Lương giáo viên một số cấp học sẽ thay đổi từ tháng 3/2021

GD&TĐ - Hàng loạt chính sách nổi bật sẽ có hiệu lực từ tháng 3/2021, trong đó có việc thay đổi cách xếp lương giáo viên từ mầm non đến THCS công lập.

Ảnh minh họa. Nguồn: IT.
Ảnh minh họa. Nguồn: IT.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được đề cập tại Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT.

Theo đó, từ 20/3/2021 các Thông tư trên sẽ có hiệu lực, cách xếp lương cho giáo viên các cấp theo chức danh nghề nghiệp mới tương ứng như sau:

Giáo viên mầm non áp dụng hệ số lương từ 2,1 - 6,38 (hiện nay đang áp dụng hệ số lương dao động từ 1,86 - 4,98).

Giáo viên tiểu học áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (hiện nay hệ số lương của đối tượng này đang dao động từ 1,86 - 4,98).

Giáo viên THCS áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (hiện nay đang hưởng lương theo hệ số lương từ 2,1 - 6,38).

Thẩm quyền nâng lương đối với quân nhân thuộc Bộ Quốc phòng

Cũng từ ngày 15/3/2021, Thông tư 12/2021/TT-BQP sửa đổi Thông tư 170/2016/TT-BQP của Bộ Quốc phòng sẽ có hiệu lực.

Theo đó, Thông tư 12/2021/TT-BQP quy định, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ quyết định việc nâng lương đối với: Quân nhân chuyên nghiệp có hệ số lương từ 6,80 trở lên; Công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương từ 6,20 trở lên.

Tổng Tham mưu trưởng sẽ quyết định việc nâng lương đối với: Quân nhân chuyên nghiệp có hệ số lương dưới 6,80 và công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương dưới 6,20 thuộc Bộ Tổng Tham mưu và doanh nghiệp cổ phần trực thuộc Bộ Quốc phòng (Thông tư 170/2016/TT-BQP không quy định nội dung này).

Người chỉ huy đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng (trừ các doanh nghiệp cổ phần trực thuộc Bộ Quốc phòng) sẽ quyết định việc nâng lương đối với: Quân nhân chuyên nghiệp có hệ số lương dưới 6,80; Công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương dưới 6,20.

Quy định chuẩn nghèo đa chiều đến năm 2025

Từ ngày 15/3/2021, Nghị định 07/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 -2025 sẽ có hiệu lực.

Trong đó, mức chuẩn nghèo đa chiều năm 2021 tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg, cụ thể:

Khu vực nông thôn: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 700.000 đồng trở xuống.

Khu vực thành thị: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 900.000 đồng trở xuống.

Đối với mức chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025:

Khu vực nông thôn: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống.

Khu vực thành thị: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 02 triệu đồng trở xuống.

Phạt tới 10 triệu đồng nếu cho người khác “mượn” văn bằng, chứng chỉ

Từ ngày 10/3/2021, Nghị định 04/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục sẽ có hiệu lực.

Trong đó, khoản 1 Điều 23 Nghị định này quy định phạt từ 5 - 10 triệu đồng với một trong các hành vi sau: Cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.

Nếu cho người khác “mượn” văn bằng, chứng chỉ có thể sẽ bị phạt tới 10 triệu đồng. Ảnh minh họa.
Nếu cho người khác “mượn” văn bằng, chứng chỉ có thể sẽ bị phạt tới 10 triệu đồng. Ảnh minh họa.

Trong khi đó, quy định cũ tại Nghị định 138/2013/NĐ-CP, phạt tối đa 8 triệu đồng với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác và sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa.

Quy định 8 trường hợp khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng tuyến

Thông tư 30/2020 của Bộ Y tế có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP.

Trong đó, tại Điều 6 Thông tư này, các trường hợp khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng tuyến gồm:

- Đến khám, chữa bệnh đúng cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế.

- Đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám, chữa bệnh ở các cơ sở cùng tuyến khác trong cùng địa bàn tỉnh.

- Người tham gia bảo hiểm y tế trong tình trạng cấp cứu được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào trên phạm vi toàn quốc.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

- Người tham gia bảo hiểm y tế được chuyển tuyến.

- Người tham gia bảo hiểm y tế có giấy tờ chứng minh đang ở tại địa phương khác trong thời gian đi công tác, tạm trú… khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế.

- Người có giấy hẹn khám lại trong trường hợp đã được chuyển tuyến.

- Người đã hiến bộ phận cơ thể của mình phải điều trị ngay sau khi hiến bộ phận cơ thể.

- Trẻ sơ sinh phải điều trị ngay sau khi sinh ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.