Lời khuyên của Đại tướng Lê Đức Anh với con trai

Con phải phấn đấu trở thành người tốt, sống có lý tưởng và có ích cho xã hội - lời khuyên của Đại tướng Lê Đức Anh với con trai Lê Mạnh Hà được ông kể lại trong hồi ký.

Lời khuyên của Đại tướng Lê Đức Anh với con trai

VietNamNet giới thiệu một số trích đoạn trong chương 7 "Chỉ huy chiến dịch cuối năm 1974, giải phóng tỉnh Phước Long" trong hồi ký "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng" của Đại tướng Lê Đức Anh:

Sau bảy ngày đêm vượt biển Đông từ Nam ra Bắc, về đến Hà Nội, tôi nghỉ ở nhà số 91 phố Lý Nam Đế. Mấy đồng chí cán bộ bên Tổng cục Chính trị và Cục Cán bộ ra thăm tôi. Anh Văn Tiến Dũng gặp tôi, câu đầu tiên anh hỏi:

- Có mệt không?

- Có mệt - Tôi cười và đáp.

- Cậu như con voi một ngà - Anh Dũng nói.

- Cũng chỉ còn một mắt bảy phần mười - Tôi nói.

- Về sức khỏe thì cậu cố gắng thêm. Cậu về nắm chắc tình hình và bàn với hai anh Phạm Hùng và Trần Văn Trà để triển khai công việc. Công việc thì các anh đó biết cả rồi. Có thể sắp tới các anh ấy cũng ra họp... - Anh Dũng nắm chặt tay tôi nói.

Bên Trung ương làm bữa cơm, gọi tôi sang. Khi ăn có các anh Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ. Ăn xong, anh Thọ nói:

- Báo cáo tình hình xong, thì cậu về Miền ngay.

Anh Duẩn gặp riêng tôi, dặn:

- Về nói với anh Hùng, anh Trà, bàn trong nội bộ phải giải phóng nhanh nhất. Nếu để chậm thì nó lại hồn, nó củng cố sẽ rất khó. Anh nói hai lần: "Nó lại hồn, sẽ rất khó".

Rồi anh bảo tôi sang báo cáo tình hình với Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.

Tôi sang chào Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Bác Tôn nói:

- Các chú giải phóng nhanh miền Nam để bác được về thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam, thăm quê Long Xuyên và thăm lại xưởng Ba Son.

Lời khuyên của Đại tướng Lê Đức Anh với con trai
Đại tướng Lê Đức Anh và con trai Lê Mạnh Hà. Ảnh: Phạm Hải

Báo cáo xong, tôi chuẩn bị trở về Miền. Hôm sắp đi, anh Hoàng Văn Thái gặp và bảo:

- Cậu nói giúp, để các ông cho mình trở vào Miền.

- Chuyện của anh phải Bộ Chính trị quyết định, tôi làm sao nói được - Tôi trả lời anh.

Tôi đến chào anh Nguyễn Hữu Thọ, anh Thọ mời tôi ăn cơm. Sau đó anh Hoàng Văn Thái, rồi anh Võ Nguyên Giáp mời tôi đến ăn cơm. Tôi lần lượt đến chỗ hai anh ăn cơm.

Lúc sắp chia tay gia đình, con trai tôi là Lê Mạnh Hà nói:

- Ba ơi! Con muốn đi bộ đội, nối nghiệp ba.

- Tới đây đất nước hòa bình, xây dựng, sẽ cần nhiều cán bộ khoa học. Con nên đi vào một ngành khoa học, còn ngành nào thì tùy con chọn. Nhưng trước hết con phải phấn đấu trở thành người tốt, sống có lý tưởng và có ích cho xã hội - Tôi khuyên con.

Trở về miền Nam, tôi được anh Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Bộ đội 559 - tổ chức đi theo đường Đông Trường Sơn. Vào đến Đông Hà - Quảng Trị, gặp anh Trần Độ từ Miền ra, tôi hỏi:

- Anh ra thì ai thay?

