Lựa chọn khôn ngoan của Quang Hải

GD&TĐ - Người hâm mộ Việt Nam thực sự “sốc” khi Quang Hải gia nhập Pau FC, đội bóng gần như vô danh ở giải hạng 2 Pháp. Nhưng đây có lẽ là quyết định quan trọng của Hải “con” để khởi đầu cho tham vọng chơi bóng ở trời Âu.

Quang Hải trên sân Nouste Camp của Pau FC.
Quang Hải trên sân Nouste Camp của Pau FC.

Đội bóng “nhà nghèo”

Từ khi Quang Hải kết thúc hợp đồng với câu lạc bộ Hà Nội đến cuối tháng 6, đã xuất hiện rất nhiều đồn đoán về bến đỗ mới của cầu thủ này. Nhiều cái tên từ hạng Nhất Tây Ban Nha, đến hạng Nhất hay hạng Nhì Pháp đã được nhắc đến. Tuy nhiên, người hâm mộ và truyền thông Việt Nam, kể cả một số tờ báo Pháp đã “việt vị”. Pau FC mới là sự lựa chọn của cầu thủ ngôi sao Việt Nam.

“Việc Quang Hải có được ra sân nhiều hay không thì phải hỏi huấn luyện viên. Tuy nhiên khi xem video Quang Hải đá bóng, tôi thấy đây là một cầu thủ giỏi mà chúng tôi chưa từng có. Chúng tôi cần một cầu thủ có thể đưa đội bóng đến chiến thắng ở một thời điểm nào đó. Pau FC cần phải có bàn thắng từ không chỉ các tiền đạo mà còn là các vị trí khác. Quang Hải là mẫu cầu thủ như vậy. Mục tiêu của Pau FC là từ từ tiến lên Ligue 1, nhưng trước tiên, chúng tôi phải làm tốt ở Ligue 2. - Ông Bernard Laporte-Fray (Chủ tịch Pau FC)

Đến khi thông tin chính thức được xác nhận, Quang Hải ký hợp đồng 2 năm kèm 1 năm lựa chọn gia hạn với Pau FC, cổ động viên Việt Nam đã phải dùng đến công cụ Google để tìm kiếm thông tin.

Pau FC được thành lập vào năm 1959, đã có 63 năm phát triển. Đội bóng này thăng hạng Ligue 2 từ mùa giải 2020-21. Đây cũng là thành tích tốt nhất của Pau FC trong suốt chiều dài lịch sử. Ở mùa giải đầu tiên chinh chiến ở Ligue 2 (2020-21), đội bóng này về đích thứ 14 và mùa giải vừa qua (2021-22), Pau FC về đích thứ 10.

Hẳn nhiều người hâm mộ Việt Nam sẽ hụt hẫng vì từng nghĩ Quang Hải sẽ tới 1 đội bóng tên tuổi lớn hơn, hay chí ít là đang thi đấu ở giải cao nhất của một quốc gia nào đó tại châu Âu. Và theo như bình luận của các tờ báo Pháp, Pau FC thực sự cần Quang Hải cho vấn đề chuyên môn và cũng phần nào vì mục tiêu tài chính, bởi họ là đội có ngân sách hoạt động eo hẹp nhất Ligue 2.

Trong bảng xếp hạng ngân sách của các đội bóng tại Ligue 2 mùa giải 2021-22, Pau FC đứng áp chót. Đội bóng cuối cùng là USL Dunkerque (tuyển thủ Lào Billy Ketkeophomphone từng khoác áo) thì nay đã xuống hạng Ba. Mùa giải mới, Pau FC chưa được công bố ngân sách nhưng mùa trước, đội bóng chỉ được ông chủ cấp tổng cộng 6,5 triệu euro. So với các câu lạc bộ từng tiếp cận Quang Hải trước kia như Paris FC (17 triệu euro), Nimes (11,5) hay Grenoble (8) thì Pau FC thực sự nghèo và khó khăn hơn tất cả.

Quang Hải trong buổi tập ở Pau FC.

Quang Hải trong buổi tập ở Pau FC.

Vì vậy có thể nói, Pau FC chính là đội bóng nghèo nhất Ligue 2. Sự khiêm tốn của Pau FC thể hiện trên mọi khía cạnh, từ quy mô của nơi họ đóng quân (tỉnh Pyrénées-Atlantiques chỉ có dân số chưa tới 100 nghìn người). Sân bóng của Pau FC chỉ có sức 4.000 người, bé nhất Ligue 2. Những trận đấu với các đối thủ lớn, họ phải đi mượn sân để thi đấu.

Khó khăn về tài chính nên Pau FC thường chiêu mộ cầu thủ miễn phí, hoặc mượn từ các đội bóng khác. Trong danh sách đang có, đội bóng này mượn tới 7 người, và số còn lại thì rất nhiều người đến theo dạng tự do, trong đó có Quang Hải.

