Lương y gần trăm tuổi chữa bệnh miễn phí cho người nghèo

Ở cái tuổi bách niên giai lão, nhìn Lương  Pyhạm Thọ Tầng vẫn còn rất minh mẫn ,khỏe mạnh so với tuổi thật của mình. Cụ vẫn có thể tự mình đi xe máy, khám chữa bệnh cho hàng chục bệnh nhân mỗi ngày.

Lương y Phạm Thọ Tầng đã cứu chữa cho hàng nghìn bệnh nhân trong gần 30 năm qua
Lương y Phạm Thọ Tầng đã cứu chữa cho hàng nghìn bệnh nhân trong gần 30 năm qua

Ông Tiên bước ra đời thực

Lương y Phạm Thọ Tầng hiện đang trú tại phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Năm nay, đã bước sang tuổi 95, nhưng hằng ngày cụ vẫn cần mẫn khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

Mới nhìn cụ Tầng, có lẽ người đối diện sẽ khó mà tin được cụ đã ở tuổi gần trăm, bởi cụ vẫn có thể phóng xe máy vù vù, bê những bánh thuốc cả chục cân nhẹ nhàng, ánh mắt tinh anh, thân thể nhanh nhẹn, chòm râu và mái tóc trắng bạc phơ cùng với cách nói chuyện đầy thông tuệ.

Suốt 27 năm qua, dù nắng hay mưa cụ Tầng vẫn đi khắp nơi để lấy thuốc và khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, các gia đình chính sách mắc bệnh... Với cụ, đó không phải công việc làm giàu mà là tâm huyết của người thầy thuốc.

Cụ liên tục nhấn mạnh đến chữ tâm trong việc hành nghề: “Làm nghề này, Y đức và cái tâm của người thầy thuốc phải được đặt lên hàng đầu.

Phải biết đồng cảm với bệnh nhân, phải biết đau với cái đau của người bệnh. Tôi nghĩ mình có nghề thuốc trong tay vì phải có trách nhiệm cứu chữa người bệnh, nhất là người nghèo. Vì người nghèo họ khổ lắm.

Khi có bệnh không có tiền để mà chữa, đã nghèo còn khổ hơn. Vì thế mà hơn 27 năm nay, tôi đã chữa bệnh dạ dày và đại tràng miễn phí cho hàng nghìn bệnh nhân từ trong Nam đến ngoài Bắc.

Chỉ cần họ có giấy chứng nhận của chính quyền địa phương là hộ nghèo thì sẽ được chữa miễn phí hoàn toàn. Nếu họ ở xa, tôi có phòng trọ miễn phí để họ ăn ở và chữa bệnh”.

Cụ Tầng vốn là một chiến sĩ quân y của Sư đoàn 321, cụ vừa làm nhiệm vụ cứu chữa đồng đội tại chiến trường, vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu.

Trở về sau chiến tranh, cụ Tầng được chuyển ngành về làm Viện trưởng viện điều dưỡng Nông trường sau là Viện trưởng Viện Diều dưỡng của bộ Nông nghiệp.

Dù ở đâu, cụ cũng thể hiện được tinh thần xung kích, dám nghĩ dám làm, luôn dấn thân vào những công việc khó khăn nhất. Đến năm 1989, cụ về hưu và tiếp tục công việc bốc thuốc cứu người.

Cụ Tầng chia sẻ: "Những việc làm của tôi chỉ là việc nhỏ bé, tôi muốn giúp người nghèo để có thể giúp họ bớt khổ phần nào hay phần đấy. Người bệnh khỏi được thì 50% nhờ thuốc, còn 50% là nhờ tinh thần.

Những người nghèo quá, bệnh nặng quá ở lại đây với tôi như con cháu trong nhà, tận tâm tận tình với họ để tinh thần thoải mái, như thế thôi cũng đủ để tiếp tục có thêm niềm tin đấu tranh với bệnh tật”.

Chị Nguyễn Ngọc Loan, mẹ cháu Nguyễn Ngọc Mai (Cầu Diễn, Hà Nội) chia sẻ: “Cháu nhà tôi bị viêm dạ dày, đã chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi.

