(GD&TĐ) - GS Đào Văn Lượng, hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn: “Trái non chín ép” chỉ là quan điểm cá nhân của vài người
GS Đào Văn Lượng |
Dự thảo Luật GDĐH lần này có rất nhiều tiến bộ, nó không chỉ quy rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của các trường, Bộ ngành mà còn đưa ra được một đường hướng phát triển và xây dựng một nền GDĐH theo hướng hội nhập, hướng đến một xã hội học tập. Vì thế, tôi thấy cần sớm thông qua để có hành lang pháp lý đủ thoáng cho các trường ĐH phát triển.
Những điểm đổi mới trong bản dự thảo 5 như: cơ chế thành lập và hoạt động của giáo dục ĐH phi lợi nhuận, tính tự chủ tài chính, các trường không bị rào cản về kinh phí đầu tư cho mỗi SV, các trường được giao quyền tự chủ tương ứng với vai trò, nhiệm vụ …đã được đề cập và thể chế hóa. Đây là những điều đã được bàn thảo qua nhiều hội nghị. Dự Luật đã thể chế hóa khá tốt.
Những điều trên nay đã được quy định trong Luật Giáo dục ĐH là điều kiện rất lớn để các trường có thể mạnh dạn thực hiện những mục tiêu và lộ trình phát triển cho nhà trường.
Tuy nhiên, tôi thấy khái niệm "trường lợi nhuận" và "trường phi lợi nhuận" chưa rõ. Vì vậy chúng ta cần phải chỉ rõ ra điều này, nhằm tránh sự mập mờ trong xây dựng mô hình trường, giúp các trường có hướng đi một cách minh bạch, rõ ràng và công khai không chỉ về tài chính, chất lượng giáo dục, mà còn là việc xây dựng niềm tin với sinh viên và xã hội.
Với một cơ chế giáo dục ĐH mở như ngày nay, các trường cần phải được đảm bảo tối thiếu những điều như trên để phát triển (chủ động nguồn tuyển, đẩy mạnh xã hội hóa, tự chủ tài chính). Tôi đã đọc khá kỹ dự thảo, nên tôi thấy nội dung dự thảo lần này được soạn thảo rất tốt, nếu được ban hành sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống GD ĐH. Riêng với các trường ĐH ngoài công lập, dự thảo lần này không chỉ mở ra một hướng đi tốt trong đầu tư, phát triển với sự hỗ trợ của Nhà nước, mà nó còn là cơ hội để các trường tự xây dựng và khẳng định thương hiệu dựa trên sự phân tầng hệ thống các trường ĐH học hiện nay.
Còn một vài băn khoăn ở Dự luật này. Đó là vai trò của hội đồng Trường, hội đồng Khoa học chưa rõ. Cần nhấn mạnh vai trò của các nhà khoa học trong việc định hướng phát triển, xây dựng cơ cấu tổ chức, quyết định chương trình đào tạo, phương hướng NCKH... Vai trò của Hiệu trưởng cũng cần được nhấn mạnh; Hiệu trưởng phải được quyền bổ nhiệm các chức vụ khoa học như trưởng phó khoa, bộ môn, phong hàm GS, PGS, GV chính, GV (nhất là trong các trường NCL; HĐQT không thể quyết định đúng các vấn đề này).
Riêng về công tác hỗ trợ cho đội ngũ giảng viên, SV làm nghiên cứu khoa học trong trường, chúng ta đã và đang có một cơ chế mở rất tốt, khuyến khích được mọi đối tượng tham gia nghiên cứu. Nhưng tôi thấy chính sách hỗ trợ (kinh phí thực hiện), chính sách khuyến khích SV làm nghiên cứu khoa học cần được thể chế hóa bằng những ngạch mức cụ thể và phải được tăng lên nhiều so với mức phí hiện nay. Có như thế chất lượng làm nghiên cứu, thực hiện các công trình khoa học của giảng viên và SV mới có chất lượng và mang tính ứng dụng cao.
