Lùi thời hạn áp dụng sách giáo khoa mới là cần thiết

GD&TĐ - Đa số các đại biểu Quốc hội đều đồng ý về đề xuất lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới của Chính phủ.

Đại biểu Ngô Thị Minh (tỉnh Quảng Ninh) phát biểu ý kiến
Đại biểu Ngô Thị Minh (tỉnh Quảng Ninh) phát biểu ý kiến

Trong phiên họp chiều ngày 2/11, Quốc hội đã nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng về xin chủ trương lùi thời gian để thực hiện chương trình sách giáo khoa mới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho hay, đa số đại biểu đồng ý về thời gian lùi chương trình và sách giáo khoa mới là một năm và áp dụng từ năm 2019-2020.

Trong phiên họp này đã có 17 vị đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó có 14 nữ đại biểu Quốc hội phát biểu nội dung này.

Có một đại biểu tranh luận và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã rất cầu thị, giải trình và tiếp thu các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và có một lời như cam kết, đó là những việc đó Chính phủ tới đây cố gắng thực hiện tốt.

Cơ bản các vị đại biểu Quốc hội đều khẳng định việc thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các ngành, các địa phương đã tích cực triển khai trong thực hiện các nhiệm vụ để đưa áp dụng chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo yêu cầu như đã thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Các cơ quan của Quốc hội thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ, đôn đốc Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các cơ quan hữu quan trong việc triển khai nhiệm vụ theo yêu cầu nghị quyết của Quốc hội. Đến nay việc thực hiện nghị quyết cơ bản đã đạt được một số kết quả như đã báo cáo trước Quốc hội.

Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cho rằng do nhiều nguyên nhân nên việc chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình sách giáo khoa mới còn chậm, không bảo đảm đúng lộ trình và tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội. Phần công việc cần triển khai trước khi áp dụng chương trình sách giáo khoa mới trên phạm vi cả nước còn rất nhiều.

Vì vậy, đa số đại biểu Quốc hội phát biểu đều đồng ý với đề nghị của Chính phủ về thời gian lùi việc triển khai chương trình giáo dục giáo khoa phổ thông mới theo Nghị quyết 88 là 1 năm, theo đó bắt đầu thực hiện từ năm 2019 đến năm học 2020. Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội cũng đều nhất trí cần có nghị quyết về vấn đề này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