Được nhiều người mách nên tôi tìm đến cụ Tầng. Sau 10 ngày chữa trị, bệnh tình của cháu đã đỡ hẳn. Nhưng điều đáng nói nhất là cách cụ ân cần, tận tụy với con mình là đủ để khiến tôi thấy ấm lòng”.

Trò chuyện cùng với người dân xung quanh, khi hỏi đến cụ Tầng PV được nghe thêm nhiều câu chuyện. Có người ở xa đến nghèo quá thì được cụ miễn phí, có khi cụ còn đèo xe máy ra tận bến xe rồi cho tiền để đi xe về. Gần ba mươi năm chữa bệnh và chữa khỏi cho hàng nghìn người nghèo là điều khiến cụ vui nhất.

“Những người nghèo quá không có tiền, khi về dưới quê thi thoảng họ gửi lên đôi ba cái bắp, vài cân khoai, con gà, chục trứng… những thứ đó là tình cảm và sự trân trọng họ dành cho mình. Kinh qua 2 thế kỷ, qua cả những tháng năm bom đạn, về tuổi già lại được sống trong sự yêu thương, kính trọng của mọi người, những điều ấy khiến tôi chưa thể ngơi tay lúc này” – Cụ Tầng bộc bạch.

Luôn lấy chữ Thiện làm đầu

Luong y gan tram tuoi chua benh mien phi cho nguoi ngheo - Anh 2

Cụ Tầng nhận các bệnh nhân điều trị miễn phí tại khu nhà trọ

Lúc mới về hưu Năm 1989 Cụ tầng giữ cương vị Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ đầu tiên của phường, cũng đồng thời là người đặt nền móng cho Hội Khuyến học của phường Xuân Khanh.

Thời điểm thành lập hội, quỹ khuyến học hằng năm của phường và tổ dân phố chủ yếu do một tay cụ gây dựng. Với số tiền lương hưu dành dụm để mở phòng khám, toàn bộ tiền thu được cụ lại sử dụng để mua gạo trợ cấp cho các cháu nhỏ khuyết tật, gia đình chính sách, ốm đau… trung bình mỗi tháng mỗi cháu được cụ Tầng trợ cấp hàng chục cân gạo.

Có tháng thu nhập từ phòng khám không đủ thì cụ lại trích từ lương hưu của mình ra để bổ sung thêm. Hàng năm, đến dịp 27-7 và tết Nguyên đán là cụ Tầng đều hỗ trợ và có các phần quà đến các gia đình chính sách.

Ngoài phòng khám, Cụ Phạm Thọ Tầng còn dành khu đất rộng 5.000m2 của gia đình để trồng các loại cây thuốc Nam và xây dựng khu nhà trọ miễn phí cho bệnh nhân. 3 vườn cây thuốc Nam do cụ trồng đã vài chục năm tuổi, cụ kể về tác dụng của từng loại cây thuốc quý như cây kim gia, cây bách xanh, cây xạ đen.... Từ những loại cây ấy, cụ tự nghiên cứu các loại thuốc đặc trị để chữa khỏi bệnh cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân.

Anh Đặng Ngọc Sang (Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội) hiện đang điều trị tại nhà cụ Tầng cho biết: “Bệnh của tôi chữa đã 3 năm nay không thuyên giảm.

Tôi đã mất ba năm để tìm được nhà cụ Tầng. Lúc ban đầu thì tôi cũng bán tín bán nghi nhưng đến giờ thì tôi không còn gì để nghi ngờ nữa. Nói cụ là Ông Tiên không phải là ngoa. Một tuần ở với cụ, lúc nào cụ cũng tận tình chu đáo, coi tôi như con cháu trong nhà”.

Với những việc làm của mình, nhiều năm liền, cụ Tầng được UBND TP Hà Nội, Thị xã Sơn Tây vinh danh “Người tốt, việc tốt tiêu biểu”. Tháng 10/2014, cụ Phạm Thọ Tầng được vinh danh trong "Chương trình Vinh danh trí thức tiêu biểu Vì sự nghiệp phát triển Thủ đô” tại Văn Miếu-  Quốc Tử Giám.

Theo Infonet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...