Mẹ anh Biên buồn đau vì con trai đã vĩnh viễn ra đi |
(GD&TĐ) - Chiều chiều, nơi bờ biển ấy vẫn có những người đàn bà thẫn thờ dõi mắt ngoài khơi xa để ngóng trông chồng - Dẫu rằng chồng họ đã tử nạn trong những cơn lốc biển kinh hoàng. Than ôi! Nghề biển “mạng treo cột buồm”!, nhưng bao thế hệ người dân nơi đây vẫn phải bám biển mưu sinh để rồi lại có thêm những hòn “vọng phu” trên bến không chồng.
Nhiều người tử nạn vì lốc biển
Chiều 17/12, chúng tôi về xóm Minh Thành (xã Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Hàng trăm người dân tiếc thương đưa tiễn anh Bùi Văn Hoài và anh Vũ Văn Biên cùng sinh năm 1985 ở thôn Minh Thành về nơi an nghỉ cuối cùng.
Anh Biên và anh Hoài là 2 ngư dân đi đánh cá cùng với 6 người khác ở cùng xã Quỳnh Long trên thuyền mang số hiệu NA93240 TS do Bùi Quang Hiệp, sinh năm 1987 ở xóm Minh Thành làm thuyền trưởng.
Con thuyền này xuất bến ở cảng Lạch Quèn ngày 29/11 đi đánh cá ở vùng biển Hà Tĩnh. Khoảng 4 giờ ngày 10/12, tàu quay về khi cách cảng Lạch Quèn khoảng 17 hải lý về hướng Nam tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh thì không liên lạc được với đất liền. Gia đình đã báo với cơ quan chức năng để tìm kiếm nạn nhân. Đến sáng 16/12, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện được thi thể của 2 anh trôi dạt vào bờ biển xã Kỳ Phú, (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Hiện giờ 6 người và con thuyền trên vẫn không liên lạc được. Thân nhân của những nạn nhân này ngày đêm khóc cạn nước mắt và trông ngóng về một phép màu nào đó sẽ giúp thân nhân họ trở về. Nhưng theo các ngư dân đi biển thì 6 người đó mất tích đã hơn một tuần, sự sống sót là vô cùng hi hữu….
Ông Nguyễn Hữu, người thoát chết trong trận lốc kinh hoàng ngày hôm đó nhớ lại: “Lúc đó đoàn thuyền đang bủa lưới thì lốc ập đến. Trời tối thui, biển như lật nghiêng, sóng gió gầm rú hất những con thuyền lên không trung rồi xé tan từng mảnh. Tiếng kêu cứu hỗn loạn, nhưng chỉ ít phút đã bị nhấn chìm. Tui may mắn ôm được mảnh ván…
Đợt đó cả vùng biển Quỳnh Lưu chết nhiều lắm, riêng thôn Thành Công chết 7 người. Trong đó 5 người không vớt được xác. Trước đó năm 1996 chết 3 người; Trận lốc năm 1983 làm “đứt” hơn chục mạng. Xóm ni nhiều gia đình có 2 – 3 người chết vì lốc và bão biển như gia đình bà Ngạn, bà Lòn, ông Do, chị Tám, chị Lê…”.
Mẹ con chị Lý khóc ngất trong đám tang chồng |
Để lại những ngôi làng vọng phu
Sau mỗi đợt gió mùa, mỗi trận bão hay gió lốc, những người mẹ, người vợ ở làng biển xã Quỳnh Long, lại thấp thỏm lo cho số phận của chồng, con đang lênh đênh ngoài biển. Không ít người trong số họ trở thành góa bụa vì những cơn giận dữ của biển.
Những ngôi làng ven biển này còn có tên gọi khác đó là làng vọng phu. Đó là nỗi đau của những người phụ nữ mất chồng. Còn nỗi đau, nỗi vất vả nào hơn khi phải mất đi người đàn ông trụ cột trong gia đình. Những người đàn bà bất hạnh ấy cuộc sống còn mặn hơn cả muối.
