Lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực đang dần co lại. |
Thực hiện Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal về bảo vệ tầng ozon, sau 15 năm thực hiện, Việt Nam đã loại bỏ thành công các chất gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầng ozon, như: CFC, halon và CTC
Ông Nguyễn Khắc Hiếu, phó cục trưởng Cục Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi Khí hậu cho biết, tháng 1/1994, Chính phủ nước Việt Nam chính thức phê chuẩn tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozon và Nghị định thư Montreal của Công ước về các chất làm suy giảm tầng ozon.
Ông Hiếu cũng cho biết thêm, lỗ thủng tầng ozone được phát hiện vào cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước tại châu Nam Cực. Lỗ thủng này lớn nhất vào những năm 1997 – 1998, với diện tích bằng cả châu Âu. “Tầng zone bị thủng sẽ làm tia cực của mặt trời xuống trái đất nhiều hơn, làm tăng khả năng gây ung thư da, đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, hiện nay, với nỗ lực của thế giới, lỗ thủng tầng ozone đang co lại” – ông Hiếu nhấn mạnh.
Thực hiện Nghị định thư Montreal, Việt Nam đang triển khai đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và chính sách để bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định của Nghị định thư về loại trừ hoàn toàn các chất CFC, halon và CTC từ ngày 1/1/2010.
Theo Nghị định, với mức tiêu thụ cơ sở là 500 tấn CFC, 5 tấn halon và 0,5 tấn CTC, Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện lộ trình loại trừ các chất này như sau: giảm 50% lượng tiêu thụ vào năm 2005; giảm 85% lượng tiêu thụ vào năm 2007 và loại bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu và sử dụng các chất này từ ngày 1/1/2010. Lộ trình loại trừ các chất này đã được Việt Nam thực hiện thành công.
Cả nhân loại phải vào cuộc loại trừ các chất làm thủng tầng ozone và làm trái đất nóng lên. |
Các nhà khoa học cảnh báo, việc sử dụng HFC làm chất thay thế có thể tăng lên nhanh chóng trong những năm tới trong những sản phẩm như xốp cách âm, cách điện, nhiệt, máy điều hòa không khí và tủ lạnh.
Với bối cảnh chỉ số về thải carbon dioxide (CO2) đang ở mức 450 phần triệu (ppm), thì tính đến năm 2050, các chất HFC có thể là 9 tỷ tấn CO tương đương, ước khoảng 45% tổng lượng thải CO2, nếu việc tăng trưởng sử dụng các chất này không được kiểm soát. Nếu hành động khẩn trương nhằm ngăn cản và giảm lượng thải hàng năm, cùng với khuyến khích sử dụng các chất thay thế thì đến năm 2050, lượng thải các chất HFC có thể giảm xuống tới 1 tỷ tấn.
Nghị định thư Montreal phân các chất làm suy giảm tầng ozon thành các nhóm chlorofluorocarbon – CFC, hydrochlorofluorocarbon – HCFC, methyl bromide và quy định lộ trình loại trừ các chất này riêng biệt cho 49 quốc gia phát triển và 147 nước đang phát triển. Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon được ký kết ngày 16/9/1987 tại thành phố Montreal, Canada, là Nghị định thư của Công ước Vienna (1985) về bảo vệ tầng ozon. Tính đến ngày 16/9/2009, tất cả 196 quốc gia trên thế giới đã phê chuẩn tham gia Nghị định thư và Nghị định thư Montreal đã trở thành một hình mẫu thành công nhất từ trước đến nay của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết một vấn đề môi trường toàn cầu. |
Anh Thư