Trước đây, người sống tới tuổi 70 là hiếm nhưng nay đã có nhiều người sống vượt tuổi này. Đó là nhờ sự tiến bộ của y học, sức khỏe con người được chăm sóc tốt hơn.
Muốn sống lâu, cần lối sống lành mạnh
So-pho-cơn (496 – 406 trước Công nguyên) đã từng nói: “Người ta không phải chết, mà là hoàn thành một cuộc tự sát dần dần”. Trong câu nói bóng gió này có nhiều sự thật: đó là rượu chè, nghiện hút, dâm dục quá mức, ăn uống sai phương pháp, lòng ham muốn vô độ, tính ích kỷ, lòng ghen ghét đố kỵ...
Nghĩa là “nghìn lẻ một” nguyên nhân làm hại cơ thể và sức khỏe không tùy thuộc vào con người nói chung, mà tùy thuộc vào bản thân mỗi người.
Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng người ta thường là “chết non”, chứ không mấy ai được chết già đúng như lập trình của tạo hóa.
Lao động có thể thay thế thuốc
Muốn sống lâu thì cần phải lao động! Tissot - thầy thuốc danh tiếng thế kỷ 18, đã khẳng định: “Lao động có thể thay thế các loại thuốc, nhưng không có thứ thuốc nào thay thế cho lao động”. Lao động nói ở đây nên hiểu bao gồm cả vận động rèn luyện cơ thể.
Theo quan niệm của các bậc hiền triết xưa, muốn kéo dài tuổi thọ của đời người thì phải lao động, vận động điều độ thường xuyên, và lối sống lành mạnh.
Nhà hiền triết cổ đại Aristote đã viết: “Không gì làm kiệt quệ và hư hỏng thân thể bằng tình trạng không lao động kéo dài”. Cicéro, nhà hùng biện, nhà hoạt động chính trị (106 – 43 trước Công nguyên), lúc tuổi về già đã bình luận: “Nhiều người không chịu làm việc, không hành động gì cả và lười nhác dẫn đến cơ thể ốm yếu, tâm hồn tàn phế, vì thiếu đi những niềm vui mà chỉ hoạt động mới có thể đem lại được”.
Hoa Đà (danh y Trung Quốc thế kỷ 2) cho rằng: “Người ta sinh ra ở đời là phải lao động. Vận động thường xuyên thì ăn uống mới dễ tiêu hóa, huyết mạch mới lưu thông, và bệnh tật mới không nẩy sinh.
Con người có bộ máy cũng giống như chiếc xe, hoặc ổ khóa, xe chạy đều thì trơn tru, chìa khóa dùng đến luôn thì không gỉ; người ta cũng vậy có vận động thì mới có sức khỏe được.
Con người khỏe mạnh ví như dòng sông, nước có chảy thì không bị ứ đọng dơ bẩn, và mùa xuân dòng sông trong xanh sạch sẽ, nhờ nước đi ra biển lại mưa về nguồn”.
Còn Hải Thượng Lãn Ông (1720 – 1792) danh y nước ta thì bình về lao động bằng mấy câu thơ cho mọi người dễ hiểu, dễ nhập tâm:
“ Nước chảy không thối, không rêu
Lòng sạch, người sạch, là liều thuốc tiên”
Ngày nay, y học đã chứng minh lao động có ảnh hưởng đến cơ thể, tới sự phát triển của các cơ quan nội tạng và tạo thành một sự liên kết phản xạ giữa các cơ quan đó.
Nhờ vận động hợp lý và thường xuyên, các cơ quan nội tạng tim, phổi, tuyến nội tiết... hoạt động tốt hơn với hiệu suất cao và tiết kiệm hơn, các chất dinh dưỡng tiêu hóa và hấp thu tốt hơn, khả năng sử dụng oxy ở phổi và máu được tăng lên.
Cần lắm những niềm vui
Con người ta từ khi cất tiếng khóc chào đời đến khi nhắm mắt xuôi tay, trải qua nhiều niềm vui và nỗi buồn. Nếu chúng ta loại bỏ được mọi lo lắng buồn phiền, niềm vui nối tiếp niềm vui thì cơ thể sẽ tránh được, hoặc giảm nhẹ được nhiều bệnh tật.
Khi ta vui mừng mạch máu dưới da giãn nở, da dẻ hồng hào, tim phổi hoạt động tốt hơn, thở sâu hơn và tuần hoàn lưu chuyển mạnh.
Để có được nhiều niềm vui, người ta khuyên hãy sống vị tha, yêu cuộc sống, luôn tạo cho mình nhiều dịp vui dù chỉ là những niềm vui nho nhỏ.
Có một câu châm ngôn nước ngoài rất hay: “Một người thông minh và khôn ngoan là người biết vui với những gì mình có, và không bao giờ buồn với những gì mình không có”.
Trẻ có nguồn vui tuổi trẻ, già có nguồn vui của tuổi già. Con cháu cần hiểu tâm lý người già, cố gắng tạo nhiều nguồn vui cho ông bà, cha mẹ, để họ được vui: gia đình đầm ấm hạnh phúc, con cháu thường xuyên thăm hỏi, chăm lo đến đời sống của các cụ, đặc biệt là đời sống tinh thần.
Giúp các cụ có nhiều cơ hội giao lưu gặp gỡ các bạn cũ đồng trang lứa, đi du lịch, hội hè đình đám lành mạnh, thăm quê, thăm họ hàng làng xóm... Đó có thể ví như liều thuốc trường sinh giúp họ sống lâu.