Anh im lặng không nói gì, sau đó anh bảo:

- Sau khi có Hiệp định Paris, tình hình phức tạp quá. Khi anh Tố Hữu vào phổ biến thì tin ở Trung ương.

Tôi bảo:

- Tin ở Trung ương là đúng, nhưng phải phản ánh đúng thực tế chiến trường với Trung ương và phải kết hợp hai vấn đề đó lại.

Anh bảo giờ anh ra Bắc. Tôi bắt tay chào anh, thấy anh không vui, tôi cũng không hỏi vì sao anh ra.

Anh em giao liên đưa tôi đi, vào đến sát đồn Phú Túc của địch, đi theo sườn núi. Tôi thấy đường Đông Trường Sơn đã mở thông thoáng.

Lời khuyên của Đại tướng Lê Đức Anh với con trai
Đại tướng Lê Đức Anh và phu nhân cùng các con, cháu tại nhà riêng ở TP.HCM năm 2008. Ảnh trong cuốn Hồi ký

Vào tới Miền, không thấy ai nhắc chuyện tôi “ra tòa", mà ngày 16-4-1974, Chủ tịch nước ký quyết định thăng quân hàm cho tôi từ cấp Đại tá lên cấp Trung tướng. Ý của anh Trần Văn Trà là tôi làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Miền. Tôi bảo cứ để anh Nguyễn Minh Châu (tức Năm Ngà) làm Tham mưu trưởng, tôi làm Phó Tư lệnh và ý kiến của tôi được các anh chấp thuận. Lúc này, anh Phạm Hùng làm Bí thư Trung ương Cục, anh Trần Văn Trà làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền, anh Lê Văn Tưởng (tức Hai Tưởng) thay vị trí của anh Trần Độ làm Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Miền.

Theo lời dặn của anh Lê Duẩn và anh Văn Tiến Dũng, tôi gặp và báo cáo với hai anh Phạm Hùng và Trần Văn Trà. Anh Trà bảo:

- Nắm tình hình xong, căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của anh Lê Duẩn và anh Văn Tiến Dũng, cậu làm kế hoạch đi. Sau khi Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền có ý kiến là triển khai luôn.

Anh Hùng cũng bảo tôi:

- Làm sớm đi.

Khi xây dựng kế hoạch tác chiến, tôi có bàn với hai anh Năm Ngà và Hai Tưởng; kế hoạch có ba nội dung:

Thứ nhất, xây dựng lực lượng ở các đô thị và vùng ven đô. Vì sau Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, lực lượng ta (cả đặc công và biệt động) bị tổn thất nặng và đã ra khỏi đô thị, giờ phải triển khai xây dựng trở lại để ém quân ở đô thị, hoạt động trong lòng đô thị.

Thứ hai, mở vùng giải phóng ra hướng Long An, kể cả vùng nam Long An như Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công, Châu Thành, Tân Trụ, Chợ Gạo và Tiền Giang, tức là cả phía nam và phía bắc lộ 4. Kể từ Tây Ninh xuống Đức Hòa, Đức Huệ, nam - bắc lộ 4 thì khó nhất là mở hướng này. Nếu nói đến đồng bằng sông Cửu Long thì đây là hướng trọng điểm của kế hoạch đồng bằng. Ta mở vùng và đứng vững được ở đây thì sẽ ngăn chặn rất hiệu quả sự liên thông của địch từ Sài Gòn xuống miền Tây. Ngược lại, phía ta sẽ nối thông từ chiến khu Dương Minh Châu, miền Đông với đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ ba, mở rộng đường hành lang Trường Sơn. Vì Trung ương đã mở thông đường Đông Trường Sơn rồi, nay ta phải thông nốt, nối liền từ miền Đông Nam Bộ tới đó, trọng điểm là hai trục đường 14 và 20. Còn hướng sông Lòng Tàu thì Đoàn 10 đã làm tốt, vả lại lúc đó hướng này chưa nổi cộm nên không đặt vấn đề là hướng chính.