Việc tích lũy tín chỉ (Điều 26) theo tôi là bình thường nếu đã chấp nhận áp dụng Học chế Tín chỉ. Với những điều chỉnh mang tính đồng bộ, chi tiết và rạch ròi hơn trong nhiều vấn đề, tôi nghĩ dự thảo lần này đã khá hoàn chỉnh, bao quát được những vấn đề hiện nay của GDĐH. Việc một bản dự thảo đưa ra sẽ có nhiều luồng ý kiến trái chiều nhằm bổ sung và đóng góp những điều chưa cụ thể và bao quát là điều hết sức bình thường. Nhưng để đưa đến những nhận định kiểu: dự thảo chỉ là “trái non chín ép” hay quá vội vàng chắc chỉ là ý kiến cá nhân của một vài người. Vì vậy, việc sớm ban hành Dự luật này là cần thiết, nhằm sớm có khung pháp lý để các trường thực hiện.
Phòng NCKH chuyên ngành Sinh học |
TS Nguyễn Thị Quy- Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu GD- Trường ĐHSP TP. HCM: Tự chủ phải có điều kiện, phải được giám sát chặt chẽ!
TS Nguyễn Thị Quý |
Dự thảo Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) ra đời trong tình hình hiện nay là rất cần thiết. Sau khi khảo sát và nghiên cứu qua các lần Dự thảo Luật, chúng tôi ủng hộ Luật GDĐH và ghi nhận những điểm mới của Luật, trong đó có một số điểm mới rất đáng ghi nhận, đánh dấu bước phát triển mới của nền GDĐH nước nhà.
Việc trao quyền tự chủ cho các trường được mở rộng, từ tự chủ về tài chính đến quyền được in phôi bằng, được quyền cấp bằng… Ngành GD& ĐT sẽ giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường theo một lộ trình. Tự chủ nếu được thực hiện theo lộ trình, trình tự sẽ phát huy được hiệu quả. Tự chủ phải có điều kiện, phải có giám sát chặt chẽ của Bộ GD& ĐT. Không giao ngay lập tức và không giao đồng loạt, vì có những trường mới thành lập, năng lực quản lý còn thấp. Đặc biệt là trong công tác tuyển sinh, nếu không kiểm soát chặt chẽ thì sẽ rất lộn xộn, có trường sẽ tuyển sinh không đủ chuẩn hoặc chạy theo số lượng, như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng “đầu vào” và “đầu ra” của hệ thống GDĐH.
Song song với việc trao quyền tự chủ cũng cần phải đổi mới công tác quản lý của Bộ đối với các trường ĐH và các trường cũng cần phải đổi mới quản lý. Khi Luật GDĐH ra đời sẽ củng cố và phát huy tinh thần đổi mới quản lý ở các cấp. Thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 296 về Đổi mới quản lý GDĐH giai đoạn 2010 - 2012, trong đó có đoạn: “Phải kiên quyết chấm dứt tình trạng không kiểm soát được chất lượng đào tạo. Cần tạo ra cơ chế và động lực trong quản lý nhà nước và quản lý của các cơ sở đào tạo để thực hiện mục tiêu đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo”.
Nhìn chung Dự thảo Luật GDĐH đã đề cập đến nhiều vấn đề cấp thiết và hệ trọng cho nền GD nước nhà, trong đó tự chủ thể hiện bước phát triển mới và hợp xu thế chung của GDĐH trong nước và quốc tế. Chúng ta đã từng bước đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tạo động lực và sự chủ động của các cơ sở GD, các chủ thể tiến hành GDĐH. Tính tự chủ của các trường ĐH ngày càng được chú trọng, việc giao quyền tự chủ cho các trường đã được mở rộng rất nhiều. Trong Dự thảo Luật, tự chủ sẽ hướng các trường đến tự chủ về quản lý, chương trình đào tạo, tuyển dụng nhân sự, liên kết đào tạo, phối hợp với các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp trong định hướng và phát triển nhà trường… Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là làm sao đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Anh Tú, Quốc Ngữ (ghi)