Lớp học yêu nước từ chứng tích chiến tranh

GD&TĐ - Cách đây 56 năm, 16 học sinh lớp 9A, Trường Cấp III Lý Tự Trọng (Thạch Hà - Hà Tĩnh) thiệt mạng do bom Mỹ.

Khu di tích Chứng tích Tội ác chiến tranh Trường cấp III Lý Tự Trọng. Ảnh: NTCC
Khu di tích Chứng tích Tội ác chiến tranh Trường cấp III Lý Tự Trọng. Ảnh: NTCC

Chứng tích tội ác chiến tranh đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh và trở thành địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cách mạng cho nhiều thế hệ học sinh.

Ký ức kinh hoàng

Trường cấp III Lý Tự Trọng (nay là Trường THPT Lý Tự Trọng) được thành lập vào năm 1966, đóng trên địa bàn xã Thạch Tiến (nay là xã Việt Tiến). Trường được thành lập trên cơ sở chia tách từ Trường cấp III Phan Đình Phùng (đang ở địa điểm sơ tán xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà). Thời gian đầu, trường chỉ có ba lớp 8 và một lớp 9 với gần 160 học sinh ở các xã phía Bắc và các xã vùng ven biển Thạch Hà.

Sau Mậu Thân 1968, máy bay Mỹ đánh hủy diệt nhiều trọng điểm ở Hà Tĩnh. Trường cấp III Lý Tự Trọng chuyển lớp học lên các xóm Ninh, Lộc, An, Khang của xã Thạch Tiến. Lớp học được dựng bằng các thanh tre và xung quanh là hào luỹ. Sách vở, tài liệu, đồ dùng học tập hầu như không có gì.

Năm 2009, Khu di tích Chứng tích Tội ác chiến tranh Trường cấp III Lý Tự Trọng được xây cất tại vị trí lán hội trường cũ với diện tích khuôn viên 800m2 (nay thuộc thôn Trửa, xã Việt Tiến). Khu di tích có bia khắc ghi sự kiện và danh sách 16 học sinh tử nạn.

Năm 2015, Khu di tích Chứng tích Tội ác chiến tranh Trường cấp III Lý Tự Trọng được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Năm 2022, Nhà tưởng niệm Di tích Chứng tích Tội ác chiến tranh Trường cấp III Lý Tự Trọng được khởi công và khánh thành.

Công trình có tổng số vốn hơn 1,1 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của hội cựu học sinh; các hạng mục gồm sân, nhà tưởng niệm có thiết kế 3 gian, 8 mái. Bên trong nhà tưởng niệm lưu giữ nhiều tư liệu, hình ảnh lịch sử.

Đời sống của thầy cô giáo vô cùng kham khổ, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Mặc dù vậy mọi hoạt động của nhà trường vẫn được duy trì có nề nếp, kết quả dạy học vẫn rất khả quan.

Ngày 19/8/1968, máy bay Mỹ ném bom xuống lán học lớp 9A, Trường cấp III Lý Tự Trọng tại xóm Ninh. Trong tích tắc, lớp học biến mất, chỉ còn lại một hố bom sâu hoắm. 16 học sinh vô tội đã mãi mãi nằm lại để lại nỗi đau không thể nguôi ngoai cho người thân và những người ở lại.

Nhớ lại thời buổi chiều đau thương ấy, thầy giáo Phạm Xuân Ký, nguyên Bí thư Đoàn trường kiêm giáo viên chủ nhiệm lớp 9A, không khỏi ngậm ngùi.

Khoảng 15 giờ 30 phút hôm đó, buổi học Nghị quyết 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn được Trường cấp III Lý Tự Trọng triển khai trong các lớp. Chi đoàn lớp A có 32 đoàn viên thanh niên do Lê Văn Chất (cố Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh) làm Bí thư. Giữa buổi, bí thư các chi đoàn về văn phòng đoàn hội ý.

“Khi đó, tôi đang chủ trì thảo luận hội ý BCH chi đoàn tại lán cách đó khoảng 200m. Chúng tôi nghe tiếng kẻng báo động phòng không đổ dồn, một tốp máy bay phản lực bất ngờ nhào tới ném bom. Một loạt 3 quả nổ liền nhau khói trùm lên nghi ngút phía lán học lớp 9A. Ít phút sau, định thần lại, tôi cùng những người khác vội vàng chạy tới lớp học.

Cảnh tượng lúc đó vô cùng kinh hoàng và xót xa, nền lớp học bốn bề có đắp lũy bị bom phạt đổ, mái bay tung. Cả lớp học mới dựng đã bị san phẳng, chỉ còn trơ lại một hố bom rộng. Nhìn những “đứa con” thân yêu bị vùi lấp trong cát bụi mà tôi rụng rời, đau xót”, thầy giáo Ký nhớ lại.

Nén đau thương, thầy Ký cùng giáo viên, lực lượng dân quân tự vệ, người dân địa phương, các cán bộ y tế tức tốc bới đất tìm học sinh khắp các ngả giao thông. Cuộc tìm kiếm kéo dài đến 12 giờ đêm.

Những bạn lớp 9A bị thiệt mạng được thầy cô và bạn bè bọc nilon đưa lên Bãi Nen (xã Việt Tiến) chôn cất dưới ánh đèn dù pháo sáng Mỹ treo suốt đêm phía bầu trời Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh).

