Luật sư nói mức án với kẻ chiếm đoạt 100 triệu tiền ủng hộ góa phụ Rào Trăng 3

Liên quan đến vụ việc kẻ chiếm đoạt 100 triệu tiền ủng hộ goá phụ Rào Trăng 3, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đưa ra một số quan điểm dưới góc nhìn pháp lý.

Hành vi táng tận lương tâm, coi thường dư luận, bất chấp pháp luật

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đối tượng này nhắm vào nạn nhân là gia đình vừa có người tử vong ở thủy điện Rào Trăng 3 là hành vi táng tận lương tâm, coi thường dư luận, bất chấp pháp luật nên cần phải xử lý bằng các chế tài nghiêm minh.

Có thể nói rằng, những năm gần đây tội phạm công nghệ cao phát triển nhanh chóng, hiện tượng lừa đảo thông qua các phương tiện điện tử với hình thức truy cập trái phép vào thông tin, tài khoản của người khác hoặc lừa đảo để đánh cắp mã chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản là không hiếm. Tuy nhiên đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền của gia đình nạn nhân, gia đình vừa có người thiệt mạng trong vụ sạt lở đất, lũ lụt Miền Trung là hành vi hết sức tàn nhẫn, vô lương tâm và đáng bị trừng phạt bởi những chế tài nghiêm khắc của pháp luật!

Trong lúc gia đình tang tóc, bối rối, nhiều tổ chức, cá nhân liên hệ để chia sẻ, giúp đỡ thì các đối tượng đã lợi dụng hoàn cảnh như vậy để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sử dụng mạng điện tử, mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Có lẽ gia đình nạn nhân sẽ không nghĩ rằng có đối tượng nào nhẫn tâm đến mức biết hoàn cảnh gia đình như vậy mà vẫn gian dối để chiếm đoạt tài sản nên không đề phòng. Đây là thời điểm nạn nhân ít đề phòng nhất nên đối tượng có thể dễ dàng ra tay thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

“Với vụ việc như thế này chắc chắn cơ quan điều tra sẽ khẩn trương vào cuộc và làm quyết liệt để truy tìm đối tượng lừa đảo, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Theo thông tin từ phía cơ quan điều tra thì đến nay cơ quan điều tra đã bắt giữ được đối tượng nghi vấn, đây là việc làm cần thiết và hiệu quả để đảm bảo ổn định tâm lý của gia đình nạn nhân cũng như đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó ngân hàng cũng đã tạm thời hỗ trợ gia đình số tiền bị thất thoát để giải quyết những khó khăn trước mắt, việc làm này là có tình, có lý phù hợp với đạo đức kinh doanh và đạo đức xã hội. Hy vọng rằng gia đình nạn nhân sẽ không phải chịu thêm nỗi đau nào nữa.” - luật sư Đặng Văn Cường nói.

Đối mặt với mức cao nhất của khung hình phạt

Theo luật sư Đặng Văn Cường, đối tượng gây án trong vụ việc này là đối tượng có nắm bắt được thông tin của nạn nhân, thậm chí biết được nạn nhân có tiền trong tài khoản nên mới chủ động liên hệ, tìm cách tiếp cận và truy cập trái phép vào tài khoản của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra tiến hành khoanh vùng đối tượng, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để sàng lọc, cùng cố thông tin để xử lý theo quy định của pháp luật. Với các biện pháp nghiệp vụ và các thông tin, manh mối, dấu vết để lại thông qua hoạt động chuyển tiền, liên hệ với nạn nhân thì cơ quan điều tra đã sớm bắt giữ được đối tượng nghi vấn.

Luật sư Đặng Văn Cường khẳng định: “Hành vi của các đối tượng trong vụ việc này sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 hoặc tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo điều 290 bộ luật hình sự năm 2015 tùy thuộc vào hành vi cụ thể và thủ đoạn của đối tượng. 

Như vậy, trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy đối tượng đã thực hiện hành vi “Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản”. Với số tiền chiếm đoạt dưới 200.000.000 đồng thì đối tượng đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 290 bộ luật hình sự năm 2015 với mức hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm tù. Trong trường hợp đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015 thì đối tượng này sẽ không bị xử lý theo tội danh quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, đây là hành vi tàn nhẫn, táng tận lương tâm bởi nỗi đau của gia đình nạn nhân còn chưa dứt, số tiền đó là tiền thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân đóng góp ủng hộ cho gia đình nạn nhân mà bọn chúng cũng nhẫn tâm lừa đảo chiếm đoạt. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật hình sự bởi vậy cần phải có chế tài nghiêm khắc với những đối tượng như thế này để đảm bảo công bằng trước pháp luật cũng như để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: “Có thể đối tượng này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt là 07 năm tù. Trường hợp đối tượng này còn thực hiện những hành vi phạm tội khác, với các nạn nhân khác thì hình phạt của đối tượng sẽ nghiêm khắc hơn, mức cao nhất có thể là tù chung thân và có thể bị truy cứu thêm các tội danh khác. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ mở rộng điều tra để làm rõ xử lý.

Với những vụ án như thế này, thông thường các đối tượng sẽ có đồng phạm và thường sẽ có nhiều nạn nhân, thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng internet. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục mở rộng điều tra để xác định còn thêm nạn nhân nào khác hay không, xác minh làm rõ những đồng phạm khác (nếu có) và có thể áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn để sớm đưa ra xét xử nhằm răn đe phòng ngừa chung cho xã hội.”

Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

Điều 290. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản:

1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của Cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;

d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;

đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

c) Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như tin đã đưa, ngày 24/10, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Đắk Nông đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Phúc (SN 1997, trú xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) để điều tra, làm rõ về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan điều tra bước đầu xác định Nguyễn Văn Phúc chính là nghi can đã lừa chiếm đoạt 100 triệu đồng của chị Lê Thị Thu Thảo (trú xã Nam Nung, huyện Krông Nô, Đắk Nông).

Tại cơ quan công an, Phúc khai nhận, ngày 20/10 đã giả danh một nhà hảo tâm để gọi điện động viên, an ủi chị Thảo và nói muốn ủng hộ gia đình 6 triệu đồng. Sau đó, Phúc gửi 1 tin nhắn có chứa đường dẫn đến trang web của Phúc có giao diện giống giao diện của ngân hàng.

Đối tượng hướng dẫn chị Thảo nhấn vào đường link để được nhận tiền. Chị Thảo làm theo yêu cầu của Phúc thì phát hiện số tiền trong tài khoản được mọi người ủng hộ của mình bị mất 100 triệu đồng.

Nạn nhân sau đó đã khoá tài khoản và trình báo lực lượng chức năng. Đối tượng Nguyễn Văn Phúc bị bắt giữ chỉ 3 ngày sau đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.