(GD&TĐ) - Tại buổi thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm để phù hợp với cam kết Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Nhiều điểm của Luật Kinh doanh bảo hiểu của VN vẫn chưa phù hợp với thế giới. |
Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ là sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm để phù hợp với cam kết Tổ chức WTO của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; sửa đổi để phù hợp với các luật có liên quan và sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm ổn định và bền vững. Tuy nhiên, do hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới có liên quan đến việc chuyển tiền tệ từ trong nước ra nước ngoài thông qua thanh toán phí bảo hiểm, cũng như dòng tiền từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua thanh toán bồi thường tổn thất.
Do vậy, một số đại biểu Quốc hội đề nghị: Chính phủ cần sớm xây dựng các điều kiện cung cấp dịch vụ này để tránh thất thoát ngoại tệ và thất thu thuế. Thực tế việc giám sát cải cách thủ tục hành chính đã cho thấy, một số thủ tục hành chính không phù hợp được hình thành từ quy định chưa chặt chẽ của Luật. Nhiều ĐBQH cũng nêu rõ: Ban soạn thảo cần rà soát các quy định về đấu thầu, hợp tác, cạnh tranh, các hoạt động phải được Bộ Tài chính chấp thuận... Bởi nếu không tính toán kỹ càng sẽ phát sinh giấy phép con, thêm thủ tục hành chính, đi ngược với xu thế cải cách hiện nay.
Đại biểu Trần Đình Nhã (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu), Nguyễn Văn Phúc (đoàn Bình Thuận) đề nghị Ban soạn thảo làm rõ: Vì sao chỉ sửa đổi 15 nội dung, nhưng lại có đến 4 nội dung quan trọng được giao Chính phủ hướng dẫn thi hành? Trong khi đó, để hạn chế tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm lẩn tránh trách nhiệm với người mua bảo hiểm như hiện nay, các nội dung này cần được quy định cụ thể ngay trong Luật. Các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để quy định cụ thể tiêu chí, định mức, tỷ lệ tái bảo hiểm khi được nhượng lại; các loại hình bảo hiểm; điều kiện cấp phép... nhằm vừa giúp thị trường bảo hiểm phát triển ổn định, vừa bảo vệ quyền lợi của người dân. Đại biểu Trần Đình Nhã cho rằng, đã đến lúc cần hình thành thói quen xây dựng Luật không chỉ nhằm khắc phục những vấn đề còn vướng mắc hay chưa thống nhất với thông lệ thế giới. Luật cần quy định rõ ràng, minh bạch, dễ vận dụng và không phải chờ Nghị định hướng dẫn thi hành.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để bổ sung quy định về thành lập, sử dụng và cơ chế an toàn cho Quỹ bảo vệ cho người mua bảo hiểm. Bởi nếu doanh nghiệp phá sản thì quỹ này sẽ được sử dụng theo quy định của Luật Phá sản, khó có thể bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm. Như vậy, để bảo vệ quyền lợi cho người mua bảo hiểm thì cần có một cơ quan khác thực hiện trách nhiệm này, không thể trông chờ vào ý thức của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình), thời gian qua, nhiều Luật đã ban hành đều có quy định về việc thành lập quỹ, nhưng đến nay hiệu quả sử dụng, tính khả thi hay có khó khăn gì cho doanh nghiệp khi phải lập thêm các quỹ trích lập từ doanh thu đều chưa được tổng kết.
Quang Anh