Loay hoay trả lại tiền học phí thu tăng

GD&TĐ - Thanh Hóa, một trong những địa phương tăng học phí năm học 2022 - 2023 tìm phương án giải quyết hoàn trả khoản chênh học phí.

Các trường tại Thanh Hóa đã thu học phí học kỳ I theo mức tăng mới.
Các trường tại Thanh Hóa đã thu học phí học kỳ I theo mức tăng mới.

Việc hoàn trả này diễn ra sau khi Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục trả lại người học khoản chênh lệch học phí đã thu để đúng quy định tại Nghị quyết số 165/NQ-CP của Chính phủ.

Nhà trường lúng túng

Thực hiện Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ, ngày 13/7/2022, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ra Nghị quyết số 287 quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022 – 2023 đến năm học 2025 – 2026.

Theo đó, học phí kỳ I năm học 2022 – 2023 của các trường công lập đã tăng lên 53,8% với mầm non, 150% đối với cấp trung học cơ sở và với cấp trung học phổ thông là 93,5%. Tại các trường học, đã thực hiện thu học phí học kỳ I theo mức mới. Hiện nay, hầu hết các trường học sau khi thu đã sử dụng một phần kinh phí cho các hoạt động.

Trường THCS Quang Trung (TP Thanh Hóa) hiện có 1.400 học sinh. Đến thời điểm này, nhà trường đã cơ bản hoàn thành các khoản thu học kỳ I và đang tiến hành thu các khoản thu của học kỳ II.

Bà Lê Thị Ngoan, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, cho biết, học phí của học sinh được thu định kỳ hàng tháng, tuy nhiên, nếu gia đình học sinh tự nguyện thì nhà trường có thể thu theo một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm, tuy số học sinh đóng học phí cả năm không nhiều.

“Thực hiện theo hướng dẫn mới của Sở GD&ĐT về mức thu học phí, đối với những học sinh đã đóng học phí cả năm, nhà trường sẽ có kế hoạch trả lại cho phụ huynh phần học phí chênh lệch đã thu ở học kỳ II. Còn đối với phần học phí của học kỳ I, nhà trường đang chờ hướng dẫn của tỉnh để xử lý”, bà Ngoan cho biết thêm.

Theo ông Lê Thành Đồng, Quyền Trưởng phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa, số tiền chênh lệch của cấp mầm non và THCS trên địa bàn thành phố là hơn 26 tỷ đồng.

“Các trường đã hạch toán thu chi từ đầu năm và hiện nay, rất nhiều trường sau khi thu học phí mức mới đã sử dụng một phần kinh phí cho các hoạt động của nhà trường và quyết toán trong năm 2022.

Việc trả lại tiền học phí như yêu cầu của Bộ GD&ĐT, hiện nay Phòng đang chờ hướng dẫn để thông tin tới các nhà trường. Trước mắt, Phòng đã chuyển thông báo của Sở GD&ĐT tới các trường về việc giữ ổn định mức thu học phí học kỳ II năm học 2022 - 2023 bằng mức thu năm học 2021 - 2022”, ông Đồng cho biết thêm.

Tương tự, tại Trường THCS Phú Hải Toại (Hà Trung), bà Lê Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Học phí học kỳ II năm học 2022 - 2023 đã được nhà trường điều chỉnh về mức thu cũ theo quy định. Tuy nhiên, đối với phần học phí học kỳ I đã thu và đã được quyết toán trong năm 2022, do đó, rất khó để có thể trả lại cho phụ huynh học sinh. Nhà trường mong muốn được tỉnh hỗ trợ phần kinh phí trả lại cho phụ huynh học sinh để tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường”.

Còn nhiều vướng mắc

Trước tình trạng trên, ông Phạm Anh Giang, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tài chính - Sở GD&ĐT, cho biết, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đang phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan xây dựng dự thảo nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 và mức hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh theo quy định.

“Sẽ tham mưu cho tỉnh sử dụng nguồn ngân sách hỗ trợ các trường 100% phần chênh lệch mức thu học phí của Nghị quyết 287 so với mức thu theo quy định cũ do các trường thu rồi thì đã chi, đã quyết toán tài chính năm”, ông Giang nói.

Cũng theo ông Giang, nguồn kinh phí này (con số chưa thống kê chính xác) ở các cấp học trong toàn tỉnh rơi vào khoảng 250 tỷ đồng. “Chắc chắn sẽ phải trả lại cho phụ huynh học sinh theo đúng yêu cầu của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên trả bằng cách nào và trả thời điểm nào thì hiện nay các sở, ngành liên quan phải ngồi lại bàn bạc, tính toán”, ông Giang cho biết thêm.

Theo bà Lê Thị Như Hoa, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Thanh Hóa, hiện nay nguồn ngân sách của tỉnh vô cùng khó khăn. Đến thời điểm này, thường trực HĐND cũng chưa nhận được văn bản đề xuất của UBND tỉnh về hướng điều chỉnh thực hiện hay ban hành mới Nghị quyết theo Nghị quyết số 165.

“UBND tỉnh đang giao Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết mới, tạm dừng Nghị quyết 287. Tới đây, UBND tỉnh còn phải họp với các sở, ngành liên quan, các ban HĐND tỉnh để có hướng tốt nhất trình HĐND tỉnh, dù là hỗ trợ hay chưa hỗ trợ đều phải trình HĐND”, bà Lê Thị Như Hoa, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội thông tin.

Cũng theo bà Hoa, nếu được sự đồng thuận các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh, trình thường vụ, trình thường trực thì khi có dự thảo Nghị quyết về các nội dung này, trên tinh thần Ban HĐND sẽ ủng hộ, làm sao để vừa đảm bảo được quyền lợi cho người dân, mà vừa đảm bảo được nguồn kinh phí cho các nhà trường.

Tại văn bản về việc triển khai Nghị quyết số 165/NQ-CP, Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí năm học 2022 - 2023 theo đúng Nghị quyết số 165/NQ-CP. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục phổ thông và mầm non đã công bố mức học phí cao hơn quy định trên phải điều chỉnh, công khai mức học phí đã điều chỉnh. Nếu trường đã thu học phí năm học 2022 - 2023 cao hơn năm học trước đó thì phải hoàn trả phần chênh lệch cho học sinh hoặc giảm trừ vào kỳ thu học phí tiếp theo…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.