Lỗ hổng quản lý chất lượng xăng dầu

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xăng dầu rởm, kém chất lượng vẫn được “tuồn” ra thị trường. 

Lỗ hổng quản lý chất lượng xăng dầu
Keyword đầu tiên có dấu

Với quy trình quản lý hiện nay rất khó kiểm soát chất lượng xăng dầu khi bán cho người tiêu dùng. Ảnh: Khánh Linh

Vụ việc “đại gia” Trịnh Sướng (50 tuổi, Chủ tịch HĐTV, kiêm Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng ở Sóc Trăng) cùng hàng chục đồng phạm bị Công an Đắk Nông khởi tố, bắt tạm giam về hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả là xăng dầu, đã làm cho giới kinh doanh xăng dầu ở Miền Tây rúng động vì “đại gia” này là đầu mối cung cấp xăng, dầu cho các đại lý bán lẻ xăng dầu ở miền Tây và nhiều tỉnh, thành. Câu hỏi đặt ra, quy trình kiểm soát thế nào mà mặt hàng đặc biệt này vẫn bị làm giả, qua mặt cơ quan chức năng?

Đại lý bán lẻ không thể kiểm soát được chất lượng xăng dầu

Anh Phạm Chí Cường, chủ cửa hàng bán lẻ xăng dầu K.C (xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) chia sẻ, theo quy trình thông thường, các đại lý bán lẻ xăng dầu đều ký hợp đồng với một công ty cung cấp. Trên cơ sở hợp đồng, xe bồn sẽ vận chuyển xăng dầu từ kho chứa của công ty đến cung cấp cho đại lý hàng ngày, hàng tuần.

Trước khi tiến hành nhập xăng hoặc dầu vào bồn, đại lý sẽ xem barem (bảng tính sẵn - PV). Sau khi kiểm tra, thấy đúng với yêu cầu, đại lý sẽ dùng một chai nhựa khoảng 1-3 lít để lấy xăng hoặc dầu mẫu trong xe bồn và yêu cầu nhân viên giao hàng (tài xế - PV) ghi phiếu, rồi niêm phong mẫu với sự chứng kiến của cả hai bên (bên giao hàng và đại lý). Đại lý sẽ giữ chai mẫu này.

“Đại lý không thể biết được đâu là xăng dầu giả hay thật vì công ty họ đưa xuống như thế nào thì đại lý sử dụng như thế, chứ không nắm được quy trình công ty sản xuất hoặc pha trộn ra sao. Chỉ khi cơ quan chức năng kiểm tra mới biết được”, anh Cường nói và chia sẻ thêm: Với kinh nghiệm trong nghề có thể nhận biết được 30% là xăng giả hay thật. Chẳng hạn đối với xăng A95, khi đưa tay vào bồn xăng rồi rút lên, nếu xăng thật thì sẽ có cảm giác mát lạnh và độ bốc hơi nhanh, còn xăng có vấn đề khi rút tay lên cảm giác tay bị ướt.

Cũng theo anh Cường, việc lấy mẫu là để phục vụ việc có đoàn liên ngành đến kiểm tra. Tuy nhiên, không phải lúc nào cơ quan chức năng cũng lấy mẫu đã niêm phong sẵn, mà họ có thể lấy mẫu bất kỳ từ trụ bơm của đại lý. “Quá trình kiểm tra, nếu cơ quan chức năng phát hiện mẫu có vấn đề thì cửa hàng sẽ lấy chai mẫu ban đầu đưa đi kiểm nghiệm lại để đối chiếu”, anh Cường nói.

Tương tự, ông Phạm Thành Chiến, chủ cửa hàng xăng dầu M.P, nhượng quyền thương mại của Petrolimex Bạc Liêu (xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) cho biết, sau khi lấy mẫu, nếu phát hiện xăng hoặc dầu không đảm bảo chất lượng thì người cung cấp sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, bởi đại lý cũng không biết đâu là xăng dầu giả hay thật.

