Nhà nghèo, đông anh em, bữa ăn không được gọi là bữa cơm mà là bữa ngô, bữa sắn. Thảng hoặc lắm mới có hôm được nồi cơm trắng thì khi nồi còn bốc hơi đã nghe tiếng vét đáy nồi quèn quẹt. Thi thoảng trên mâm cơm mới có đĩa tóp mỡ nhưng mỗi miếng tóp lại cõng thêm thật nhiều hạt muối.
Những thứ mà anh em mình coi là “xa xỉ” ấy, mỗi lần mời bố ăn, bố đều từ chối: Các con ăn đi! Thứ này bố không biết ăn! Trước con mắt háo hức khát thèm của đàn con đang tuổi ăn tuổi lớn, bố cứ lắc đầu, xua tay, quay mặt nhất định không ăn. Thế rồi, đĩa tóp mỡ hết vèo trong sự thèm thuồng tiếc nuối của đàn con. Ngây thơ, mình luôn tự hỏi: Sao ngon thế mà bố chẳng ăn nhỉ?
Làng quê xưa, hình như mùa đông lạnh buốt hơn bây giờ. Vậy mà, bố cứ gầy guộc, mỏng manh lầm lũi chèo đò mang chè xanh đi bán chợ xa trong màn đêm đen kịt. Cái lạnh ngọt sắc của gió từ trên núi cao thổi thốc xuống khiến bố cứ chao nghiêng, cứ bung biêng giữa mênh mông sông nước.
Mỗi đêm, khi bố vác mái chèo lên vai rời khỏi nhà, mình lại níu tay bố khẩn khoản: Bố ơi, bếp lửa con châm rồi, bố ngồi thêm chút cho ấm đã. Thương con, bố nán lại sẽ sàng hơ tay qua lửa rồi vội vã đứng lên: Bố không lạnh đâu con, lát nữa chèo đò lại chẳng toát mồ hôi ra ấy chứ! Rồi bố hòa vào màn đêm nhanh như hơi sương để mình đứng bơ vơ bên chái bếp với cơ hồ là gió bấc mưa phùn và nhưng nhức câu hỏi nhói lòng: Bố ơi sao bố không biết rét?
Làng quê với trẻ con thường chứa nhiều bí ẩn: Thần cây đa, ma cây gạo. Những thần thánh, ma mị luôn làm bọn trẻ con sợ chết khiếp. Mình hay phải lên núi kiếm củi, cắt cỏ, nhặt lá khô. Có chiều nhá nhem tối mà chưa đầy gánh lá, mình cứ lui cui bới nhặt rồi tưởng tượng ra những bóng đen lởn vởn quanh mình. Gió thổi ràn rạt qua thung lũng vọng tiếng âm âm. Có lúc sợ quá, mình chui cả vào bao lá nằm co quắp, nước mắt con trẻ tràn mi.
Sợ hãi và cóng lạnh, cô đơn và tủi thân, những cảm giác ấy cứ song hành. Một bữa, bố trở về nhà rổn rảng kể lại chuyện bố đã gặp ma ở bến đò. Bố bảo, cái con ma ấy nó hiền lắm, nó đi nhờ đò của bố, nó mở mắt thao láo nghe bố kể chuyện làng quê, đồng bãi. Sau rốt, nó bỏ đi. Thế thôi! Hóa ra ma hiền quá, ma hiền chẳng khác người hiền. Mình chăm chú nghe bố kể. Cái điệu bộ nhẹ tênh, thủ thỉ hiền khô như thể bố vừa kể lại việc gặp một người quen cũ, khiến mình bình tâm.
Lòng ấm áp, mình tin tưởng vào sự an toàn. Có câu chuyện đó, khi một mình những sớm sương giăng, những chiều bạt gió, lụi hụi nơi đầu hom cuối bãi, mình không còn sợ hãi nữa. Mình luôn tự hỏi: Sao bố tài thế, bố nói chuyện gặp ma như thể gặp người quen vậy?
Quê mình ngày ấy, trẻ con thường phải đi nhặt phân trâu về đổi lấy khoai. Cứ buổi sáng đi học, khi lòng còn giăng mắc với chích chòe, chào mào, sáo sậu, với nắng thơm gió mới thì chiều đến đã tất tưởi gánh đôi quang gánh lòng thòng chạy theo từng bước chân trâu để nhặt phân.
Phải đuổi, phải chạy, phải tranh giành với đám trẻ khác đến mệt nhoài. Nhiều hôm tối trời mà gánh vẫn chưa đầy, mình kéo đôi quang gánh lếch xếch trên đường, mặt mũi tèm lem, thốc thếch. Những lúc ấy, bố lại hiện ra. Bố giành đòn gánh, gánh đỡ mình rồi làm ràm: Nhà còn đầy khoai, sao con phải nhặt nhiều phân trâu thế làm gì?