“Tầm 2 giờ sáng mọi việc mới tạm ổn. Lớp trưởng Lê Văn Chất đi hội ý ở đoàn trường nên may mắn thoát nạn. Đêm đó, Chất điểm danh lần cuối sĩ số của lớp 9A. Cả lớp 32 bạn nhưng 16 em đã mãi mãi vắng học từ chiều hôm đó. Số còn lại bị thương phải cấp cứu tại các trạm xá. Sự ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ là mất mát không bao giờ nguôi trong tâm trí của thầy cô và bạn bè - những người ở lại”, thầy giáo Ký nghẹn ngào.

lop hoc yeu nuoc tu chung tich chien tranh (4).JPG
Hố bom - nơi xảy ra vụ ném bom khiến 16 học sinh Trường cấp III Lý Tự Trọng tử nạn cách đây 56 năm.
lop hoc yeu nuoc tu chung tich chien tranh (5).jpg
Khu di tích đã trở thành 'lớp học' giáo dục truyền thống yêu nước cho nhiều thế hệ trẻ.

Trân trọng hòa bình

56 năm trôi qua, những học sinh may mắn sống sót ngày đó, nay người mất người còn. Tâm thức mỗi người vẫn luôn hướng về trường cũ, bạn xưa bằng những hoạt động ý nghĩa như dâng hương về nguồn, đóng góp kinh phí tôn tạo di tích... Mỗi người trong số họ đều luôn nỗ lực sống, học tập và cống hiến để viết tiếp ước mơ còn dang dở của bạn học.

Nơi 16 học sinh nằm lại đã được chính quyền, các thế hệ học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng nâng cấp, tu sửa trở thành khu di tích cấp tỉnh và làm tốt vai trò giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ.

Hằng năm, vào ngày 18/9, thân nhân các gia đình có con em tử nạn, nhân dân và đại diện chính quyền địa phương, giáo viên và các thế hệ học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng đều đến đây dâng hương, chăm sóc phần mộ. Ngoài ra, vào các dịp lễ tết, khu chứng tích là điểm đến của nhân dân địa phương, khách quốc tế đến thăm viếng, để tưởng nhớ những nạn nhân vô tội của chiến tranh.

“Di tích hiện nằm trong quy hoạch chung của xã, là di tích cấp Tỉnh, gắn với lịch sử Trường THPT Lý Tự Trọng. Mỗi năm, tại khu di tích, không chỉ các trường học trên địa bàn mà các đơn vị trong và ngoài huyện cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh”, Chủ tịch xã Việt Tiến, Nguyễn Văn Hướng cho biết.

lop hoc yeu nuoc tu chung tich chien tranh (2).JPG
Ngày 19/8 hằng năm, chính quyền địa phương, thân nhân và các thế hệ giáo viên, học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng làm lễ tưởng niệm cho những học sinh tử nạn.
lop hoc yeu nuoc tu chung tich chien tranh (3).jpg
Thầy giáo Phạm Xuân Ký - nguyên Bí thư Đoàn trường, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A.

Khu chứng tích còn là “lớp học” giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng. Từ năm 1985, Trường cấp III Lý Tự Trọng (nay là Trường THPT Lý Tự Trọng) chuyển về đóng tại trung tâm thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà. Trải qua thời gian xây dựng và phát triển, ngôi trường mang tên người Đoàn viên Thanh niên Cộng sản đầu tiên đã nhiều đổi thay.

Tại khuôn viên nhà trường, bên cạnh bức tượng anh hùng Lý Tự Trọng còn có tấm bia ghi tên 16 cựu học sinh bị bom Mỹ sát hại. Vào dịp đầu năm học, cùng với nhà truyền thống, nơi đây là địa chỉ đỏ để thầy trò Trường THPT Lý Tự Trọng thăm viếng, dâng hương tưởng nhớ. Mỗi chuyến đi, các thế hệ học sinh lại được truyền thêm động lực trong học tập và rèn luyện.

“Giáo dục truyền thống, dâng hương, chăm sóc khu chứng tích chiến tranh là việc làm thường xuyên của nhà trường và được Ban giám hiệu đặc biệt quan tâm. Sự hy sinh của 16 học sinh xấu số là ký ức đau thương nhưng mãi là biểu tượng của tinh thần dạy và học của thế hệ tiếp nối sau này.

Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục giáo dục truyền thống lịch sử và cùng với địa phương quan tâm hơn nữa để khu di tích ngày càng khang trang, sạch đẹp và giáo dục thế hệ hôm nay hiểu và trân quý hơn giá trị của hòa bình”, thầy giáo Phan Quang Tấn, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Tự Trọng chia sẻ.

Em Nguyễn Thanh Quang (học sinh lớp 11A7, Trường THPT Lý Tự Trọng) bày tỏ: “Bản thân em rất xúc động và thương tiếc khi nghe câu chuyện về 16 học sinh tại lớp 9A mãi mãi ra đi sau trận bom năm 1968. Em càng hiểu rằng, hôm nay chúng em thật may mắn khi được học tập trong hòa bình. Vì vậy, không có lý do gì để thế hệ trẻ không ra sức phấn đấu, rèn luyện xây dựng đất nước ngày càng đẹp hơn”.

Ngày 9/5/2022, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh ban hành Văn bản số 860/SGDĐT-CTTT về việc nhận chăm sóc, ủng hộ trùng tu, tôn tạo Khu di tích chứng tích tội ác chiến tranh Trường cấp III Lý Tự Trọng.

Trong đó, giao các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn toàn tỉnh lồng ghép tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên về giá trị lịch sử của Khu di tích Trường cấp III Lý Tự Trọng. Đồng thời, phát động cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh thiếu nhi trong toàn ngành đóng góp, ủng hộ để trùng tu, tôn tạo khu di tích với tinh thần tự nguyện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.