Lư đồng “giữ lửa” giữa Sài thành

Lư đồng “giữ lửa” giữa Sài thành

Ít ai có thể ngờ giữa lòng Sài Gòn phồn hoa, tấp nập, vẫn còn tồn tại một làng nghề đậm chất truyền thống. Nằm cuối con đường Nguyễn Duy Cung, quận Gò Vấp, làng nghề An Hội vang tiếng một thời, dù không còn được hưng thịnh như xưa, nhưng vẫn luôn nhộn nhịp mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Thăng trầm ở một làng nghề

Tìm đến làng đúc lư đồng An Hội những ngày này, từ xa đã nghe thấy những tiếng vang lách cách, leng keng bởi âm thanh của chiếc búa, các dụng cụ đục, chạm khắc đồng. Mọi người đang cố gắng hoàn thiện những mẻ đúc cuối cùng để lư đồng An Hội có mặt trên bàn thờ gia tiên ở mọi miền đất nước và xuất khẩu đi quốc tế.

Nghệ nhân Trần Văn Thắng (72 tuổi) chủ cơ sở đúc lư đồng Hai Thắng, có thâm niên hơn 55 năm trong nghề đúc đồng cho biết, làng nghề này tính đến nay đã hơn 200 tuổi đời. “Ngày ấy, ông Trần Văn Kỉnh khăn gói lên Chợ Lớn học nghề kiếm kế mưu sinh. Khi học thành thạo, ông về làng truyền dạy cho anh em, bà con lối xóm. Có lẽ từ khi đó, làng nghề lư đồng An Hội ra đời” - ông Thắng cho biết.

Theo nghệ nhân Hai Thắng, ngay từ lúc thanh niên ông đã mở lò làm lư. Khi đó không ai tin một người mới học 2 - 3 năm mà có thể mở lò được. “Nhưng quả thật lúc đó tôi đã nắm được hầu hết kỹ thuật nghề, vì được ông bác ruột truyền nghề lại, bởi nhà ông ấy không có con trai. Có gì chưa hiểu ông lại chỉ bảo giúp đỡ. Đến nay, tôi đã theo nghề lư được 56 năm”, ông Thắng nhớ lại.

Trước năm 1975 làng nghề có hơn 50 hộ với hàng trăm nghệ nhân theo nghề. Thời hưng thịnh của làng, từ già trẻ, trai gái hay trẻ con đều theo nghề. Ngày thường cũng như ngày Tết đi đến đâu cũng thấy đúc lư đồng. Các sản phẩm của làng theo chân thương lái có mặt trên khắp các tỉnh Bắc - Trung - Nam, thậm chí xuất khẩu sang các nước Campuchia, Lào...

Do điều kiện phát triển kinh tế, cùng với sự đô thị hóa nhanh, nhiều ngành nghề mới ra đời có mức thu nhập cao hơn nhiều so với công việc làm lư, làng An Hội đối diện với không ít thách thức, nhiều cơ sở chuyển đổi sang ngành nghề mới. Từ làng nghề đông đúc, nhộn nhịp khi xưa, giờ chỉ còn vỏn vẹn 5 hộ gia đình bám trụ với các lò Hai Thắng, Năm Toàn, Sáu Bảnh, Ba Cồ và Út Kiển.

Hầu hết các cơ sở trên đều là em ruột và cả học trò của ông Hai Thắng. Mặc dù đã có tuổi, đã bàn giao kỹ thuật nghề lại cho con trai quản lý, nhưng ông Hai Thắng vẫn theo dõi và chỉ bảo cho các con làm sao luôn phải đảm bảo kỹ thuật để ra những chiếc lư có chất lượng tốt nhất.

“Nghề làm lư buồn nhất là thời bao cấp, sản phẩm làm ra bán không được bao nhiêu tiền, chỉ đủ sống. Thời đó, phải thu mua phế liệu để nấu thành nguyên liệu thành phẩm, vớt cặn bã ra, được đồng thành phẩm, người làm nghề lư hết sức khó khăn”, ông Thắng chia sẻ.

