Lòng thù hận biến gã đàn ông thành ác mộng với nữ sinh

GD&TĐ - Theo cơ quan điều tra, Trần Lê Huy là đối tượng trước đó đã có hành vi dùng hung khí gây ra 10 vụ tấn công người đi đường.

Đối tượng Trần Lê Huy.
Đối tượng Trần Lê Huy.

Từng đặt vấn đề tình cảm với một số phụ nữ nhưng không được ai đồng ý, Trần Lê Huy nảy sinh lòng thù hận và dùng hung khí tấn công gây thương tích cho nhiều nữ giới.

Gây án với phụ nữ vì từng bị cự tuyệt tình cảm

Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết đơn vị này đã phối hợp cùng Công an quận Long Biên (Hà Nội) bắt giữ thành công Trần Lê Huy (SN 1991, trú tại phường Ngọc Thuỵ, Long Biên, Hà Nội) để tiếp tục điều tra về hành vi Cố ý gây thương tích.

Theo cơ quan điều tra, Trần Lê Huy là đối tượng trước đó đã có hành vi dùng hung khí gây ra 10 vụ tấn công người đi đường. Trong số các nạn nhân của Huy có đến 9 người là nữ giới và đa số là các nữ sinh.

Cụ thể, vào khoảng 21 giờ 30 phút tối 2/11, hai nữ sinh lớp 9 trên đường từ lớp học thêm về nhà bằng xe đạp thì bị Trần Lê Huy điều khiển xe máy màu đen - đỏ bám theo.

Đến khu vực cạnh Trường THPT Vạn Xuân (phường Bồ Đề, quận Long Biên), đối tượng Huy vượt lên bên phải và dùng tay trái cầm bóng tuýp thủy tinh vụt vào mặt em L. (SN 2008). Vụ tấn công làm em L. bị gãy sống mũi, ngã ra đường dẫn đến trầy xước thân thể. Nạn nhân được người dân đưa đi cấp cứu và may mắn không nguy hiểm đến tính mạng. Gây án xong, Trần Lê Huy bỏ chạy về phía đê Long Biên.

Vào khoảng 13 giờ ngày 3/11, Huy cầm một thanh gỗ tấn công vào vùng đầu chị N.H.L. (đang là sinh viên năm thứ 3) ở vỉa hè ngã tư Hàng Bài - Đinh Tiên Hoàng (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hành vi của Huy khiến nạn nhân bị đa chấn thương vùng mắt.

Tiếp đó, Trần Lê Huy điều khiển xe máy di chuyển đến phố Thái Phiên (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng) và dùng hung khí là một con dao để cứa vào phần cổ sau gáy chị Nguyễn Thị Y. (SN 2001, là một nữ sinh) gây thương tích cho nạn nhân.

Chưa dừng ở đó, đến khoảng 16 giờ cùng ngày, Huy tiếp dùng hung khí là một thanh gỗ có gắn dao nhọn tấn công vào vùng đầu bà H. (SN 1977) tại khu vực ngõ 165 Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm). Vụ tấn công khiến bà H. bị thương tích phải nhập viện điều trị.

Đến 16 giờ 15 phút cùng ngày 4/11, đối tượng Trần Lê Huy tiếp tục gây án. Lần này, đối tượng cầm gậy gỗ có gắn dao nhọn và tấn công vào mặt một người phụ nữ khi người này đang di chuyển trên phố Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm).

Trước đó, vào tháng 10/2022, với hành vi như trên, Huy cũng đã gây ra hàng loạt vụ cố ý gây thương tích khiến nhiều nạn nhân bị thương và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Cụ thể, khoảng 10 giờ ngày 25/10, Huy cầm gạch tấn công vào một người phụ nữ tại đối diện 39A Thái Phiên (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng).

Đến khoảng 16 giờ ngày 27/10, Huy cầm một viên gạch đập vào đầu một phụ nữ khi người này đang di chuyển đến đoạn trước số nhà 15 Ngô Quyền (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm)…

Công an quận Hai Bà Trưng cho biết, qua đấu tranh, khai thác lời khai của đối tượng, lực lượng chức năng xác định, Huy là thành phần bất hảo khi từng có 2 tiền án. Sau khi ra tù, Trần Lê Huy có đặt vấn đề tình cảm với một số phụ nữ nhưng không được ai đồng ý.

Đối tượng khai nhận cũng chính vì bị cự tuyệt tình cảm nên nảy sinh lòng hận thù với những người phụ nữ, nhất là những người có điều kiện kinh tế. Từ đó, đối tượng nảy sinh ý định sử dụng hung khí là gạch, gậy gỗ, bóng đèn tuýp, dao nhọn, tấn công những người phụ nữ gặp trên đường.

Bước đầu, cơ quan công an cho biết chưa phát hiện Huy có biểu hiện tâm thần và các triệu chứng bệnh lý khác. Trần Lê Huy hiện đã bị cơ quan công an tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi Cố ý gây thương tích.

Chuyên gia nói gì về diễn biến tâm lý con người khi bị từ chối tình cảm

Liên quan đến vụ việc trên, PGS.TS Trần Thành Nam (chuyên gia tâm lý) cho rằng, việc bị từ chối trong các mối quan hệ yêu đương thường gây tổn thương rất lớn.

PGS.TS Trần Thành Nam phân tích thêm, khi bị từ chối, cơ thể chúng ta ở trong trạng thái như “stress cấp” với sự thay đổi của các chất dẫn truyền thần kinh. “Điều này khiến cá nhân mất khả năng kiểm soát cảm xúc tiêu cực như ấm ức, hẫng hụt, xấu hổ, tức giận dẫn đến không thể kiềm chế được các hành vi xung động của bản thân mình”, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Trong trạng thái này, tùy theo tính cách và những giá trị đã được hình thành ở cá nhân trước đó, người ta sẽ có những cách ứng xử khác nhau. Cụ thể, những người hàng ngày thường nóng tính, có hành vi hung hăng, lòng tự trọng thấp thường nhìn nhận sự từ chối theo cách người ta coi thường, hạ nhục mình sẽ dẫn đến hành vi trả đũa bằng bạo lực vô cảm.

Nhiều khi đối tượng bị trả thù không nhất thiết là chính người từ chối mà sẽ bị khái quát hóa lên với những người khác theo kiểu cơ chế “giận cá chém thớt”.

Ngoài ra, PGS.TS Trần Thành Nam cho hay, có người với tính cách yếu đuối có thể sẽ thu mình lại, tự trách bản thân, chìm trong suy nghĩ tiêu cực. Những người này không trút giận lên người khác nhưng họ lại trút giận lên bản thân mình bằng cách bỏ ăn, quăng mình trong rượu và các chất gây nghiện hoặc thậm chí tự cắt tay, làm đau bản thân.

“Nhưng cũng có những người bị từ chối mang theo nỗi đau để hòa mình vào các tác phẩm thơ, nhạc kịch, điện ảnh, biên đạo múa, hội họa cũng như vô số cách khác để thể hiện ra tiến trình của con tim tan vỡ và sau đó lại được làm mới lại một lần nữa.

Và rõ ràng, cách lựa chọn là của chúng ta, bạn có thể không hoàn toàn kiểm soát được nỗi đau của việc bị từ chối trong cuộc đời này nhưng bạn luôn có thể kiểm soát được hành động cảm xúc của mình, biến những cảm xúc đó thành hành động với những giá trị tích cực”, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