Chứng kiến đám tang anh Hoài, anh Biên, nghe tiếng khóc như xé toang sóng biển của chị Lý vợ anh, không ai cầm được nước mắt.
Anh Hoài mồ côi bố sớm, một mình người mẹ tần tảo nuôi anh lớn lên. Gia cảnh nghèo khó, anh bỏ học theo nghề đi biển mưu sinh. Năm 18 tuổi anh lấy vợ là chị Bùi Thị Lý, hai vợ chồng sinh được 3 đứa con, đứa con trai đầu mới lên 6, đứa út mới 2 tuổi.
Tưởng như được ổn định trên con tàu lớn để ra khơi có tiền trang trải nợ nần và sửa lại ngôi nhà dột nát. Nhưng rồi tai họa ập tới... Anh chết đi để lại cho chị 3 đứa con còn thơ dại, người mẹ già nua ốm yếu và món nợ lớn mà anh cùng với mọi người vay để mua thuyền.
Rồi đây chị sẽ chèo chống ra làm sao khi đã mất anh. 3 đứa trẻ ngây thơ con chị vẫn chưa thể hiểu được mình đã vĩnh viễn mất cha.
Kế bên nhà anh Hoài là nhà anh Biên, tiếng gào khóc thê lương như muốn xé toang cả trời chiều. Anh Nguyễn Nhất - Người cậu của Biên - cho biết: Biên mới cưới vợ và cũng mới sinh con được 2 tháng. Từ khi nhận được hung tin chồng tử nạn, chị Bùi Thị Vân đã ngất lên ngất xuống mấy lần, hiện đang phải cấp cứu ở trạm y tế.
Chung ngõ với gia đình anh Biên là nhà ông Bùi Văn Xào (57 tuổi). Là cựu chiến binh, ông lớn tuổi nhất trên con tàu gặp nạn. Gia cảnh khốn khó, không có tiền đóng góp ông chỉ xin làm ghé một chân trên tàu để kiếm gạo nuôi mẹ già.
Cả ba người con trai của ông đều làm nghề đi biển, còn cô con gái út chính là vợ anh Biên. Ngày nhận được tin con trai và cháu rể mất tích, cụ Nguyễn Thị Đừng (80 tuổi) ngất lịm đến nay vẫn chưa tỉnh lại.
Theo tìm hiểu của chúng tôi xã Quỳnh Long, từ trước đến nay có rất nhiều người tử nạn trên biển. Chúng tôi đến nhà bà Trần Thị Lòn ở cuối thôn Thành Công, (xã Quỳnh Long). Bà đã kể cho chúng tôi nghe về giông bão cuộc đời. Chính người cha thân yêu của bà cũng bỏ mạng trên biển vì giông tố. Chị em bà nép mình trong vòng tay gầy yếu của mẹ bám biển lớn lên.
Bà nghĩ rằng không bao giờ lấy chồng đi biển nhưng tình yêu và duyên kiếp lại xui bà lấy chàng trai chuyên nghề ra khơi, vô lộng. Lấy nhau rồi nhưng tâm hồn bà chưa được giây phút thảnh thơi. Mỗi lần chồng đi biển là bà thấp thỏm ăn không ngon ngủ không yên, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ và chính điều lo sợ của bà đã đến.
Chồng bà cũng tử nạn trên biển bỏ lại cho bà đàn con nheo nhóc. Bà phải vật lộn làm đủ thứ nghề để nuôi con. Nhưng tai họa chưa hết. Năm 1996 đứa con trai đầu Trần Ngọc Hà của bà mới cưới vợ 6 tháng đi biển cũng vĩnh viễn không về.
Cuộc sống nghèo khó, người con dâu phải đi xa kiếm sống, và để nguôi đi nỗi đau mất chồng, bỏ lại cho bà đứa cháu trai còn đỏ hỏn. Hàng ngày bà phải ra biển cào nghêu, bắt ốc làm thuê làm mướn để nuôi cháu. Không thể kể hết nỗi bất hạnh và cơ cực của bà khi tai họa luôn giáng xuống đời bà như thế..
Thạch Tùng