Lời tri ân xúc động tới nhà giáo từ Thủ đô Hà Nội

GD&TĐ - Chương trình nghệ thuật đặc biệt Tự hào người giáo viên nhân dân là lời tri ân xúc động từ Thủ đô Hà Nội gửi tới các thế hệ nhà giáo Việt Nam.

Chương trình nghệ thuật "Tự hào người giáo viên nhân dân" được tổ chức trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Chương trình nghệ thuật "Tự hào người giáo viên nhân dân" được tổ chức trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Chương trình do Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội tổ chức trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tối ngày 19/11, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2022).

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, Giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền PGS. TS Phạm Minh Sơn… cùng các nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú; các nhà quản lý giáo dục, đại diện các cơ quan ban ngành, các thầy cô giáo đang công tác tại Hà Nội… đã đến tham dự chương trình.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Tự hào người giáo viên nhân dân” được mở màn bằng ca khúc đi cùng năm tháng “Bài ca người giáo viên nhân dân” của nhạc sĩ Hoàng Vân qua tiếng hát truyền cảm của ca sĩ Lan Anh và ca sĩ Lê Anh Dũng cùng vũ đoàn Hà Nội trẻ.

Nhiều ca khúc ngợi ca nghề giáo được biểu diễn trong chương trình nghệ thuật "Tự hào người giáo viên nhân dân".

Nhiều ca khúc ngợi ca nghề giáo được biểu diễn trong chương trình nghệ thuật "Tự hào người giáo viên nhân dân".

Nối tiếp đó là những ca khúc ngợi ca nghề giáo làm lay động trái tim bao thế hệ như: “Em đứng giữa giảng đường hôm nay” (sáng tác: Tân Huyền, biểu diễn: Lan Anh), “Ước mơ xanh” (sáng tác: Lệ Giang, biểu diễn: Đỗ Tố Hoa), “Cô đi nuôi dạy trẻ” (sáng tác Nguyễn Văn Tý, biểu diễn: Phương Thủy), “Bụi phấn” (sáng tác: Lê Văn Lộc – Vũ Hoàng; biểu diễn: Song Tùng và tốp ca), “Khi tóc thầy bạc trắng” (sáng tác: Trần Đức, biểu diễn: Phương Thủy), “Mong ước kỷ niệm xưa” (sáng tác: Xuân Phương, biểu diễn: Trịnh Quỳnh Anh)…

Ngoài ra, một số sáng tác mới như “Nghề giáo tôi yêu” (thơ: Đinh Văn Nhã, nhạc: Bùi Anh Tú), “Cõng chữ lên non” (thơ Trần Thùy Linh, thơ: Nguyễn Đăng Nghị), “Trái tim người thầy” (sáng tác: Bùi Anh Tôn), “Ơn thầy” (sáng tác: Đức Tân), “Hành khúc người đưa đò” (sáng tác: Cao Kỳ Nam)… được các ca sĩ: Lê Anh Dũng, Thu Hà, Đỗ Tố Hoa, Ngọc Linh… thể hiện bằng giọng hát truyền cảm và đong đầy lòng biết ơn thầy cô - những người đưa đò thầm lặng.

Ảnh trong phim tư liệu về nhạc sĩ Tân Huyền.

Ảnh trong phim tư liệu về nhạc sĩ Tân Huyền.

Thật ý nghĩa, giàu sức lan tỏa khi chương trình nghệ thuật “Tự hào người giáo viên nhân dân” còn đem đến cho khán giả những thước phim tư liệu nhạc sĩ Tân Huyền trò chuyện về hoàn cảnh sáng tác ca khúc "Em đứng giữa giảng đường hôm nay" cũng như những giây phút giao lưu với những người thầy sáng tác thơ, viết nhạc và thể hiện ca khúc.

Đó là những chia sẻ của nhạc sĩ Bùi Anh Tú và GS.Viện sĩ Đinh Văn Nhã về đứa con tinh thần – ca khúc “Nghề giáo tôi yêu”.

