Lo ngay ngáy tuyển sinh đầu cấp

Lo ngay ngáy tuyển sinh đầu cấp

(GD&TĐ) - Trường lớp quá tải dẫn đến tình trạng lớp học đông vượt chỉ tiêu qui định của Bộ GD&ĐT tới vài chục em đã khiến cho các bậc phụ huynh tại các thành phố lớn, đặc biệt là Thủ đô từ những ngày đầu tháng 5 đã ngay ngáy nỗi lo xin học cho con. Nạn chạy trường, chạy lớp, xin cho con học lớp GV dạy giỏi vẫn là mục tiêu hướng đến của nhiều phụ huynh.  

Đi tìm nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân tạo ra áp lực tuyển sinh đầu cấp tại các thành phố lớn. Song, chủ yếu nhất vẫn là nguyên nhân mật độ dân số đông do dân nhập cư và nhu cầu chọn trường, chọn lớp của chính phụ huynh HS, chưa xóa hết các phường, quận trắng trường học.

Chính những nguyên nhân kể trên đã tạo áp lực cho ngành GD trong các mùa tuyển sinh đầu cấp. Bởi thường các thành phố lớn, các thành thị phát triển kinh tế, dân nhập cư ngày càng gia tăng đã khiến cho qui mô dân số ngày càng tăng cao. Ngay trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và TPHCM trong vòng 7 - 8 năm trở lại đây, nhiều khu đô thị mới mọc lên để giải quyết nhu cầu nhà ở cho nhân dân cũng đồng nghĩa dân số tăng gấp 2 - 3 lần. Riêng thành phố Hà Nội đến nay có 8/25 khu đô thị mới không có trường học nào, kể cả trường công và tư. 

Theo Trưởng phòng GD Hoàn Kiếm (Hà Nội), bà Dương Thị Thanh Huyền: Áp lực tuyển sinh đầu cấp chủ yếu diễn ra ở các quận mới thành lập, quận ven đô như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai chứ ở các quận nội thành, phố cổ dân số ổn định nên không rơi vào tình trạng quá tải. Ngay như quận Hoàn Kiếm, công tác tuyển sinh hàng năm ổn định, không xáo trộn.

Ngày hội đến trường của HS Trường Thực nghiệm Liễu Giai Ảnh K.K
Ngày hội đến trường của HS Trường Thực nghiệm Liễu Giai   Ảnh K.K

Mặc dù các thành phố lớn chú trọng phát triển qui mô trường lớp nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân song vẫn diễn ra tình trạng quá tải. Sĩ số có trường học lên tới 70 HS/lớp, còn lại đa số rơi vào khoảng 45 - 55 HS/lớp. Thậm chí, có lớp học còn tận dụng tối đa diện tích, bàn học của HS kê vượt cả bục giảng của GV.

Thống kê 7 quận nội thành Hà Nội còn 32 phường thiếu trường, trong đó có 11 phường thiếu trường ở hai bậc học, một phường thiếu trường ở cả ba bậc học. Đó là chưa kể 25 khu đô thị mới còn thiếu gần 60 trường công lập ở cả ba cấp, trong đó MN thiếu 21 trường, TH thiếu 20 trường, THCS thiếu 18 trường. 

Trong khi mạng lưới trường học theo quy định “mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất một cơ sở GDMN, một trường TH, một trường THCS hoặc một trường phổ thông có nhiều cấp học” mới thấy ngay trong các quận nội thành Hà Nội vẫn có một số nơi “trắng trường”. Chẳng hạn, phường Điện Biên vẫn chưa có trường Tiểu học, THCS công lập. Trong suốt những năm qua, khi con cái đến tuổi đi học phụ huynh phường này đành  chấp nhận cho con học trái tuyến với lệ phí đóng góp xây dựng cao hơn đúng tuyến.

Một thực tế nữa cho thấy, việc thiếu trường thiếu lớp, cung chưa đủ cầu nhưng chính nhu cầu chạy trường của phụ huynh cũng tạo áp lực trong mùa tuyển sinh. Có con trai nay vào lớp 6, chị Trần Ngọc Linh ở khu Dịch Vọng – Cầu Giấy bật mí: Bí quyết của phụ huynh hiện nay là “Cấp 1 chọn cô, cấp 2 chọn lớp, cấp ba chọn trường”, em cứ thế mà thực hiện, quyết cho con học trường điểm, lớp chuyên.

Đâu là giải pháp?

Từ nhiều năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có chủ trương “3 giảm”: Giảm sĩ số HS/lớp, giảm số lớp ở những trường có quy mô quá lớn và giảm số HS học trái tuyến. Thành phố luôn đảm bảo đủ chỗ học cho HS với sĩ số khoảng 40 HS/lớp. Nhưng do mật độ dân cư và sự khác nhau về quy mô của từng trường nên tỷ lệ này không đồng đều. Áp lực tuyển sinh bao giờ sẽ hết là câu hỏi đặt ra cho ngành GD hiện nay.

TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Nhằm giảm áp lực tuyển sinh đầu cấp ở các điểm nóng, Bộ GD&ĐT đã đưa ra một loạt giải pháp cần khắc phục như: Phát triển qui mô trường lớp, tạo sự đồng đều về chất lượng dạy học, cần tư vấn hướng nghiệp ở các trường, tư vấn cho HS ngay từ lớp dưới, tránh tâm lý đám đông…. Như vậy mới ngày càng tạo ra sự ổn định trong công tác tuyển sinh đầu cấp.

Song công tác tuyển sinh đầu cấp, Bộ chỉ đạo mang tính chất khung, còn việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện giao cho các địa phương. Công tác tuyển sinh thời gian gần đây đã ngày càng đi vào nề nếp. Song, hiện một số nơi vẫn còn hiện tượng qúa tải. Hệ thống trường lớp ngày càng phát triển cả về qui mô và chất lượng, đáp ứng nhu cầu người học. Tuy nhiên chất lượng không đồng đều, giữa trường công với trường dân lập có khoảng cách. Trong khi đó, người dân đều có mong muốn cho con học trường tốt. Đây là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Giải pháp trước mắt vẫn là phân tuyến hợp lý, chia số HS trên địa bàn cho các trường lân cận. Các quận, huyện, thị xã được giao quyền chủ động trong việc phân tuyến tuyển sinh.

Những năm gần đây Hà Nội đã đầu tư hơn hàng ngàn tỉ đồng xóa gần 6000 phòng học tạm, phòng học cấp 4, và xuống cấp, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nhằm cải thiện chất lượng dạy và học của các trường và tạo cơ hội công bằng cho HS giữa các trường khác nhau, góp phần giảm sức ép của “trường điểm” vào những mùa tuyển sinh đầu cấp.

Vũ Kiệt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