Lợi bất cập hại!

GD&TĐ - Phí bảo trì đường bộ với xe máy có ý nghĩa quan trọng để bảo trì đường bộ, do các địa phương tự thu và tự chi để sửa chữa đường của địa phương đó.

Lợi bất cập hại!

Tuy nhiên, trong thời gian qua, cách thức thu loại phí này đã bộc lộ quá nhiều nhược điểm và vấp phải luồng ý kiến phản đối lớn của dư luận. Ngay một số thành phố lớn cũng đã và dự kiến bỏ loại phí này do số tiền thu được về không đáng kể trong khi phát sinh thêm bộ máy, chi phí; người dân không đồng tình… Việc thu phí bảo trì đường bộ với xe máy đang lợi bất cập hại!

Trước đây, phí bảo trì nằm trong xăng dầu áp dụng cho cả ô tô và xe máy, sau đó chuyển hình thức thu sang đóng phí trực tiếp như hiện nay. Với hình thức thu này, người sở hữu xe máy đóng phí ngay tại địa bàn sinh sống và người chịu trách nhiệm thu phí là hệ thống cán bộ xã, phường, và thậm chí là khối phố.

Cũng bởi mạng lưới người thu phí mang tính “trưng dụng” hay kiêm nhiệm nên ở nhiều nơi, nhiều chỗ, việc thu phí mang nặng tuỳ tiện. Ví như “ma bắt tuỳ mặt”, thấy gia đình nào công chức, hiền lành thì thu; gia đình nào thuộc diện “đầu gấu” thì… “chẳng dại”! Rồi là xe phân khối cao hay phân khối thấp có 2 mức thu khác nhau nhưng cũng mặc gia đình muốn khai thế nào thì khai. Điều này dẫn tới mất công bằng xã hội, và sâu xa hơn là tâm lí coi thường, nhờn pháp luật.

Mạng lưới thu phí vừa cồng kềnh, vừa “nghiệp dư” như vậy nên không khó hiểu khi nguồn thu chẳng được là bao, thậm chí là còn phải bù thêm tiền ngân sách. Theo báo cáo của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội, Hà Nội phải chi thêm ngân sách phục vụ thu phí đường bộ.

Cụ thể, kết quả khảo sát tại phường Cát Linh, quận Đống Đa (Hà Nội) cho thấy, do có số dân đông, nhiều tổ dân phố nên tỷ lệ trích lại từ nguồn thu để phục vụ việc thu phí vẫn không đủ. Vì vậy UBND phường Cát Linh đã phải chi thêm từ nguồn ngân sách phục vụ việc thu phí. Đó là chưa kể kinh phí bồi dưỡng cho người trực tiếp thu thấp, không có tính khuyến khích động viên.

Hiệu quả thu phí được đánh giá rõ nhất qua những con số. Khi thành lập Quỹ Bảo trì đường bộ, cả nước dự kiến thu khoảng 2.600 tỷ đồng mỗi năm với xe máy nhưng năm 2013 chỉ thu được 520 tỷ đồng, năm 2014, thu khoảng hơn 500 tỷ đồng, đến tháng 6/2015 mới thu được khoảng 180 tỷ đồng (khoảng 7%).

Việc thu phí hiện nay cũng chỉ là vận động mà không có chế tài. Ngay tại cuộc họp thường kỳ đánh giá về hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cũng nhìn nhận việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy nếu không có chế tài xử lí thì sẽ rất khó thu, không đạt hiệu quả.

Trước hiện trạng trên, nhiều thành phố lớn đã xem xét bỏ loại phí này. Sau khi HĐND TP HCM có văn bản đề nghị UBND thành phố tạm dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, nhiều địa phương đã kiến nghị dừng thu phí như Hà Nội, Khánh Hòa, Cần Thơ, Bình Dương... Thậm chí thành phố Đà Nẵng đã quyết định dừng thu loại phí này từ 7/7.

Thiết nghĩ một chính sách đã không còn phù hợp với thực tiễn thì
cần có những điều chỉnh kịp thời để vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho Nhà nước, vừa được người dân đồng tình ủng hộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.