trẻ có thể mua được”.

Là trí thức bước ra từ trường mỹ thuật, hoa tay sẵn có cộng thêm tinh thần học hỏi cao và tính cần cù tỉ mỉ nên trong 1 - 2 ngày, ông Phát có thể cho ra “lò” một sản phẩm. Thành thạo rồi, mỗi ngày ông làm được tầm 3 - 4 món.

Đến nay đã gần 35 năm trở thành thợ làm đồ chơi thủ công lành nghề, ngoài các sản phẩm quen thuộc như xe tải, xe hơi, nón lưỡi trai…, bộ sưu tập mà ông tâm đắc nhất phải kể đến sản phẩm máy bay các loại: C130, L19, OV10, MIG21, Air Force 504.

Quá trình làm nên một sản phẩm rất kì công. Lon bia được ông Phát cắt bỏ phần dư, rửa sạch, phơi khô rồi đo lường, cắt thành những bộ phận và lắp ráp. Trong đó, công đoạn cuốn mép khá cực công nhằm bảo đảm khi đồ chơi đến với trẻ phải thật an toàn (không cà xước vào tay người dùng). Ban đầu, ông chỉ trưng bề trái của vỏ lon thành một màu trắng, rồi ông nhận thấy trẻ con thích màu mè hơn, nên mỗi món đồ chơi sau này đã có nhiều màu sắc hơn, cũng có nghĩa là ông phải cất công sưu tập nhiều hơn các loại vỏ lon khác nhau.

Từ những lon bia bằng thiếc đến những lon bia bằng nhôm, ông Phát vẫn đều đặn nuôi dưỡng niềm đam mê của mình với hàng ngàn sản phẩm được bán ra mà chính ông cũng không nhớ chính xác số lượng là bao nhiêu.

Ông Phát tâm đắc với chiếc xe tải có dán quốc kì Việt Nam
 Ông Phát tâm đắc với chiếc xe tải có dán quốc kì Việt Nam

Trân trọng nghề

Đến với nghề rất ngẫu nhiên nhưng ông Phát có ý thức theo đuổi, phát triển không ngừng nghỉ. Bền chí và dốc lòng với nghề như thế nên đồ chơi của ông rất đa dạng, tinh tế. Khách hàng của ông không chỉ có trẻ em mà những người lớn tuổi cũng khá thích thú.

Hàng ngày, ông Phát rong ruổi trên những con đường ở Cần Thơ để bán sản phẩm. Nhưng khách hàng của ông còn ở những tỉnh phụ cận và có lúc ông còn sang bán ở nước bạn Campuchia. Bạn đường của ông là những giỏ hàng được ràng, treo trên xe đạp cùng ông lang thang khắp các tỉnh thành miền Tây Nam bộ. Những chuyến hàng bán hết, ông Phát có thêm niềm vui, cứ như thế mà ông bám trụ với nghề đến tận bây giờ.

Ông Phát bồi hồi kể lại: “Hồi đó chỉ có chiếc xe đạp để đi bán hàng, làm từng chi tiết bỏ vào giỏ xách, đi đến đâu lắp ráp đến đó để bán. Gian nan nhất là đi bán bên Campuchia, cực nhưng bán được nhiều hàng. Leo lên chiếc xe đò rồi thảy chiếc xe đạp lên nóc. Hồi đó, qua đất bạn không có đường nhựa như bây giờ, có đoạn phải đi đò qua sông hay đường sình lầy, bùn bám đầy bánh xe”.

Chỉ từ 4 đồng/món đồ chơi hồi trước (thời bao cấp), đến nay giá trị của từng chủng loại đồ chơi đã có giá hàng chục, hàng trăm nghìn đồng. Duy nhất chỉ có lòng yêu nghề của ông Phát vẫn không hề đổi thay theo thời gian.

Những chiếc máy bay như đang sắp cất cánh
 Những chiếc máy bay như đang sắp cất cánh

Để làm (đồ) chơi mà sống thiệt còn là nhờ đằng sau ông có người vợ luôn đồng cam cộng khổ. Bà phụ làm sạch vỏ lon, ở nhà nuôi dạy con cái để ông yên tâm bươn chải ngược xuôi bán hàng. Cũng từ những món đồ chơi tái chế, vợ chồng ông Phát đã nuôi dạy 2 cô con gái khôn lớn. Tuổi đời cô chị cũng xấp xỉ tuổi nghề của ông Phát.

Nay đã có tuổi, ông Phát chỉ ở nhà làm, thỉnh thoảng chạy quanh các con đường gần nhà treo đồ chơi lên bán như một thú vui hơn là để kiếm thu nhập. Bất kể người già trẻ con, hễ thấy xe đồ chơi của ông là nhìn không rời mắt. Có những thanh niên mua đồ chơi của ông, chỉ đơn giản là muốn ủng hộ ông vì nể phục cái tài.

Ngày nay có nhiều mặt hàng đồ chơi được làm bằng công nghệ tốt, đẹp hơn nhưng người ta vẫn thích thú với những món đồ chơi làm từ vỏ lon của ông Phát. Hình như những ai yêu thích nó đều là những người biết trân trọng và thương quý những món đồ chơi thời bé dại của mình. Và từ nguồn động viên ấy, ông Phát hàng ngày vẫn hào hứng lưu giữ tuổi thơ cho mình và lũ trẻ bằng những sản phẩm đồ chơi làm từ vỏ lon.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.