Bãi thải tồn tại trong… khuôn viên dự án 2 năm
Từ các ý kiến của người dân phản ánh về một lượng lớn đất đổ thải của Dự án Nhà máy xử lý nước sạch Vạn Niên (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) nằm ngay trong công trình đang xây dựng từ 2 năm nay, nguy cơ ảnh hưởng môi trường, rất dễ tràn xuống phía thượng nguồn sông Hương, chúng tôi đã "mục sở thị" công trường dự án này.
Tại khuôn viên dự án, nhiều xe tải, xe múc và công nhân đang làm việc tấp nập, gấp rút để dự án chuẩn bị về đích. Ngoài những khối nhà, công trình lớn đang xây dựng, cạnh đó là nhiều “núi” đất thải cao hàng chục mét có nguy cơ đổ ập xuống rất nguy hiểm.
Đặc biệt, ngay vị trí sát sông Hương, đất đá thải chất thành nhiều đống lớn nằm san sát bờ sông. Những đợt mưa lớn làm đất chảy xuống sông Hương, dòng nước đổi màu vàng đục, gây ảnh hưởng môi trường nước khi đây là con sông cung cấp nước chính cho người dân TP Huế.
Toàn cảnh Dự án Nhà máy xử lý nước sạch Vạn Niên với hàng trăm nghìn mét khối đất thải trong khuôn viên. |
Được biết, Dự án Nhà máy xử lý nước sạch Vạn Niên do Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên - Huế (HueWACO) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 794,1 tỷ đồng và được xây dựng qua 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (2020-2022) đầu tư 600,5 tỷ đồng, công suất 60.000 m3/ngày đêm; giai đoạn 2 (2023 – 2025) với công suất nâng lên 120.000 m3/ngày đêm. Dự án có nhiều hạng mục như trạm bơm nước thô, khối xử lý lắng lọc than hoạt tính sinh học và lọc cát, nhà điều hành, trạm bơm nước sạch, nhà hóa chất, khu xử lý bùn, các bể chứa...
Nhà máy được đầu tư xây dựng trên diện tích đất quy hoạch 13,5 ha thuộc Quy hoạch chi tiết Nhà máy nước sạch Vạn Niên (phường Thủy Biều) mở rộng từ trạm bơm Vạn Niên 1 hiện có và 3,58 ha tại đồi Quảng Tế (phường Thủy Xuân, cùng TP Huế) với mục tiêu cung cấp nước sạch an toàn cho khu vực TP Huế, thị xã Hương Trà, Hương Thủy và các huyện Quảng Điền, Phú Vang, chiếm trên 80% nhu cầu dùng nước của tỉnh Thừa Thiên – Huế, thay thế các nhà máy cũ đã xuống cấp như Dã Viên, Quảng Tế 1, Hương Phong, Tứ Hạ và Phú Bài.
Bãi thải tìm chưa ra vì “khó” chuyện… ĐTM
Liên quan đến sự việc, trao đổi PV Báo GD&TĐ, ông Dương Quý Dương – Tổng Giám đốc HueWACO cho biết, do gặp nhiều việc nên việc đổ thải các đống đất thải trong khuôn viên Dự án Nhà máy xử lý nước sạch Vạn Niên hiện đang gặp khó khăn, chưa thể di chuyển được lượng đất đá thải lớn đào lên từ xây dựng công trình ra bên ngoài.
Cụ thể, ban đầu HueWACO đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) tỉnh Thừa Thiên – Huế) lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án (ĐTM) để trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, trong đó khối lượng đổ thải 99.300m3, vị trí bãi thải thuộc Khu quy hoạch Đại học Huế (đường Hồ Đắc Di, TP Huế). Do bãi thải tại đây đã lấp đầy nên không thể tiếp nhận đất đổ thải của dự án, đồng thời, khối lượng đổ thải được điều chỉnh lên 245.098m3, vì thế phải điều chỉnh ĐTM để thực hiện đổ thải.
Đơn vị này sau đó đã tiếp tục lập ĐTM điều chỉnh trình Sở TN&MT thẩm định, vị trí đổ thải được thống nhất tại các phường Hương Văn, Tứ Hạ, Hương Xuân (thị xã Hương Trà). Ngày 16/9/2021, Hội đồng đã họp thẩm định nội dung ĐTM điều chỉnh và không thông qua ĐTM.
