Khu vực ký ức trong não giống như một cuốn sổ hay một chiếc usb có dung lượng khổng lồ, có thể chứa biết bao ký ức, kỷ niệm vui buồn. Tuy vậy, giống như những vật dụng, ký ức cũng có thể bị hư hại và mai một theo thời gian.
Thế nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều "dị nhân" sở hữu trí nhớ siêu phàm, có thể nhớ rất nhiều chuyện một cách chính xác. Vậy những "dị nhân" đó có bí kíp gì không nhỉ? Làm thế nào ta có thể nhớ lâu được như họ?
Những người sở hữu "lời nguyền" không thể quên
Highly superior autobiographical memory (HSAM - siêu trí nhớ về bản thân) lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng từ thập niên 2000.
Và Nima Veiseh - một nhà thiết kế đang sống tại New York (Mỹ) là một trong những người có khả năng này. Veiseh cho biết ký ức của mình hoạt động như một cuốn băng vừa thu vừa phát liên tục trong suốt 15 năm. Anh ta có thể nhớ chính xác mỗi ngày anh ta mặc gì, thời tiết ra sao và đã có những chuyện gì xảy ra trong ngày hôm đó.
Cũng như Veiseh, một người phụ nữ trẻ có tên Jill Price tại Mỹ cũng có khả năng tương tự. Price có thể nhớ được chính xác những gì đã xảy ra trong cuộc sống của mình từ lúc cô 12 tuổi đến nay.
Tuy nhiên, theo những nghiên cứu mới nhất của Lawrence Patihis – chuyên gia ĐH Nam Missisipi (Mỹ), những bộ nhớ siêu phàm đó đôi khi không "siêu phàm" như mọi người đánh giá.
Aurelien Hayman (người Anh) là một trong những người có HSAM
Cụ thể, không ai có trí nhớ hoàn hảo cả. Những người có khả năng HSAM vẫn có thể nhớ sai. Chưa kể, những người này thường chỉ nhớ được chuyện xảy ra trong cuộc sống của mình, nhưng lại không biết đến sự kiện diễn ra trên thế giới.
Hay thậm chí một số người có thể nhớ được những gì xảy ra cách đây 20 năm, nhưng lại không thể nhớ được điều gì vừa diễn ra cách đây 5 phút.
Nguyên nhân nào làm nên khả năng này?
Nhà nghiên cứu Craig Stark thuộc ĐH California (Mỹ) đã tiến hành chụp quét não của một số dị nhân nhớ dai, và kết quả là... không khác gì so với người bình thường.
Tuy nhiên, Stark đã phát hiện ra thêm một số điều đáng chú ý: những người này có bộ phận thùy trước trán – bộ phận quản lý ký ức làm việc "năng suất" hơn hẳn. Hơn nữa, họ có óc tưởng tượng phong phú hơn, đồng thời tương đối nhạy cảm với âm thanh, mùi và các hình ảnh thị giác.
Nhờ vậy Patihis có thể giải thích rằng việc nhạy cảm giúp cho những người này tự hình thành nên một "nền tảng ký ức" trong não bộ.
Đồng thời, khả năng tưởng tượng tốt giúp họ dễ gợi lại những khoảnh khắc trong quá khứ qua những sự việc thường ngày. Và mỗi khi được gợi lại, ký ức lại trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Nhưng không phải ai có óc tưởng tượng tốt và sự nhạy cảm với môi trường cũng có khả năng HSAM. Patihis cho biết thông thường, cần phải có một sự kiện nào đó xảy ra khiến họ ám ảnh, không thể ngưng nghĩ về quá khứ.
Không thể quên - "món quà" hay "lời nguyền"
Sở hữu một trí nhớ siêu phàm như vậy là một lợi thế không nhỏ. Một người có HASM cho biết anh đã đi du lịch hơn 40 nước, và đến nay anh vẫn có thể nhớ rõ tới từng chi tiết trong mỗi chuyến đi. Đó thực sự là những trải nghiệm không thể thay thế được.
Tuy nhiên, việc không thể quên cũng là một "lời nguyền". Trong cuộc sống không phải lúc nào chúng ta cũng được hạnh phúc, vui vẻ, mà còn rất nhiều nỗi đau. Sở hữu HSAM cũng đồng nghĩa với việc những ký ức đau buồn sẽ đeo bám ta dai dẳng, thậm chí sẽ theo ta đến suốt đời.
Đặc biệt, nỗi đau lần nào cũng "như mới", vì từng mảng ký ức sẽ hiện lên một cách rõ nét, và bạn không cách nào bỏ chúng ra khỏi đầu.
Không thể quên - đồng nghĩa với việc không thể từ bỏ nỗi đau