“Trường hợp đại lý cảm thấy nghi ngờ, có thể tự lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm, chứ bình thường không thể nào biết được hàm lượng pha chế trong xăng dầu ra sao, bởi không trực tiếp đến nơi sản xuất và cũng không nắm được quy trình sản xuất, pha chế của công ty”, ông Chiến nói và cho biết, mỗi đại lý bán lẻ xăng dầu sẽ đăng ký một đầu mối (công ty - PV) và họ sẽ cung cấp hàng để đại lý bán. Nếu cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện xăng giả thì đại lý cũng phải chịu liên đới, vì không có thiết bị để tự kiểm tra tại thời điểm nhập hàng, mà chỉ lấy mẫu để lưu lại.

Nhiều lỗ hổng trong quy trình kinh doanh xăng dầu

Trong chuyên án mang bí số 018SM điều tra, làm rõ vụ án “Sản xuất, buôn bán xăng giả”, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ của vụ án, ngày 13/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, ra quyết định khởi tố 9 bị can, ra lệnh bắt tạm giam 8 bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú 1 bị can. Tiếp tục điều tra mở rộng, ngày 5/6/2019, Cơ quan CSĐT tỉnh Đắk Nông đã quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 14 bị can, nâng tổng số bị can bị khởi tố là 23 bị can. Trong số này có đại gia Trịnh Sướng, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, tỉnh Sóc Trăng.

Kết quả điều tra xác định, ông Sướng và các đồng phạm lợi dụng danh nghĩa là doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh xăng dầu đã thực hiện hành vi sản xuất xăng giả. Từ năm 2017 đến nay, đường dây này đã chi 3.000 tỷ đồng mua dung môi pha trộn vào xăng kém chất lượng, cộng thêm chất kích RON, chất tạo màu để tạo ra xăng E5 RON 92 và RON 95 giả. Khai với cảnh sát, ông Sướng và các đồng phạm chỉ thừa nhận bán ra thị trường được gần 19,5 triệu lít xăng giả, thu lợi bất chính hơn 130 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, hơn hai năm qua, mỗi tháng đường dây của Trịnh Sướng bán ra thị trường 6 triệu lít xăng giả các loại.

Ngọc Hùng

Theo đại diện một đại lý kinh doanh xăng dầu nhiều năm ở TP Cần Thơ, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xăng dầu rởm, kém chất lượng vẫn được “tuồn” ra thị trường.

Thứ nhất, hiện nay việc mua bán các nguyên liệu để pha chế xăng dầu, dung môi, phụ gia và các chế phẩm có liên quan đến việc pha chế xăng dầu khá dễ dàng trên thị trường. Từ đó, các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh xăng dầu có thể dễ dàng mua về để pha chế không theo quy định. Chẳng hạn, họ có thể mua xăng dầu có chỉ số octane thấp pha trộn với xăng dầu có chỉ số octan cao và pha thêm dung môi, phụ gia, chất tạo màu… để cho ra loại xăng dầu có chỉ số octan theo tiêu chuẩn là A95 hoặc A92. Chỉ đến khi đem kiểm nghiệm, phát hiện được đâu là sản phẩm không đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Thứ hai, theo quy định hiện hành, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được ký hợp đồng làm đại lý cho một tổng đại lý hoặc một thương nhân phân phối xăng dầu hoặc một thương nhân đầu mối. Nếu tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu, thương nhân đầu mối đó không kinh doanh nhiên liệu sinh học thì đại lý được ký thêm hợp đồng làm đại lý cho một pháp nhân khác để kinh doanh nhiên liệu sinh học. Việc kiểm soát nguồn cung thông qua hóa đơn xuất nhập. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề kiểm soát khối lượng xăng dầu theo hóa đơn đầu ra đầu vào đối với đại lý bán lẻ xăng dầu còn rất bất cập; đặc biệt là việc bán lẻ xăng dầu không xuất hóa đơn vẫn còn tràn lan nên đơn vị kinh doanh xăng dầu rất dễ “hợp thức hóa” khi mua xăng dầu trôi nổi trên thị trường, xăng dầu giả để pha trộn với xăng dầu nhập chính thức từ nhà phân phối, tổng đại lý… khi bán ra thị trường.