Mình tròn mắt ngạc nhiên: Nhiều đâu mà nhiều hả bố? Nhiều chứ, ăn sao xuể, bố còn gửi hàng xóm chưa lấy về ấy chứ. Ôi thế à, thế thì thích quá! Mình nhảy cẫng lên khiến đàn chim đang dáo dác trong lùm tre cạnh đường giật mình bay thảng thốt. Bố nở nụ cười hiền lành, ấm áp. Mình vừa nhảy chân sáo về nhà vừa nao nức: Sao bố tài thế! Vậy là nhà mình có bao nhiêu là khoai, chẳng lo đói nữa rồi!
Mình đi học xa nhà từ tấm bé. Niềm vui lớn nhất của những năm tháng xa nhà ấy là mỗi lần nhìn thấy bố thoăn thoắt gùi gạo sau lưng lên thăm con. Những lúc ấy, tim mình như đập nhanh hơn và nước mắt thì lưng tròng. Mình những muốn ôm choàng lấy bố nhưng lại ngại với lũ bạn cùng phòng. Bố thì hổn hển, mồ hôi đầm đìa, mặt đỏ rựng lên trong nắng. Bố khẽ cầm tay mình và dịu dàng: Con cứ ăn cho no để học cho giỏi. Ở nhà, đợt này được mùa nên nhiều thóc lắm. Chao ôi!
Được mùa! Ngày ấy, từ “được mùa” xứng đáng được coi là cụm từ tuyệt mỹ nhất trong vốn từ vựng của trẻ con nhà nông. Cái mong ngóng trời xa đất gần, cái phụ thuộc vào ruộng nâu trâu đằm, cái ngóng chờ mỏi mòn khắc khoải của người nông dân nếu được đền bù bằng “được mùa” thì không thể có gì vui hơn được nữa. Bố nói “được mùa” rồi, thế là mình yên tâm thóc sẽ đầy bồ, yên tâm mẹ cha không phải tất tả đi vay nợ làng trên xóm dưới.
Bố ơi, được mùa thật chứ bố? Thật mà, thật mà, con yên tâm. Rồi bố lại bươn bải ra về, lưng áo đẫm mồ hôi. Bố hòa vào vệt nắng cuối trời để lại mình bần thần bên song cửa, khi chiều lan buông trong yêu thương mênh mang.
Ngay cả khi mình lớn rồi, bố vẫn còn “nói dối”.
Bố mệt, bố đau, bố khó ở, nhưng bố luôn lắc đầu, xua tay: Bố bình thường, bố khỏe lắm, con đừng lo!
Bố nhai trệu trạo, bố nuốt không trôi, vậy mà bố luôn gật gù: Bố ăn ngon miệng lắm, con yên tâm nhé!
Bố buồn, bố tủi thân vì bệnh tật phải ngồi một chỗ nhưng bố luôn mỉm cười và rủ rỉ: Ở nhà bố cũng thấy vui mà con, chẳng cần đi đâu cho mệt!
Bố nhớ làng, nhớ quê, nhớ mảnh vườn nưng nức thơm hiền mùi hoa xoan, hoa bưởi, hoa gạo, hoa cau. Vậy mà bố luôn gạt tay và nhỏ nhẻ: Ôi trời, ở đâu chẳng thế, bố có nhớ gì đâu, con đừng bận tâm!
Bố thương đứt ruột hai anh trai mình vắn số thiệt phận nhưng bố luôn an ủi: Cũng là vì dân vì nước, các anh con đi thế cho thanh thản. Nói xong bố nhìn xa xăm, nước mắt dâng mi ầng ậng.
Ôi chao! Còn bao điều bố “nói dối” mình như thế. Chỉ có điều ngày nhỏ mình luôn phân vân thì khi từng trải, mình không còn phải đặt thêm bất kì câu hỏi nào nữa.
Mình luôn ám ảnh, day dứt về những nhân vật nữ khi đọc tác phẩm “Báu vật của đời” cùa nhà văn Mạc Ngôn. Ám ảnh nhất là hình ảnh: Khi bị đẩy vào tình cảnh khốn quẫn, người mẹ đã dùng dạ dày của mình như một chiếc túi, đựng thức ăn dành phần con. Mỗi lần nôn ra để bón cho con, thức ăn ấy kèm theo biết bao nhiêu là dịch vị, máu và nước mắt cùng với những đau đớn đến nghẹt thở.
Đối với mình, những lời “nói dối” của bố cũng như thức ăn đựng trong dạ dày của người mẹ trong câu chuyện ấy. Bố vắt mình ra chắt chiu để nuôi lớn đàn con và để làm giàu cho tâm hồn thơ ấu của mình. Nôn nao nghĩ lại, chỉ biết nuốt nước mắt vào trong sâu thẳm. Không gì khác hơn là cảm giác nghẹn ngào, thương bố đến tái tê.
Có ngày 20 tháng 10 dành cho các bà mẹ, cho những người phụ nữ thương yêu. Cũng cần lắm ngày cho những người cha. Bởi người cha cũng là mẹ, cũng tảo tần, thương khó như mẹ.
Và cũng bởi thế, mình luôn đặt tay lên ngực trái, dâng tặng hoa thơm cho MẸ và dâng tặng nụ cười ấm áp cho CHA.