(GD&TĐ) - Sinh hoạt tổ chuyên môn là hoạt động nòng cốt, không thể thiếu trong trường phổ thông. Thông qua sinh hoạt tổ chuyên môn, các thành viên trong tổ có thể trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, đề xuất các biện pháp giải quyết vướng mắc trong quá trình lên lớp, góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải tất cả các tổ chuyên môn ở trường phổ thông đều thực hiện tốt chức năng này.
Khi tổ chuyên môn không phát huy tác dụng
Mọi hoạt động nghiệp vụ chuyên môn liên quan đến dạy và học của nhà trường, ban giám hiệu đều phải thông qua tổ trưởng chuyên môn để điều hành. Vì mỗi hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng dù giỏi đến đâu cũng chỉ được đào tạo chuyên trách từ một tới hai môn học phổ thông, khó có thể theo dõi quá trình lên lớp, giáo dục học sinh của từng thành viên.
Mọi hoạt động, từ trực tiếp quản lý các thành viên trong tổ, xây dựng kế hoạch, đến theo dõi quá trình lên lớp, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho GV đến xếp loại, đề xuất khen thưởng, kỷ luật ở trong tổ đều do tổ trưởng chịu trách nhiệm trước ban giám hiệu.
Để hoàn thành đúng chức năng trên, tất nhiên, tổ trưởng chuyên môn cũng phải có những phẩm chất của người lãnh đạo: có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực, trình độ, kinh nghiệm chuyên môn; có uy tín đối với đồng nghiệp, HS; có khả năng tập hợp giáo viên trong tổ, biết lắng nghe, tạo sự đoàn kết, gương mẫu, công bằng, kiên trì, khéo léo trong giao tiếp ứng xử.
Qua thăm dò ý kiến từ cơ sở, có thể thấy tỷ lệ tổ trưởng chuyên môn đạt yêu cầu hoàn hảo nêu trên còn thấp và không đồng đều giữa các địa phương. Số tổ trưởng thực sự có uy tín, có năng lực chưa nhiều, và càng ở cấp học bên dưới thì việc chọn lựa tổ trưởng chuyên môn càng ít đạt theo yêu cầu đề ra.
Ở các trường phổ thông hiện nay, vị trí tổ trưởng chuyên môn phần lớn là do hiệu trưởng sắp xếp. Điều này cũng phù hợp, vì tránh tình trạng bầu bán cả nể, bằng mặt mà không bằng lòng ở bên dưới. Một hiệu trưởng giỏi, biết nhìn xa, trông rộng, biết lắng nghe ý kiến của những người xung quanh, ắt sẽ chọn ra được đội ngũ tổ trưởng chuyên môn tốt. Nhưng đã xảy ra thực trạng, hiệu trưởng thích chọn mẫu người mẫn cán, cần cù theo kiểu “ gọi dạ, bảo vâng” để phục vụ cho lợi ích cá nhân mà bỏ qua yếu tố quan trọng là chất lượng, hiệu quả .
Theo quy định của điều lệ nhà trường, tổ chuyên môn của các trường thường tổ chức sinh hoạt mỗi tháng 2 lần. Tùy yêu cầu cụ thể đặt ra trong mỗi lần sinh hoạt và có lẽ không trường nào không hướng đến nội dung bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên.
Tuy nhiên, cách thức, hiệu quả bồi dưỡng ra sao lại là câu chuyện đáng phải bàn. Qua theo dõi biên bản sinh hoạt của một số tổ chuyên môn ở trường phổ thông, tôi thấy na ná giống nhau ở trình tự như sau: Góp ý, đánh giá tiết dạy thao giảng (tiết dự giờ, thăm lớp hay dạy mẫu); Kiểm điểm công tác tháng, tuần (đã qua), triển khai kế hoạch tuần đến; tháng đến.
Gần đây, trường nào cũng đề ra quy định cho các tổ chuyên môn mỗi tháng phải thực hiện một chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học và tổ chuyên môn nào cũng làm theo yêu cầu đó. Nhưng trong thực tế, việc giáo viên lên lớp dạy một tiết, sau đó cả tổ cùng góp ý, đánh giá ở các tổ chuyên môn hiện nay vẫn rơi vào tình trạng hình thức, đối phó với kế hoạch đặt ra.