Thứ ba, công tác thanh, kiểm tra; kiểm soát về chất lượng xăng dầu vẫn còn có vấn đề. Bởi lẽ hiện nay, đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu có rất nhiều cơ quan có thể thanh, kiểm tra, kiểm soát chất lượng như: Quản lý thị trường, ngành khoa học công nghệ, công an… Thế nhưng việc để một số lượng lớn xăng dầu giả bị “tuồn” ra thị trường trong một thời gian dài như “vụ” Trịnh Sướng chứng tỏ các cơ quan này chưa làm tròn trách nhiệm.

Xăng máy bay được kiểm soát chất lượng thế nào?

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (SKYPEC) cho biết: Đơn vị cung cấp nhiên liệu cho toàn bộ các hãng hàng không trong nước và trên 60 hãng hàng không nước ngoài đang khai thác tại Việt Nam, trong đó có nhiều khách hàng lớn như: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air, Korean Air, All Nippon Airways, Qatar.

Cũng theo vị này, nhiên liệu hàng không phản lực JetA-1 là sản phẩm dầu khoáng từ nhà máy lọc dầu. Theo quy trình, sau khi nhận hàng từ tàu biển và tồn trữ tại kho cảng đầu nguồn, xăng JetA-1 sẽ được cấp ra xe vận tải xitec, vận chuyển về kho sân bay. Từ đây, các xe xitec sẽ nhận xăng và tra nạp cho tàu bay tại sân bay.

“Tất cả các công đoạn nêu trên trong hoạt động vận hành của Skypec đều được kiểm soát nghiêm ngặt cả về số lượng và chất lượng theo các quy định của Nhà nước và các tổ chức quốc tế, các khách hàng là các hãng hàng không trong nước và quốc tế bằng các quy trình tiêu chuẩn”, vị này nói và cho biết: Hàng năm, Skypec chịu sự kiểm tra đánh giá chuyên ngành của khoảng 35 - 45 đoàn thuộc các cơ quan quản lý nhà nước, IATA (Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế), Cục Hàng không của các quốc gia có khai thác bay tới Việt Nam, các hãng hàng không là khách hàng của Skypec. Đặc biệt tiếp các đoàn kiểm tra của Chính phủ và Không lực Hoa Kỳ để được chấp thuận phục vụ cho các máy bay của các đời Tổng thống Mỹ đến Việt Nam.

Các kho bể nhận, lưu trữ và cấp phát JetA-1 đều được kiểm soát bằng niêm phong an ninh (NPAN) theo mẫu mã chuyên biệt và được đăng ký với Cục Hàng không VN. Công tác kiểm soát sử dụng NPAN được thực hiện theo quy trình tiêu chuẩn, sổ sách theo dõi từng số seri thống nhất trên toàn hệ thống.

Các xe vận tải xitec sau khi nhận hàng tại kho cảng đầu nguồn đều phải được NPAN tất cả hệ thống công nghệ, nắp xitec và được kiểm tra xác nhận nguyên vẹn khi nhập hàng tại kho sân bay. Sau khi trả hàng xong tại kho sân bay, các xe xitec đều được kiểm soát đảm bảo hút sạch JetA-1 và được NPAN toàn bộ hệ thống công nghệ tương tự như khi nhận hàng tại kho đầu nguồn trước khi rời kho. Đây là tác nghiệp mang tính đặc thù nhằm đảm bảo chất lượng cho JetA-1 chống có sự xâm nhập của nước mưa và vật ngoại lai đối với công nghệ và xitec.

Các xe vận tải xitec tham gia vận tải JetA-1 và các xe tra nạp máy bay đều được giám sát bằng hệ thống giám sát thông minh camera tích hợp GPS (3 camera/xe với 1 camera trong cabin quan sát đường đi phía trước xe và kiểm soát hành vi của lái xe, 2 camera hai bên sườn xe kiểm soát các họng xả của xitec và các nắp đầm bên trên xitec).

Hàng ngày, lượng hàng hóa JetA-1 xuất nhập tồn được quản lý theo hệ thống sổ sách, hóa đơn chứng từ quy chuẩn và được các đơn vị nhập vào hệ thống phần mềm quản lý hàng hóa chuyên biệt. Số lượng hàng hóa của từng công đoạn, từng kho đều được báo cáo số quản trị chốt vào 0h00 hàng ngày.

Ngân Anh

Theo baogiaothong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