Tại Nghệ An, bệnh viện Bạch Mai đã cử 26 bác sĩ, chuyên gia thuộc các chuyên ngành khám bệnh, huyết học, mắt, thần kinh, nội tiết – đái tháo đường, cơ xương khớp, truyền nhiễm... vào công tác tại bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An.
Trong thời gian 48 tháng, các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai đã tận tình hướng dẫn cho từng bác sĩ, kỹ thuật viên, từng khoa chuyên môn. Cũng trong thời gian này, bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cử 53 lượt bác sĩ, kỹ thuật viên ra học tập tại bệnh viện Bach Mai, thông qua những lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn.
Với rất nhiều chuyên ngành đào tạo, các bác sĩ khi quay về đã triển khai tốt những kỹ thuật học được. Nhờ đó, trình độ chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện không ngừng nâng cao, thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân Nghệ An và các tỉnh lân cận.
Nói về việc luân chuyển bác sĩ về tuyến dưới, PGS.TS Lê Thanh Hải, giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện đặt mục tiêu và quyết tâm phối hợp để hỗ trợ, xây dựng hệ thống chăm sóc sức khoẻ trẻ em tốt ngay tại địa phương, giúp các em được chăm sóc sức khoẻ như tuyến Trung ương. Theo đó, bệnh viện Nhi Trung ương đã triển khai đưa 2-3 bác sĩ nội trú có chuyên môn về công tác luân phiên liên tục trong vòng 2 năm tại các miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Trên thực tê, việc luân chuyển bác sĩ từ tuyến trên xuống tuyến dưới đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn cho nhiều y tế tuyến dưới. Y tế tuyến dưới đã và đang chuyển mình từ chương trình luân chuyển bác sĩ, góp phần chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.
Nhờ có chế độ luân chuyển bác sĩ về các bệnh viện tuyến dưới đã triển khai được nhiều kỹ thuật cao, phức tạp mà trước đây chỉ có bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương mới thực hiện được.
Cái khó khăn nhất của y tế tuyến dưới là yếu tố con người bởi theo quy định bác sĩ mới ra trường không được phép ký các giấy tờ bệnh án nên hệ thống y tế tuyến dưới rất cần những bác sĩ tăng cường.
Theo thống kê của Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có gần 9000 lượt cán bộ bác sĩ đi hỗ trợ tuyến dưới. Các bác sĩ được tăng cường trực tiếp khám chữa bệnh cho nhân dân, đào tạo tại chỗ cho các cán bộ y tế tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ.
Theo bác sĩ Phạm Hồng Việt, giám đốc bệnh viện Mường Khương (Lào Cai), ngành Y là ngành đặc thù, để đào tạo được một bác sĩ đòi hỏi nhiều yếu tố. Hơn nữa, đối với các bệnh viện vùng cao rất khó mời gọi bác sĩ về công tác.
Lợi ích rõ nhất của việc luân chuyển bác sĩ là người dân đặc biệt người dân các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được hưởng các dịch vụ khám chữa bệnh tại chỗ chất lượng cao. Người dân yên tâm hơn khi khám chữa bệnh tại địa phương. Bên cạnh đó, người bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng, kỹ thuật tiên tiến trong việc chăm sóc sức khoẻ mà không phải tốn phí đi lại.
Việc đưa bác sĩ trẻ có chuyên môn về tuyến dưới của bệnh viện Nhi Trung ương xuống bệnh viện đa khoa Mường Khương đã đem lại nhiều hiệu quả. Số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị tại bệnh viện tăng, trung bình mỗi ngày có 40-50 trẻ đến khám và số điều trị nội trú cũng duy trì ở mức cao, tỷ lệ chuyển tuyến cũng giảm rõ rệt.