Giáo viên có nhiệt thành, học sinh mới tích cực |
Phải bắt đầu từ việc tạo sinh khí
Nhận xét về không khí sinh hoạt tổ chuyên môn hiện nay ở trường, cô giáo P.T.H.M, giáo viên của Thừa Thiên Huế tâm sự: “Bây giờ điều kiện thuận lợi, đời sống đỡ khó khăn, chật vật nhưng lại kém khí thế so với ngày chúng tôi mới ra trường. Tâm lý chung là ngại, vì ngoài giờ dạy, chỉ mong chóng hết giờ để về nhà dạy thêm, làm thêm việc nhà. Ngại nhất là những buổi sinh hoạt chuyên môn, phải lo hồ sơ, giáo án để kiểm tra xếp loại thi đua”.
Còn thầy giáo T.N.V ở Quảng Nam cho biết: “Mỗi lần vào đầu buổi sinh hoạt, tổ trưởng chuyên môn lại rào đón: các đồng chí cố gắng vậy, thôi thì “ăn cơm chúa múa tối ngày”; làm sao đừng để hiệu trưởng đổ tất tần tật lên đầu tổ trưởng là được”.
Lời của thầy T.N.V làm tôi giật mình nhớ đã từng có lần tiếp xúc với dạng tổ trưởng mẫn cán kiểu công chức, việc gì ban giám hiệu yêu cầu cũng được lập tức truyền đạt xuống từng thành viên ở tổ. Nhưng sự kém lửa nhiệt thành ở dạng tổ trưởng này rất tai hại.
Chẳng hạn, sau một tiết dự giờ đồng nghiệp, thay vì từng tổ viên có thể góp ý sôi nổi, đưa ra những ý tưởng mới của mình, thì lại góp ý qua loa cho xong chuyện, hay là nhìn mặt đặt tên để mà xếp loại. Một buổi sinh hoạt tổ chuyên môn thường chỉ diễn ra trong vòng 3 tiếng đồng hồ.
Chuẩn bị trước các nội dung sinh hoạt sao cho vừa thiết thực, vừa phong phú, sinh động không hề đơn giản, đòi hỏi tổ trưởng chuyên môn phải chuẩn bị trước về nội dung và cả cách thức thực hiện. Không nên lặp lại một kiểu sinh hoạt chuyên môn từ tháng náy đến tháng khác theo kiểu đến hẹn lại lên mà nên có sự thay đổi linh hoạt và luôn tạo ra sự mới mẻ. Tùy yêu cầu về tính chất, nội dung công việc mà chọn một hình thức cho phù hợp.
Bất cứ tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo kiểu gì cũng nên tránh nặng về hành chính, sự vụ. Muốn vậy, hơn ai hết, ban giám hiệu, tổ trưởng phải là người thủ lĩnh để tạo sinh khí phấn chấn cho đội ngũ. Trước một buổi sinh hoạt chuyên môn, tổ trưởng nên đặt câu hỏi trong đầu: Như thế nào gọi là mới và đổi mới ra sao? Chẳng hạn,có thể xây dựng một tiết dạy mà trước đó, tất cả các GV đã được nghiên cứu, trao đổi, thảo luận về phương pháp dạy hiệu quả; tổ chức cho vài ba giáo viên cùng tiến hành dạy thử nghiệm để đúc rút kinh nghiệm.
Hay như việc cử một giáo viên nào đó báo cáo chuyên đề, thì ít ra, tài liệu phải được phát trước cho từng GV nghiên cứu; tổ trưởng trong vai trò đạo diễn, đặt câu hỏi tìm ra vấn đề nổi cộm để tạo tình huống tháo gỡ… Kinh nghiệm cho thấy, những giáo viên có tố chất chuyên môn đậm đặc đều đam mê lên lớp và sáng tạo. Nếu tất cả các tổ trưởng chuyên môn đều có tố chất như thế, chắc chắn việc thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy không chỉ dễ dàng mà còn tạo ra niềm vui nghề nghiệp-hành trang cần thiết cho mỗi người thầy.
Nguyễn Thị Thúy Hồng