(GD&TĐ) - Vậy là Thượng viện Mỹ đã trì hoãn cuộc bỏ phiếu tấn công Syria theo yêu cầu của Tổng thống Barack Obama. Tiếp đến, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thỏa thuận gặp nhau từ đầu tuần này để bàn về vấn đề Syria. Quả bóng mang tên chiến tranh Syria đang xẹp dần sau đề xuất chuyển giao vũ khí hóa học của Syria cho cộng đồng quốc tế kiểm soát.
Ý tưởng lớn gặp nhau
Barack Obama: Sẽ ngừng kế hoạch tấn công quân sự nếu Syria thực sự giao nộp vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế |
Theo kế hoạch đã được định trước, Thượng viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu quyết định tấn công Syria của Tổng thống Barck Obama vào ngày thứ tư (11/9). Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị trì hoãn vào đêm thứ hai (9/9), chỉ vài tiếng đồng hồ sau đề xuất của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry rằng Syria có thể chuyển giao toàn bộ vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế vào tuần tới để đổi lấy hòa bình và ngay lập tức được cả Nga cùng Syria hưởng ứng.
Nên nhớ, ông Kerry đưa ra ý tưởng này ở London trong cuộc đàm đạo với Ngoại trưởng Anh William Hague và được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Syria Walid Mualem “cùng vỗ tay” tại cuộc đàm đạo giữa họ ở Moskva cũng trong ngày 9/9. Theo hãng tin Itar TASS, ngày 10/9, Damascus đã chấp thuận giao nộp toàn bộ vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế kiểm soát và tiêu hủy.
Dư luận đặt câu hỏi: Có vẻ như vở kịch này đã được Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama dàn dựng trong cuộc họp kín tại St. Petersburg sau Hội nghị Thượng đỉnh G-8? Nếu không phải như vậy, sao các bên lại có thể gật đầu nhanh đến thế?
Về phần mình, có thể khẳng định đa số người Mỹ hoàn toàn không muốn can dự vào cuộc chiến ở Syria bởi một lẽ đơn giản - “bóng ma Iraq” đang đè nặng trong tâm trí của họ. Thứ nữa, phe đối lập ở Syria khá phức tạp, nếu không muốn nói nòng cốt của nó là các phần tử Hồi giáo cực đoan - kẻ thù không đội trời chung với Mỹ. Ủng hộ phe đối lập ở Syria ư? Washington băn khoăn trong suốt thời gian dài. Lật đổ chế độ Bashar Assad để xây dựng một chế độ mới mà nòng cốt từ các phần tử Hồi giáo cực đoan là điều người Mỹ không hề muốn.
Tuy nhiên, cuộc chiến kéo dài hơn 2 năm với bao nhiêu đau thương, tổn thất ở đất nước này thực sự là vấn đề nhức nhối với cộng đồng quốc tế. Syria là nước sở hữu lượng lớn vũ khí hóa học. Trong bối cảnh cấp bách, nếu vũ khí hóa học được mang ra sử dụng sẽ là thảm họa lớn đối với nhân loại. Barack Obama đưa ra cái gọi là “giới hạn đỏ”- nếu chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học, Mỹ sẽ tấn công quân sự.
Các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Mỹ đã tự biến mình thành con tin cho “lời nguyền ấy”. Đến khi vũ khí hóa học giết chết hơn 1.400 người ở ngoại ô Damascus hôm 21/8, Barack Obama thực sự rơi vào tình huống khó xử. Với tư cách là Tổng thống của siêu cường số 1 thế giới, Barack Obama không thể rút lại tuyên bố trước đó. Còn nếu quyết định tấn công Syria ư? Có thể nói thẳng ra rằng Tổng thống Mỹ không đủ tự tin. Và việc Syria quyết định giao nộp các kho vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế kiểm soát và tiêu hủy như một “phép màu” mở ra lối thoát cho không chỉ Syria, Trung Đông mà còn cho chính Brack Obama.
Israel đóng vai trò gì trong câu chuyện Syria?
Không phải giờ đây, khi quyết định tấn công Syria của Mỹ có xu hướng “giảm nhiệt”, những tuyên bố lớn tiếng trước đó của Tổng thống Barack Obama mới bị dư luận đặt dấu hỏi. Ngay từ cuối tháng 8, một phái đoàn Israel đã đến Washington để thông báo với chính quyền Barack Obama những hồ nghi của họ về sự cần thiết và tính hiệu quả của việc can thiệp quân sự vào Syria.
Có thể khẳng định rằng Israel không hề muốn Mỹ và phương Tây tấn công Syria hay nói đúng hơn, trong bối cảnh hiện nay, Tel-Aviv không muốn chế độ của Tổng thống Bashar Assad sụp đổ.
Tại sao lại như vậy?
Trên các mặt báo, trong các cuộc phỏng vấn những người có thẩm quyền và các cuộc tranh luận bất tận trên mạng xã hội đều thể hiện rõ quan điểm của Israel về điều này. Nói như Bộ trưởng Khoa học Israel Daniel Gerkshovich rằng: “Tôi có thể bóp cổ Assad bằng chính tay mình, nhưng quân nổi dậy còn tồi tệ hơn nhiều đối với Israel”. Tờ “Maariv” (Israel) cho rằng, cuộc đổ máu ở Syria và việc sử dụng các loại vũ khí thông thường hay độc đáo là “công việc nội bộ của Syria”, không nên can thiệp. Giới quan sát đặt câu hỏi: Liệu Israel có đóng vai trò nhất định khiến Barack Obama do dự không kiên quyết tấn công Syria?
Cũng có thể, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định. Trong câu chuyện Syria lần này, cả Nga và Mỹ đề hưởng lợi. Nga khẳng định được vị thế “không gì lay chuyển” của một cường quốc trên thế giới, một đối tác hết lòng với đồng minh. Còn về phía Mỹ, Washington vừa tránh được một cuộc chiến không mấy mặn mà mà vẫn giữ được thể diện của “kẻ cầm trịch” thế giới.
Anh Phương