Lời khuyên của Đại tướng Lê Đức Anh với con trai
Trung tướng Lê Đức Anh - Tư lệnh Quân khu 9, nguyên Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh (ngoài cùng bên phải hàng đứng) - chụp ảnh cùng các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng... dự hội nghị tổng kết chiến dịch Hồ Chí Minh tại Đà Lạt, Lâm Đồng, cuối năm 1975

Các đơn vị chủ lực của Miền bắt đầu huấn luyện và hoạt động tác chiến theo hướng mới. Nhưng thực trạng lúc này, bộ đội đánh tập kích thì được nhưng đánh công kiên lại chưa ổn. Điển hình là trận đánh đồn Rạch Bắp nằm trên lộ 7, ta dùng một trung đoàn bộ binh có xe tăng và lựu pháo đánh hai ngày liền mà không dứt được đồn. Tôi đề nghị với anh Trà cho bộ đội tập huấn lại. Nếu cứ đánh kiểu đội hình “đầu nhọn đuôi dài, bộc phá liên tục” để mở cửa mở thế trận phòng thủ của địch thì e không được, mà có được cũng thương vong lớn, hoặc tiến công theo đội hình xe tăng đi trước bộ binh theo sau, trong khi hỏa lực nói chung, hỏa lực chống tăng nói riêng của địch rất mạnh thì không thành công.

Kế đó, tôi mời hai anh Bùi Cát Vũ và Lương Văn Nho trong Bộ Chỉ huy Đoàn 351 đến, hôm đó có cả anh Năm Ngà – Tham mưu trưởng Miền và anh Hoàng Cầm – Phó Tư lệnh Miền. Tôi bảo bây giờ ta hãy tập huấn cho bộ đội cách đánh cùng một lúc tiến hành mở hai cửa mở. Một cửa mở bằng lối dùng đặc công bí mật luồn sâu gỡ cắt hàng rào, một cửa dùng pháo binh bắn chế áp lô cốt và hỏa điểm của địch rồi dùng bộc phá phá hàng rào, pháo binh bắn yểm trợ cho bộ đội xung phong, mục tiêu là tiêu diệt chi khu quân sự của chúng và lấy Chi khu Đồng Xoài làm đối tượng thực tế để luyện tập. Hai anh đã về xây dựng sa bàn trên thực địa với đầy đủ các chi tiết và tập huấn cho cán bộ ở cả ba cấp: đại đội, tiểu đoàn và trung đoàn. Cuộc tập huấn kỹ càng diễn ra suốt ba tháng tại Đồng Pan trong chiến khu Dương Minh Châu.

Nhờ có sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng từ sau Hội nghị Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tháng 5-1973, nhất là từ sau Hội nghị Trung ương lần thứ 21 (tháng 6-1973) và Quân ủy Trung ương (tháng 3-1974), cục diện chiến trường từ cuối năm 1973 và năm 1974 đã chuyển biến theo chiều hướng có lợi cho ta. Ta đã chủ động đưa thế và lực cách mạng tiến lên từng bước vững chắc, bằng cách phản công và tiến công liên tục, giành thắng lợi ngày càng lớn với tốc độ nhanh trên tất cả các chiến trường từ Khu 9, Khu 8, Khu 7, Khu 6, Khu 5, Tây Nguyên đến Trị Thiên; trên tất cả các mặt trận từ đánh phá bình định, mở vùng giành dân ở đồng bằng, mở rộng căn cứ ở miền núi và vùng giáp ranh làm bàn đạp đến kéo dài thêm hành lang chiến lược từ miền Bắc vào tận miền Đông Nam Bộ...

Theo Vietnamnet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...