Nhiều "núi" đất cao chót vót nằm ngay trong dự án. |
Đoàn kiểm tra của Sở TN&MT cũng đã đến dự án này kiểm tra và yêu cầu đơn vị khẩn trương lập ĐTM, sau khi ĐTM được phê duyệt, yêu cầu HueWACO có phương án, khẩn trương vận chuyển, xử lý khối lượng đất đào phát sinh từ việc thi công. Dự án đưa về đổ tại vị trí được phê duyệt, đảm bảo cho các hộ dân và môi trường.
Sau khi hoàn thiện hồ sơ, HueWACO đã nhiều lần liên hệ nộp bổ sung hồ sơ yêu cầu thẩm định ĐTM điều chỉnh nhưng Sở TN&MT yêu cầu đơn vị (không bằng văn bản chính thức) gửi ĐTM đến Bộ TN&MT thẩm định điều chỉnh theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020.
Theo ông Dương, dự án này được Bộ TN&MT cấp phép khai thác nguồn nước nhưng ĐTM đã được Sở TN&MT tỉnh thẩm định, phê duyệt từ năm 2018 nên việc trình Bộ TN&MT thẩm định, phê duyệt điều chỉnh sẽ không phù hợp.
Tuy nhiên, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên – Huế khẳng định, dự án Nhà máy xử lý nước sạch Vạn Niên thuộc đối tượng lập ĐTM trình Bộ TN&MT thẩm định, phê duyệt, bởi theo quy định tại số thứ tự 10 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường: Dự án khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc thẩm quyền cấp giấy phép về khai thác, sử dụng tài nguyên nước của Bộ TN&MT, đồng thời theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 28 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tài nguyên nước: Dự án khai thác nước mặt cho các mục đích khác với lưu lượng từ 50.000 m3/ngày đêm trở lên thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước của Bộ TN&MT.
Mới nhất, ngày 27/7/2022, HueWACO đã gửi văn bản về việc thay đổi một số nội dung so với ĐTM đã được phê duyệt đến Bộ TN&MT, Sở TN&MT để được hướng dẫn hoàn thiện thủ tục thẩm định, phê duyệt ĐTM, đảm bảo việc vận chuyển khối lượng đất thải nêu trên đến các bãi thải nhưng vẫn chưa nhận được hướng dẫn trả lời.
Ông Dương đã đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế quan tâm chỉ đạo các Sở, địa phương hỗ trợ Công ty phê duyệt, thực hiện ĐTM đảm bảo quy định của pháp luật. Ngoài ra, khối lượng đất thải của công trình khoảng 245.098m3 gồm đất cấp phối đồi có lẫn đá cấp 4, phù hợp cho việc san nền, đắp nền mặt đường cho các dự án trên địa bàn tỉnh (đất đắp K90, K95), trong khi một số công trình thi công từ nguồn vốn ngân sách đang gặp khó khăn về nguồn đất đắp, vì vậy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành cho phép các đơn vị sử dụng nguồn đất đổ thải từ dự án Nhà máy nước sạch Vạn Niên để san lấp các công trình từ nguồn ngân sách tỉnh, qua đó tiết kiệm chi phí, đồng thời giải quyết khó khăn chung của HueWACO và các đơn vị thi công chưa có nguồn khai thác mỏ đất...
Giáo dục và Thời đại sẽ tiếp tục thông tin. Dưới đây là những hình ảnh do PV ghi nhận:
PV phải khá mất công khi leo lên các "núi" đất đá tại đây. |
Đất đá để sát ngay trụ sở nhà máy nước Vạn Niên cũ - công trình lịch sử thời kỳ Pháp thuộc để lại. |
Đá có thể sạt trượt bất cứ lúc nào. |
Nhiều đoạn đã tràn xuống sông Hương - con sông cung cấp nước chính cho người dân TP Huế. |
Đứng từ trên đỉnh "núi" đất đá thải nhìn xuống. |
Một số cây thông đã ngã đổ do đất đá thải. |
Mặt nước sông bên dưới khá bẩn do đất đá trượt xuống. |
Các ngọn "đồi" được tạo ra do đất đá thải từ dự án này. |