Theo nhạc sĩ Bùi Anh Tú, người từng là giảng viên Trường Sư phạm Nghệ thuật Trung ương và có nhiều năm làm công tác chỉ đạo âm nhạc ở Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ việc tình cờ đọc được một số câu thơ trên mạng, nhạc sĩ đã xúc động bật lên những giai điệu đầu tiên của bài hát “Nghề giáo tôi yêu”.

Ngay khi bài hát được hoàn thành, nhạc sĩ Bùi Anh Tú đã tích cực liên hệ tìm kiếm tác giả và may mắn tìm được. “Từ đó bài hát “Nghề giáo tôi yêu” được ra đời như một tình cảm chân thành yêu quý mà tác giả thơ và nhạc trân trọng gửi tới các thầy cô giáo kính yêu”, nhạc sĩ Bùi Anh Tú chia sẻ.

Trong khi đó, cùng với câu chuyện kể về hoàn cảnh sáng tác bài thơ, tác giả, GS.Viện sĩ Đinh Văn Nhã đã đọc tặng khán giả những câu thơ ông viết cách đây 5 năm trong bao niềm xúc động:

Có một nghề bụi phấn bám đầy tay/ Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất/ Có một nghề không trồng cây vào đất/ Mà mang lại cho Đời đầy trái ngọt hoa tươi!

Hòa cùng những dòng hồi ức ấy, cô giáo Quỳnh Liên đã rưng rưng nhớ lại lần đầu tiên cô cất tiếng hát ca khúc “Em đứng giữa giảng đường hôm nay”:

“Tại hội diễn các trường đại học và trung học chuyên nghiệp Hà Nội năm 1974, tôi đã hát ca khúc “Em đứng giữa giảng đường hôm nay” của nhạc sĩ Tân Huyền và được huy hiệu vàng.

Đây là lần đầu tiên tôi hát giữa sân khấu Thủ đô và đã hát với tâm trạng phơi phới của một người bước đầu thực hiện được ước mơ của mình vì đã trở thành sinh viên trường Sư phạm.

Sau hội diễn, tôi được tham gia biểu diễn báo cáo tại Nhà hát Lớn Hà Nội cũng vào tháng 11 và cũng là lần đầu tiên tôi hát ở đây.

Cô giáo Quỳnh Liên xúc động chia sẻ kỷ niệm lần đầu tiên hát ca khúc "Em đứng giữa giảng đường hôm nay" khi đang là sinh viên đại học Sư phạm.

Cô giáo Quỳnh Liên xúc động chia sẻ kỷ niệm lần đầu tiên hát ca khúc "Em đứng giữa giảng đường hôm nay" khi đang là sinh viên đại học Sư phạm.

Hôm nay được nghe lại bài hát giữa không gian này, tôi vô cùng xúc động. 48 năm đã qua và thầy Quý Dương, nhạc sĩ Tân Huyền - cũng đã đi xa.

Từ đây, tôi muốn được bày tỏ lòng biết ơn đến thầy Quý Dương và nhạc sĩ Tân Huyền - những người đã chắp cánh cho giọng hát của tôi để mọi người được biết đến với bài hát “Em đứng giữa giảng đường hôm nay””.

Chương trình nghệ thuật "Tự hào người giáo viên nhân dân" được dàn dựng một cách công phu, chất lượng với sự tham gia của giám đốc âm nhạc Trần Mạnh Hùng, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh cùng những ca sĩ đa số là giảng viên thanh nhạc của một số trường văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp và dàn nhạc Thu Hà Nội, ban nhạc Sơn Thạch…

Chương trình là lời tri ân xúc động gửi tới các thế hệ nhà giáo và cũng là món quà đặc biệt dành tặng khán giả để cùng hoài niệm, thấu hiểu và tỏ lòng biết ơn tới những người thầy đã hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục cao cả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

GD&TĐ - Các nhóm quân Nga từ phía đông, phía nam và phía bắc đang thắt chặt vòng vây quanh nhóm quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở thành phố Kurakhove.