Loại virus gây viêm dạ dày ruột hàng đầu thế giới

GD&TĐ - Norovirus có thời gian ủ bệnh nhanh, khoảng 24 giờ. Sau 2 - 3 ngày, bệnh sẽ giảm và hồi phục nhanh nếu không có biến chứng mất nước. Do đó, người bệnh thường nhập viện bù dịch và được về nhà sau 1 - 2 hôm.

Norovirus là virus phổ biến ở nước ta.
Norovirus là virus phổ biến ở nước ta.

80% trẻ mắc triệu chứng do norovirus

Gần 1 tháng nay, số lượng trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương với các triệu chứng nôn, tiêu chảy, đau bụng tăng đột biến. Bệnh viện đã tiến hành xét nghiệm và cho biết, nguyên nhân gây nên các triệu chứng trên chủ yếu là do virus norovirus. Đây được coi là một loại virus khá phổ biến ở nước ta.

Mỗi ngày, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận từ 20 - 30 trường hợp trẻ nhập viện mắc các triệu chứng nôn, tiêu chảy. Nhiều trẻ sốt, đau bụng. Khoảng 1 tháng trở lại đây, đơn vị này đã tiếp nhận khoảng 4.500 trẻ mắc các triệu chứng như vậy đến khám và điều trị.

Theo các chuyên gia, trẻ gặp tình trạng trên thường từ 5 tuổi trở lên. Để loại trừ các nguyên nhân có liên quan đến dịch Covid-19 và bệnh viêm gan lạ hay nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm trên 272 bệnh nhi ở các độ tuổi bằng phương pháp Realtime-PCR.

Kết quả cho thấy, 80% trẻ mắc các triệu chứng trên là do norovirus có trong dạ dày và ruột. Các triệu chứng này thường bắt đầu trong vòng 12 - 48 giờ sau khi bị phơi nhiễm và có thể kéo dài đến ba ngày.

Theo bác sĩ Phí Văn Công - Khoa Hồi sức Cấp cứu nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cả trẻ em và người lớn đều có thể nhiễm norovirus. Virus này là nguyên nhân phổ biến nhất của rối loạn tiêu hóa do thực phẩm trên toàn thế giới.

Virus có khả năng lây lan rất mạnh trong không gian hẹp. Virus cũng có thể lây lan giữa những người tiếp xúc gần, dùng chung thức ăn hoặc khi chạm vào bề mặt bị nhiễm norovirus và sau đó chạm vào miệng.

Theo bác sĩ Công, các virus như rotavirus, norovirus đều dễ lây và có thể tạo thành chuỗi lây nhiễm trong không gian sinh hoạt chung (lớp học, khu vui chơi, ăn uống...). Hiện tại, không có thuốc diệt các virus này. Tuy nhiên, virus có thể tự đào thải khỏi cơ thể sau vài ngày gây bệnh.

“Việc của bác sĩ và gia đình là đánh giá các biến chứng xảy ra (mất nước, rối loạn điện giải…) để điều trị những biến chứng này”, bác sĩ Công cho biết.

Đường lây phổ biến

Trong khi đó, theo bác sĩ Đỗ Tiến Sơn - sáng lập trang Chăm con chuẩn Mỹ, norovirus là virus gây viêm dạ dày ruột (gastro-enteritis) hàng đầu thế giới. Khi mới được ghi nhận, norovirus gây ra các “dịch nôn mùa đông” ở Mỹ do đặc điểm mùa và đặc trưng của bệnh. Đó là nôn liên tục. Bác sĩ Sơn dẫn chứng, tại Mỹ, mỗi năm, có gần nửa triệu trẻ phải đi cấp cứu vì norovirus.

Đường lây hàng đầu của norovirus là qua tiếp xúc (phân - miệng), tay chạm rồi đưa lên miệng… Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây qua giọt bắn của dịch nôn. Tức là khi có trẻ bệnh nôn, văng ra giọt dịch chứa mầm bệnh, bắn vào tay chân, quần áo... Song, bác sĩ Sơn lưu ý, virus này không bị cồn hay nước sát khuẩn nhanh bất hoạt. Đặc biệt, norovirus hay gây dịch nhỏ ở các nhà trẻ, trường học và bệnh viện.

Theo bác sĩ Sơn, norovirus có thời gian ủ bệnh nhanh, khoảng 24 giờ. Sau 2 - 3 ngày, bệnh sẽ giảm và hồi phục nhanh nếu không có biến chứng mất nước. Do đó, người bệnh thường nhập viện bù dịch và được về nhà sau 1 - 2 hôm.

Biểu hiện tiêu biểu của bệnh nhân mắc norovirus là buồn nôn, nôn. Bác sĩ Sơn cho biết, không nôn máu, không nôn dịch vàng xanh là triệu chứng nổi trội của viêm dạ dày ruột do norovirus. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể đi ngoài toé nước (không nhày máu) và đau bụng.

“Nếu đã mắc 1 lần norovirus thì ít khi bị lại. Có bị thì sẽ là bị con khác, hoặc chủng khác của norovirus (hiếm, và thường nhẹ nhàng hơn)”, bác sĩ Sơn cho biết.

Bên cạnh đó, phụ huynh được khuyến cáo cần phân biệt bệnh do norovirus với triệu chứng nôn do bệnh lý ngoại khoa (viêm ruột thừa, lồng ruột, xoắn ruột, tắc ruột…), viêm dạ dày ruột do rotavirus (hay gặp tiêu chảy toé nước), entero adenovirus (hiếm khi nôn), astrovirus (ít nôn).

Theo bác sĩ Sơn, tình trạng nôn nhiều và liên tục sẽ dẫn đến mất nước. Do đó, phương pháp điều trị duy nhất là đưa trẻ đi khám. Nhờ đó, loại trừ các bệnh khác và nhập viện nếu trẻ mất nước. Trong khi chờ gọi xe đi khám, cha mẹ có thể cho trẻ uống Oresol đổ thìa hoặc chén nhỏ với trẻ lớn.

Để phòng bệnh nôn, tiêu chảy do norovirus, bác sĩ Sơn khuyến cáo, trẻ cần vệ sinh tay. Đồng thời, cha mẹ nên lau, sát trùng bề mặt, phòng. Trong trường hợp trẻ nhiễm norovirus, cha mẹ nên cho con nghỉ học đến ít nhất 2 - 3 ngày sau khi hết triệu chứng. Bác sĩ Sơn lưu ý, hiện, chưa có vắc-xin phòng bệnh.

Do cồn không diệt được norovirus, bác sĩ Sơn khuyến cáo, cần rửa tay với xà bông và xả trôi dưới vòi nước. Ngoài ra, người dân có thể dùng thuốc tẩy (javen) pha loãng để lau sàn, giặt và vệ sinh bề mặt, đồ chơi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