Đã có rất nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm được các nhà quản lý tổ chức, nhưng dường như vẫn chưa tìm ra được biện pháp nào ngăn chặn hữu hiệu.
Diễn biến ngày càng phức tạp
Thời gian qua các cơ quan chức năng đã phanh phui hàng loạt vụ sản xuất, kinh doanh TPCN giả. Chúng ta chỉ nhìn qua một vài vụ nổi cộm mà các cơ quan chức năng xử lý đã triệt phá gần đây có thể thấy các thủ đoạn làm giả các sản phẩm này ngày càng tinh vi ra sao.
Cụ thể, các công ty thông qua nhập khẩu các sản phẩm của mình đã được công bố, rồi thành lập nhiều công ty vệ tinh để sản xuất hàng giả đưa ra thị trường.
Thủ đoạn của các đối tượng là “lập lờ đánh lận con đen” bán sản phẩm giả lẫn các sản phẩm nhập khẩu để đối phó với cơ quan chức năng và qua mắt người tiêu dùng.
Điển hình các như vụ: Công ty CP Dược phẩm quốc tế USA sản xuất và kinh doanh TPCN Arginin B.Complex Extra, Anphavit calci nano, Pediasure không đúng tiêu chuẩn công bố.
Công ty CP Dược Viko 8 (Pháp) sản xuất TPCN Trinh nữ hoàng cung giả, không có giá trị sử dụng, công dụng rồi đem bán với các hàng được nhập khẩu để qua mặt các cơ quan chức năng.
Hay như vụ hàng loạt sản phẩm TPCN giả của Công ty TNHH Thương mại Slim HMN Việt Nam và đặc biệt là lô hàng TPCN, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trị giá gần 11 tỉ đồng của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TS Việt Nam...
Những sản phẩm TPCN, dược phẩm làm giả như vậy vì sao lại có thể lưu thông ngoài thị trường? Theo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), do sử dụng nhiều thủ đoạn mới, tinh vi trong sản xuất, kinh doanh nên dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN giả mới “có đất” và có “cơ hội” để ngày càng trở nên phức tạp hơn.
Bên cạnh đó, lợi dụng xu hướng thương mại điện tử, các doanh nghiệp (DN) chỉ bán qua mạng, bán cho người đặt hàng, không bán công khai để “lọt lưới”.
Tinh vi hơn, một số người nước ngoài đưa hàng hóa nhập lậu, hàng giả vào Việt Nam tiêu thụ nhưng do người Việt Nam đứng tên pháp lý kinh doanh với hình thức thành lập công ty, đăng ký kinh doanh có tên DN trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ...
Đối với hàng kém chất lượng, thủ đoạn các đối tượng hay sử dụng là quảng cáo phóng đại hoặc mua các sản phẩm rời mang về Việt Nam đóng hộp, đóng lọ không qua kiểm tra chất lượng rồi mang ra bán; kinh doanh hàng tẩy xoá hạn sử dụng...
Cần có chế tài mạnh
Mặc dù là hàng giả, kém chất lượng lại liên quan trực tiếp đến sức khỏe nhưng khi bị phát hiện hầu hết đều xử lý theo hình thức xử phạt hành chính, không đủ sức để răn đe, phòng ngừa. Chẳng hạn như việc xử phạt Công ty CP Dược phẩm quốc tế USA nêu trên chỉ với số tiền ít ỏi (84 triệu đồng).
Số tiền này, nếu so với tội ác mà họ gây ra (có thể chết người nếu dùng sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả) chẳng là gì và đối với một DN kinh doanh TPCN, dược phẩm cũng chỉ như “móng tay”.
Bởi đây là mặt hàng kinh doanh “một vốn bốn lời”, chưa kể nếu trót lọt thì các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần. Bởi vậy, nếu cứ duy trì hình thức xử lý này là chính thì “vụ sau luôn lớn hơn vụ trước” là điều chúng ta có thể hiểu.
Theo đại diện Ban Chỉ đạo 389, hiện nay chưa có quy định cụ thể về quản lý, kinh doanh, quảng cáo, buôn bán mỹ phẩm, TPCN trên mạng xã hội làm cho việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh qua mạng rất khó khăn.
Rồi cả hệ thống thông tin của Cục Quản lý Dược Bộ Y tế cũng chưa công khai danh mục và đơn vị được cấp số lưu hành cho các loại mỹ phẩm; không có quy định phải ghi số đăng ký lên sản phẩm, vì vậy việc phát hiện hàng có phép hay không được phép lưu hành trên thị trường là một nan giải đối với các cơ quan quản lý.