Luật định và quyền tự chủ

Luật định và quyền tự chủ

(GD&TĐ) - Những ngày qua dư luận xã hội nói nhiều về “Dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ”. Theo đó, các trường ĐH, CĐ có thể lựa chọn và quyết định phương thức tuyển sinh là thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.

Dự thảo cũng nêu rõ, các trường tổ chức tuyển sinh riêng không sử dụng kết quả thi của kỳ thi chung do Bộ GD&ĐT tổ chức. Kết quả thi của thí sinh chỉ có giá trị xét tuyển vào các trường tổ chức thi tuyển sinh theo cùng đề án, không có giá trị xét tuyển sang trường khác. 

Thể theo mong muốn thiết tha của một số nhà trường và cũng đúng theo tinh thần của Luật Giáo dục đại học quy định, quyền tự chủ trong tuyển sinh đã được giao cho các nhà trường.

Thực ra đây là điều mà Bộ GD&ĐT đã mong muốn từ nhiều năm trước, nhưng với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT không thể giao cho các trường tự chủ sớm hơn được, khi mà tính tự chịu trách nhiệm của các nhà trường chưa cao, giao tự chủ cũng đồng nghĩa với bất ổn định trong tuyển sinh và đào tạo.

Cũng cần phải hiểu: Tự chủ tuyển sinh, tuyển sinh riêng không theo “ba chung” (chung đợt, chung đề, chung kết quả), cũng đồng nghĩa với việc các trường sẽ phải lên kế hoạch tuyển sinh cho riêng mình với các cách thức thi, chấm và gọi nhập học... Có điều, những quy trình đó phải đảm bảo các yếu tố công bằng, chính xác, làm sai các trường sẽ phải chịu trách nhiệm trước người học và xã hội.

Không phải giờ đây theo quy định của Luật Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT mới giao quyền tự chủ cho các trường, mà trước đó nhiều năm Bộ cũng đã đề nghị những đại học lớn, có uy tín và điều kiện thực hiện thí điểm tự chủ trong tuyển sinh.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa có trường nào đề xuất thực hiện. Có chăng chỉ là Đại học Quốc gia Hà Nội mới đưa ra thí điểm trong năm nay với quy mô rất nhỏ.

Tự chủ tuyển sinh, tuyển sinh riêng giờ đây các trường sẽ đối mặt với những công việc không hề đơn giản: Ra đề thi, chấm thi, gọi nhập học và bất cứ một sơ xuất nhỏ nào cũng có thể xảy ra, các trường sẽ phải tự chịu trách nhiệm.

Tự chịu trách nhiệm đã trở thành Luật định. Thêm nữa, những trường đề xuất tuyển sinh riêng không tránh khỏi đối mặt với việc khó khăn trong việc thu hút thí sinh. Lẽ đơn giản là đa phần những trường này đều là ngoài công lập và mới được thành lập, uy tín trong xã hội còn chưa cao.

Chính vì thế, sau khi Bộ GD&ĐT đưa ra “Dự thảo Quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ” để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội, những tưởng sẽ có nhiều trường hưởng ứng, tuy nhiên diễn biến lại không như vậy.

Có trường trước đây liên tục đề xuất tuyển sinh riêng thì nay xin rút lại... Tựu chung, các trường vẫn còn vương vấn với “chiếc áo 3 chung”. Bởi “3 chung” vẫn là lựa chọn tốt nhất, hợp lý nhất, cho đến thời điểm này chưa có cách nào tốt hơn để thay thế, và cũng bởi “3 chung” là giải pháp quá an toàn cho các nhà trường.

Dư Khương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