(GD&TĐ) - Chiều 14-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH). Các đại biểu đều thể hiện sự tán thành cơ bản với nội dung dự thảo. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, để luật nhanh đi vào cuộc sống, điều chỉnh hiệu quả giáo dục đại học, luật cần quy định cụ thể hơn, hạn chế thấp nhất việc giao Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, hướng dẫn…
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) phát biểu ý kiến |
Luật phải giải quyết vấn đề cơ bản
Tại buổi thảo luật, các đại biểu đều thể hiện sự đồng tình với việc cần thiết ban hành Luật GDĐH để thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới và phát triển GDĐH; tạo hành lang pháp lý thuận lợi và thống nhất để điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến GDĐH, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) khẳng định sự cần thiết ban hành luật vì hiện nay các quy định còn thiếu, chung chung nên chưa tạo điều kiện tốt nhất cho GDĐH. Sự cần thiết đó cũng đòi hỏi dự thảo luật GDĐH cần cụ thể, tránh chung chung. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, dự thảo luật còn có một số quy định chung chung, giao cho Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do vậy, cần rà soát để quy định cụ thể hơn, hạn chế giao Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và hướng dẫn.
Cùng quan điểm với đại biểu Bé, đại biểu Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, luật cần quy định cụ thể hơn, không nên quy định một cách khái quát. Tâm huyết với GDĐH, đại biểu Lê Văn Học (đoàn Lâm Đồng) nhấn mạnh: Luật không tham vọng giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến GDĐH nói chung, nhưng phải giải quyết vấn đề cơ bản.
Nâng cao chất lượng đào tạo đại học
Một trong những nguyên nhân khiến GDĐH chưa đạt chất lượng cao trong thời gian vừa qua là do đội ngũ giáo viên còn thiếu và yếu. Đại biểu Nguyễn Thị Hải (đoàn Nghệ An) phân tích: một tồn tại lớn GDĐH là số lượng trường, sinh viên không ngừng tăng, nhưng đội ngũ nhà giáo vừa thiếu vừa chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, có tình trạng một thầy dạy tới 4-5 trường, phải thuê trợ giảng cho những khoản thời gian không sắp xếp được. Điều này là thực tế cần sớm có biện pháp giải quyết, do vậy dự thảo luật cần có một điều khoản quy định về vấn đề này. Như một số ý kiến, đại biểu Hải đồng tình cần quy định trình độ chuẩn của giảng viên phải có trình độ thạc sỹ trở lên.
Với đại biểu Trần Minh Diệu (đoàn Quảng Bình) để nâng cao chất lượng GDĐH cần quy hoạch lại mạng lưới GDĐH. Dự thảo luật cần có chế tài đủ mạnh để cơ cấu lại mạng lưới GDĐH, tránh việc mở nhiều trường như thời gian vừa qua.
Vũ Thành