Theo tiết lộ của ông Nguyễn Đắc Văn, đại diện của Quang Hải, tiền vệ này sẽ hưởng mức lương dao động từ 200 - 300 nghìn euro/mùa tại Paul FC, tương đương 20 - 30 nghìn euro/tháng. Những cầu thủ thu nhập cao ở FC Pau có tiền đạo Ebenezer Assifuah (người Ghana) 330 nghìn euro/mùa, khoảng 8 tỉ đồng, hay tiền vệ Diarra (Mali) 600 nghìn euro/mùa, khoảng 15 tỉ đồng. Mặc dù vậy, một số nguồn tin cho rằng Quang Hải có thể chỉ nhận được 8 nghìn euro/tháng (khoảng 200 triệu đồng).

Những con số ước tính về mức lương của Quang Hải tại Pháp đều thấp hơn rất nhiều so với mức thu nhập mà một số đội bóng Việt Nam đã chào mời tiền vệ sinh năm 1997. Đơn cử ngay khi Quang Hải chuẩn bị chia tay câu lạc bộ bóng đá Hà Nội, đã có đội bóng đưa ra mức lương 150 triệu đồng/tháng với Quang Hải, và số tiền “lót tay” lên đến mức 8 tỷ đồng/năm hợp đồng. Nếu ký hợp đồng 3 năm, Quang Hải có thể bỏ túi khoảng 30 tỷ đồng, cả lương và chi phí “lót tay”.

Tuy nhiên, mọi cuộc đàm phán để thành công đều cần hội tụ những điều khoản mang tới sự hài lòng cho cả 2 phía. Quang Hải ký hợp đồng với Pau FC không phải vì tiền! Những giá trị tuyển thủ Việt Nam nhận được trong tương lai thậm chí có thể lớn hơn lương và các chế độ khác hiện nay. Hợp đồng với Pau FC mở ra cơ hội cho Quang Hải chuyển tới đội bóng khác nếu anh khẳng định được giá trị.

Trong buổi họp báo ra mắt Pau FC, Quang Hải cho biết: “Đây là quyết định để tôi có thể trải nghiệm, có thêm bước tiến trong sự nghiệp. Tôi rất hài lòng khi có mặt tại đây, trở thành một phần của Pau FC. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều để làm sao cùng ban lãnh đạo tìm tiếng nói chung và cùng nhau tạo nên một tập thể tốt nhất. Tôi và ê-kíp của mình đã tính toán kỹ lưỡng, kể cả tâm lý. Tôi sẽ nỗ lực để thi đấu không chỉ tiền vệ mà còn là các vị trí khác trên hàng công”.

Khi được hỏi về việc dám rời khỏi vùng an toàn để phát triển sự nghiệp, nơi không còn ánh hào quang và sự nổi tiếng như ở quê nhà, Quang Hải cho biết mình đã để lại mọi thành công trước đây và chấp nhận những thử thách mới mẻ.

“Pau FC là môi trường mà tôi cho rằng phù hợp nhất để mình có thể phát triển khả năng của mình hơn nữa. Tôi muốn chứng minh mình là một cầu thủ bóng đá, thể hiện ở trên sân và tôi muốn mọi người nhớ đến mình như vậy. Chứng kiến lối chơi của Pau F mùa trước, tôi đã biết được huấn luyện viên trưởng thường sử dụng những sơ đồ chiến thuật gì. Tôi nghĩ mình phù hợp với triết lý đó và có thể đáp ứng được chuyên môn”, tiền vệ sinh năm 1997 cho hay.

Quang Hải và huấn luyện viên Didier Tholot.

Quang Hải và huấn luyện viên Didier Tholot.

Quyết định khôn ngoan

Bóng đá Việt Nam từng có 3 cầu thủ tới châu Âu thi đấu trước đây là Công Vinh (Leixoes - Bồ Đào Nha), Nguyễn Công Phượng (Sint-Truidense - Bỉ) và Đoàn Văn Hậu (Heerenveen - Hà Lan). Nhưng tất cả đều thất bại vì không có “đất diễn”. Vậy nên, những chuyến sang châu Âu trước đây của bóng đá Việt Nam mang tính hình ảnh, hoặc thương mại nhiều hơn giá trị chuyên môn. Quang Hải thì khác! Anh ý thức rất rõ về cơ hội phát triển, hay chí ít là thử thách mình ở một môi trường mới.

Với mục tiêu đó, Quang Hải ưu tiên “được chơi bóng” hơn tất cả các yếu tố khác như tiền bạc hay tên tuổi. Vì vậy, không quá bất ngờ khi tiền vệ số 19 của đội tuyển Việt Nam đi tới lựa chọn “an toàn” là tới Pau FC. Ở mùa giải năm ngoái, Pau FC đứng thứ 10 tại Ligue 2. Đội bóng này không có nhiều ngôi sao trong đội hình. Với tiềm lực tài chính eo hẹp, Pau chỉ dám nghĩ tới mục tiêu khiêm tốn là trụ lại giải hạng 2 Pháp. Đây là cơ sở để Quang Hải sẽ được ra sân nhiều hơn.

