Giống loài đặc hữu
Bị cô lập trong hàng triệu năm, lục địa Australia đã sản sinh vô số dạng sống đặc hữu trên vùng đất mênh mông này. Từ nhện thợ săn, cá sấu nước mặn, đến trăn ô liu và ếch nuốt rắn, nơi này được xem là quê hương của nhiều sinh vật kỳ lạ và đáng sợ nhất thế giới. Trong đó có loài giun đất khổng lồ Gippsland từng gây khiếp sợ cho những người gặp phải, dù chúng không có gì nguy hiểm.
Người ta biết rất ít về loài giun này, ngoài việc nó có thể phát triển tới 3m và có một lượng hemoglobin cao trong máu, giúp tồn tại trong môi trường có mức oxy rất thấp dưới lòng đất.
Tên khoa học là Megascolides australis, giun đất khổng lồ di chuyển bằng cách trườn nhưng có thể đào sâu xuống đất tới 1,5m tìm thức ăn và nơi ẩn náu. Khi xuyên đất, nó tạo ra những âm thanh ùng ục lớn, nghe rất kỳ lạ.
Giun khổng lồ lần đầu tiên được phát hiện bởi các công nhân đường sắt ở vùng Gippsland, Victoria vào năm 1878, trong khi họ thực hiện cuộc khảo sát định kỳ để xây dựng một tuyến đường xuyên qua nơi này.
Ban đầu, mọi người hoảng sợ vì nhầm nó với loài rắn độc, nhưng sau đó, xác định đây là một sinh vật lạ nên họ mang nó đến Đại học Melbourne để tìm câu trả lời nơi các nhà khoa học. May mắn là lúc này ở trường có nhà cổ sinh vật học đáng kính, Frederick McCoy.
Từ Ireland, ông đã chuyển đến Australia làm công việc nghiên cứu, phân loại, đặt tên cho các mẫu vật. Ông đã thành lập Vườn Bách thảo nổi tiếng ở Đại học Melbourne vào năm 1856. Nhà khoa học nổi tiếng rất thích thú khi nhìn thấy mẫu vật lạ này.
Kết quả nghiên cứu của ông công bố trên tạp chí Prodomus to Zoology of Victoria cho thấy, đây là loài giun đất lớn nhất trên thế giới. Và cũng như hơn 1.000 loài giun đất khác có nguồn gốc từ Australia, giun khổng lồ Gippsland đang phải đối mặt với những nguy cơ tuyệt chủng, càng trầm trọng hơn bởi kích thước khổng lồ và tập tính của chúng.
Âm thanh đáng sợ trong lòng đất
Để ăn, sinh vật này sử dụng phần đầu đầy cơ bắp của mình đào sâu xuống đất và dùng miệng hút bất kỳ vi khuẩn, tảo, nấm và vi sinh nào tìm thấy, trong đó có thể có những viên đá nhỏ, mẩu đất. Vì giun không có răng, các chất rắn này vào thẳng trong bộ phận tiêu hóa trộn lẫn với thức ăn, cho ra chất thải mà chúng dùng để bịt kín hang.
Nhà sinh vật học Beverley D. Van Praagh đã nghiên cứu loài giun đất khổng lồ Gippsland trong hơn 25 năm, hợp tác chặt chẽ với nông dân và các thành viên cộng đồng để hiểu rõ hơn và bảo tồn loài động vật không xương sống độc đáo này. Bà cho rằng, giun đất Gippsland khổng lồ rất chậm chạp nên cơ thể dễ bị hút ẩm và thu hút các động vật ăn thịt, nếu ở trên mặt đất quá lâu.
Do đó, chúng sống phần lớn thời gian trong lòng đất và chỉ trồi lên khi lượng mưa lớn đe dọa nhấn chìm hệ thống ngầm. Khi cố thủ trong hang hốc của mình, chúng tạo ra tiếng ồn lớn đến mức ở trên mặt đất nghe rất rõ.
Van Praagh nói: “Các hang do giun đất khổng lồ Gippsland làm nơi sinh sống có những bức vách luôn ẩm ướt, vì vậy khi chúng di chuyển nhanh sẽ tạo ra những tiếng ùng ục khá lớn. Âm thanh hơi giống tiếng nước thoát ra từ bồn tắm, gây khiếp sợ cho những người chưa biết đến loài giun này”.
Nguy cơ tuyệt chủng
Theo bà Van Praagh, tính chất co giãn giúp giun đất khổng lồ dễ dàng giao phối, sinh sản trong các hang dưới lòng đất, mà vẫn tránh được những loài săn mồi. Là loài lưỡng tính, khi chúng kết đôi, con này đưa tinh trùng từ túi chứa tinh để thụ tinh cho kén trứng của con kia.
“Những con giun này khá dẻo dai nên chúng có thể kéo dài cơ thể cho mỏng hơn”, bà nói, “Điều này cho phép chúng kết đôi dễ dàng trong hang, giao phối bất cứ khi nào chúng gặp nhau và sau đó lưu trữ tinh trùng, sẵn sàng cho việc sản xuất trứng khi có điều kiện thuận lợi”.
Tuy nhiên, một con giun đất khổng lồ chỉ tạo ra kén trứng mỗi năm một lần. Khi thụ tinh thành công, trong vòng một năm trứng mới nở. Khi mới sinh, giun con dài trung bình 30 cm và phát triển khoảng 17 cm mỗi năm. Chúng có tuổi thọ có thể đến hơn 10 năm.
Trước khi ngành nông nghiệp sử dụng các chất sát trùng phun, rải vào đất canh tác, loài sinh vật này phát triển mạnh mẽ trên khắp các khu rừng rậm rạp của Australia. Nhưng ngày nay, chúng chỉ còn sinh sống ở khu vực gần 400 km2 ở phần cực Nam của lục địa. Việc tránh xa các chất hóa học đã đẩy sinh vật này đến tình trạng sinh tồn bấp bênh.
Nhà khoa học Van Praagh và những người bảo vệ loài giun đất khổng lồ Gippsland hy vọng chúng ta đối xử với môi trường sống của chúng như chính ngôi nhà của chính mình để loài này không bị tuyệt chủng.