Lo cho nước mắm truyền thống

GD&TĐ - Dự thảo cuối cùng về Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12607: 2019 do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) biên soạn và chuẩn bị ban hành đang có những ý kiến trái chiều, vì một khi được ban hành các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống sẽ khó đáp ứng được những quy định rất khắt khe.

Các nhà sản xuất nước mắm truyền thống thêm một nỗi lo trước những quy định mới trong dự thảo TCVN 12607:2019 sắp được ban hành
Các nhà sản xuất nước mắm truyền thống thêm một nỗi lo trước những quy định mới trong dự thảo TCVN 12607:2019 sắp được ban hành

Doanh nghiệp bức xúc

Tại Hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Câu lạc bộ Nước mắm truyền thống thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao vừa tổ chức, các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống đã đồng lòng kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tạm dừng ban hành tiêu chuẩn này. Bởi những quy định trong dự thảo rất rườm rà, khắt khe, bất cập và nếu được ban hành chắc chắn sẽ “bóp chết” làng nghề nước mắm truyền thống.

Bà Hồ Kim Liên - Chủ tịch Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, trong bản dự thảo cuối cùng về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, các nhà quản lý đã không tiếp thu ý kiến của các nhà sản xuất nước mắm truyền thống, cũng như những chuyên gia trong ngành.

Các chuyên gia cho rằng, những năm trở lại đây, nước mắm công nghiệp đã chiếm thị phần lớn trên thị trường Việt Nam (chiếm khoảng 75%, tương tương khoảng 0,5 tỷ USD mỗi năm) và đang đẩy sản phẩm nước mắm truyền thống vào thế thua thiệt. Mặc dù nước mắm truyền thống đang dần tìm lại hướng đi, nhưng với những gì được nêu trong Dự thảo TCVN 12607:2019 khiến cho các nhà sản xuất nước mắm truyền thống cảm thấy thất vọng, vì nhiều ý kiến đóng góp của họ đã không được các nhà soạn thảo lắng nghe và đưa vào… 

“Trước kia, khi ban hành TCVN 5107:2018 thay thế 5107:2013, nhóm soạn thảo đã lấy ý kiến của các bên, nhưng tới khi ban hành thì TCVN 5107:2018 có nhiều nội dung quan trọng hoàn toàn bị thay đổi, không tiếp thu ý kiến của các nhà sản xuất nước mắm thực thụ. Chẳng hạn như Câu lạc bộ Nước mắm truyền thống đã xây dựng tiêu chuẩn cho nước mắm truyền thống, nhưng cũng không được tham gia khảo sát để đưa vào TCVN 5107:2018. Như vậy, xây dựng ra TCVN để phục vụ ai?” - bà Liên bức xúc.

Còn chuyên gia lâu năm về nước mắm, TS Trần Thị Dung thì chỉ ra vài chục nội dung quy định không phù hợp với thực tế trong sản xuất nước mắm truyền thống. Cụ thể, trong dự thảo yêu cầu kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trong khi nguyên liệu làm nước mắm là cá biển chứ không phải cá nước ngọt (cá nuôi). Theo quy định này, buộc các nhà sản xuất nước mắm phải tốn thêm khoản tiền để xét nghiệm các chỉ tiêu không có nguy cơ tồn dư trong nước mắm. Ngoài ra, dự thảo còn quy định nhà sản xuất nước mắm phải loại bỏ cá nguyên liệu đã bị phân hủy mạnh, trong khi nước mắm sử dụng cá không tươi là chuyện bình thường - trừ nước mắm Phú Quốc ướp muối ngay trên tàu…

Ai được hưởng lợi?

Theo bà Liên, nếu ban hành TCVN 12607:2019, Việt Nam sẽ đi theo “vết xe đổ” của Thái Lan, dựng lên “hàng rào kỹ thuật” để rồi “bóp chết” làng nghề nước mắm truyền thống - những người đã làm nên văn hóa ẩm thực của Việt Nam từ bao đời nay và cổ súy cho sự phát triển của nước mắm pha chế, nước mắm công nghiệp.

Bởi ngay từ khi dự thảo đưa ra lấy ý kiến (tháng 10/2018), các nhà sản xuất nước mắm truyền thống đã không khỏi lo lắng về TCVN 12607:2019 có thể sẽ chính thức áp dụng trong thời gian không xa. Nguyên nhân là trong bản dự thảo đã nảy sinh nhiều điều kiện hết sức khắt khe và bất cập. Chẳng hạn như về tiêu chuẩn histamine trong nước mắm…

Chuyên gia dinh dưỡng Vũ Thế Thành cho rằng, dự thảo TCVN 12607:2019 không thể đồng hóa cách sản xuất nước mắm công nghiệp vào việc sản xuất nước mắm truyền thống. “Tổng Cục đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) cần bỏ chỉ tiêu kim loại nặng trong sản xuất nước mắm vì hàm lượng này không đáng kể. Bởi một khi áp dụng chỉ tiêu này doanh nghiệp nước mắm truyền thống chắc chắn sẽ tốn thêm một khoản tiền không nhỏ để đi phân tích…” – ông Thành đề nghị.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, những quy định trong dự thảo TCVN 12607:2019 đưa ra quả thực rất bất lợi cho nước mắm truyền thống, mà chỉ có lợi cho các nhà sản xuất nước mắm công nghiệp. Chính vì vậy cần những người soạn thảo phải đi thực tế tại các cơ sở sản xuất nước mắm, khảo sát lại ngành nghề này ở các vùng, miền có tính đặc thù riêng. Đồng thời, cần tổ chức thêm những cuộc hội thảo khoa học, lấy ý kiến của các nhà chuyên môn làm nước mắm truyền thống, cũng như những nhà nghiên cứu về lĩnh vực này để đưa ra một Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm sao cho thật chuẩn mực và sát với thực tế nhất.

Còn ông Trương Đình Hòe – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nước mắm truyền thống đặt câu hỏi, bản Dự thảo Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm này là để giành cho ai, nhất là khi chúng ta đang đấu tranh rất nhiều trong việc bảo tồn nghề nước mắm truyền thống?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Loài khỉ Jigokudani ngâm mình trong nước nóng vào mùa Đông.

Động vật tránh rét như thế nào?

GD&TĐ - Đào hang, tắm suối nước nóng, 'sống chậm' là những cách giúp các loài động vật chống chọi với cái rét khắc nghiệt trong tự nhiên.

Công ty TNHH DIGI TEXX Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ với các Trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CTV

Trung tâm GDTX - GDNN: Vực dậy cách nào?

GD&TĐ - Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo… là những giải pháp căn cơ để các trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên tồn tại và phát triển bền vững.

Rashford công khai đòi rời Man Utd

Rashford công khai đòi rời Man Utd

GD&TĐ - Marcus Rashford tuyên bố "sẵn sàng cho thử thách mới" sau khi bị gạch tên khỏi trận Man Utd thắng Man City 2-1 ở vòng 16 Ngoại hạng Anh.