Đối với nhóm "nữ sinh" này và những người cao tuổi khác trên khắp Thái Lan, quay lại trường học là một cách để giúp họ bớt sự cô đơn, hãng thông tấn Reuters đưa tin.
"Chúng tôi mong đợi đến thứ Tư hàng tuần để tới trường, ăn vận như học sinh và gặp bạn bè. Chúng tôi trò chuyện và cười đùa với nhau", bà quả phụ Somjit Teeraroj (77 tuổi) tâm sự.
Sau cái chết của người chồng, trong khi con cái thỉnh thoảng mới tới thăm, bà Somjit cho biết trường học đã giúp bà bù đắp sau những mất mát. Câu chuyện của bà Somjit là điển hình của một thực trạng phổ biến tại Thái Lan đó chính là sự già hóa dân số.
Cùng với Trung Quốc, Thái Lan đang già hóa nhanh hơn các nước láng giềng trong khu vực. Vào năm 2040, nước này sẽ có tỷ lệ người cao tuổi cao nhất trong số các quốc gia đang phát triển ở Đông Á, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới.
Theo truyền thống, người cao tuổi Thái Lan sống cùng với gia đình và được con cái chăm sóc. Tuy nhiên, nhiều thanh niên đã rời quê lên các thành phố lớn làm việc, để cha mẹ, ông bà ở nhà.
Các ngôi trường giống như ở Ayuthay, cách thủ đô Bangkok 80km về phía bắc, đã mở các lớp học dành cho người cao tuổi, diễn ra mỗi tuần một lần. Đây là một trong những biện pháp nhằm giúp những người già giải tỏa những căng thẳng khi phải sống một mình.
"Thật là căng thẳng khi sống ngày này qua ngày khác", ông Choochart Supkerd (63 tuổi) chia sẻ.
"Chúng tôi có lẽ sẽ thỉnh thoảng cảm thấy cô đơn trở lại nhưng tôi cũng tự hào khi đã học được một số kiến thức trong lớp học", ông nói thêm sau khi chụp ảnh cùng với các bạn trong lớp.