Trong kỳ chuyển nhượng mùa hè năm nay, Pau FC hết hạn hợp đồng với 12 cầu thủ. Phó Chủ tịch đội bóng này tuyên bố sẽ mang về 12 cái tên mới để chuẩn bị cho cuộc cải tổ mạnh mẽ. Do đó, Quang Hải đến Pau FC sẽ có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với các tân binh thay vì phải chờ đợi cơ hội từ các cầu thủ cũ, vốn đã khẳng định được vị trí và tiếng nói quan trọng trong phòng thay đồ. Việc có nhiều tân binh cũng giúp chia nhỏ sự kỳ vọng từ phía người hâm mộ và Quang Hải sẽ không phải hứng chịu những áp lực không cần thiết.

Được ra sân nhiều hơn đồng nghĩa với việc Quang Hải sẽ có thêm cơ hội chứng tỏ tài năng ở môi trường mới. Bên cạnh đó, Pau FC còn chạm trán các đội bóng ở Ligue 1 trong khuôn khổ Cúp Quốc gia Pháp. Năm 2020, đội chủ nhà Pau FC chạm trán gã khổng lồ PSG và để thua với tỉ số 0-2. Do vậy, Quang Hải hoàn toàn có khả năng đối đầu với những siêu sao hàng đầu thế giới như Messi hay Neymar, hay Mbappe.

Quang Hải đã đúng khi nói rằng mình sẽ bắt đầu từ con số 0 tại Pau FC. Anh rất nổi tiếng ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung nhưng thuộc hàng “vô danh” khi thi đấu tại Pháp. Trong bối cảnh như vậy, tiền vệ Việt Nam sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần để gây dựng tên tuổi. Nó rất khác với việc Hải con chấp nhận ở lại Việt Nam và hài lòng với những gì mình có.

Quang Hải và người đại diện của mình chắc chắn đã cân nhắc rất kĩ lưỡng các điều khoản để tới Pau FC chứ không phải đội bóng nào khác. Trên sân cỏ, Hải con luôn được đánh giá cao với các quyết định khôn ngoan. Đây có thể cũng sẽ là 1 quyết định sáng suốt của Quang Hải bởi anh hiểu rõ hơn ai hết mình cần gì, có thể làm gì để trụ lại và xa hơn là ghi dấu ấn ở lục địa già.

Dù chỉ là giải hạng 2 của Pháp nhưng Ligue 2 vẫn được đánh giá cao về tính chuyên nghiệp. Giải đấu này đã trở thành bệ phóng cho không ít các tài năng như Laurent Koscielny, Riyad Mahrez, N’golo Kante, Dayot Upamecano, Ibrahim Konate… Ở Ligue 2, không thiếu các tuyển trạch viên của các câu lạc bộ Ligue 1 và các giải đấu lớn từ Anh, Ý, Đức... Nếu chơi nổi bật, Quang Hải sẽ có cơ hội vươn xa. Nó hơn hẳn việc tới 1 câu lạc bộ lớn hơn và đánh bóng ghế dự bị, hoặc thi đấu cho đội trẻ.

Sau khi kí hợp đồng và họp báo ra mắt, Quang Hải đã bước vào những buổi tập đầu tiên tại Pau FC. Tuyển thủ Việt Nam đã nhanh chóng hoà nhập với môi trường mới. Anh phối hợp ăn ý, nhịp nhàng cùng các đồng đội, thậm chí không ngần ngại biểu diễn kĩ thuật khi cần thiết. Không chỉ gây ấn tượng với phong thái tự tin, trong buổi tập thứ 2, tiền vệ của đội tuyển Việt Nam còn ghi điểm với cú chọc khe để đồng đội băng xuống đối mặt thủ môn và ghi bàn. Điều đó tiếp thêm sự tự tin rất lớn cho Quang Hải ở môi trường hoàn toàn mới.

Với Pau FC, đội bóng trung bình của Ligue 2, khả năng Quang Hải thất bại cực thấp. Vấn đề chỉ còn là anh sẽ vươn đến đâu mà thôi!

Theo Transfermarkt, đội hình của Pau FC hiện tại được định giá khoảng 11,7 triệu euro, đứng thứ 16/20 đội bóng tại Ligue 2. Stefan Bajic, thủ môn 20 tuổi mang 2 dòng máu Pháp và Serbia, hiện là cầu thủ đắt nhất đội hình Pau FC, 1,8 triệu euro. Trong top 5 cầu thủ đắt giá của Pau FC, ngoài Bajic còn có Victor Lobry (1,5 triệu euro), Erwin Koffi (900.000 euro), Samuel Essende và Quentin Daubin (800.000 euro). Quang Hải được định giá khoảng 400 nghìn euro.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.