Giữ nét văn hóa truyền thống

Để tạo nên một chiếc lư đồng là cả một quá trình kì công đối với người thợ làng nghề An Hội. Mỗi một công đoạn không chỉ yêu cầu sự tỉ mỉ, chuẩn xác của người thợ mà còn đòi hỏi cao về kỹ thuật. Ban đầu làm ruột khuôn bằng đất sét tốt, sau đó đúc khuôn sáp bằng vật liệu sáp ong trộn với sáp đèn cầy.

Công đoạn này đòi hỏi nghệ nhân phải có tay nghề cao bởi khuôn sáp tạo dáng thế nào thì bộ lư đồng sau khi nung sẽ có hình dạng như thế. Kế đến là bao bọc 2 lớp đất sét giã nhuyễn bên ngoài.

Sau khi phơi khô khuôn (7 - 10 ngày) thợ đổ đồng đã nóng chảy vào (thường được diễn ra vào ban đêm). Riêng khâu này đòi hỏi thợ giỏi, dày dặn kinh nghiệm vì canh thời gian rất kĩ, phối hợp ăn ý giữa thợ móc khuôn từ hầm nung và thợ múc đồng từ chảo đổ vào khuôn. Cuối cùng là đập bỏ khuôn đất để chuyển sang khâu làm nguội, gồm các công đoạn mài giũa, chạm khắc hoa văn và đánh bóng.

Sản phẩm lư đồng ở đây phải đạt độ tinh xảo về kiểu dáng và sự tinh tế, tỉ mỉ kỹ lưỡng. Với các lư khác đánh bóng chỉ được 3 tháng là đen, còn lư ở An Hội với kỹ thuật pha chế đặc biệt có độ vàng bóng sáng, có thể hơn 1 năm mới phải đánh bóng lại một lần.

Mẫu mã của làng lư đồng An Hội rất đa dạng, chất lượng bảo đảm, được làm thủ công rất sắc sảo với nhiều hình chạm, khắc các họa tiết, hoa văn tinh tế như rồng bay, phượng múa, trông rất bắt mắt. Chính sự chỉn chu trong từng công đoạn, kĩ lưỡng trong từng sản phẩm là điểm khác biệt của lư đồng An Hội so với lư đồng công nghiệp sản xuất đại trà bằng máy với đường nét, họa tiết thường bị cứng, nhiều kiểu dáng và hoa văn ngoại lai.

Đặc biệt, nhiều mặt hàng lư đồng công nghiệp thường được làm từ nguyên liệu đồng pha trộn với một số hợp kim khác nên có chất lượng không bảo đảm.

Chị Trần Thị Thu Sương (một cư dân làng nghề) chia sẻ: “Giá bộ lư hương phổ biến từ 3 - 5 triệu/bộ thường,15 - 20 triệu/bộ đạt chuẩn, sự chênh lệch giá tùy vào độ tinh xảo, độ dày của bộ lư và hài hòa của sản phẩm. Cứ dịp cuối năm, lượng mua có khi tăng hàng chục lần. Nhiều gia đình vẫn thường lặn lội đến tận cửa hàng, cơ sở sản xuất để chọn cho bàn thờ gia tiên bộ lư đồng ưng ý và chất lượng nhất”.

Lồng các họa tiết rồng phụng, trúc mai, song long hay phúc lộc thọ, những bộ lư đồng do chính bàn tay tài hoa của nghệ nhân An Hội rèn giũa, trau chuốt, tỉ mỉ càng đẹp hơn lên bởi nó được “thổi hồn” vào đó những nét văn hóa truyền thống. Chăm chút để sản phẩm làng nghề “sống” được, để nghề không bị mai một là mong muốn lớn nhất của những người thợ lư đồng An Hội hôm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