Lính xe tăng và câu chuyện ngày trở về

Có mặt trong đội hình xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 lịch sử, nhiều người lính sau khi rời quân ngũ trở về đời thường sống một cuộc sống giản dị, chăm chỉ lao động và chưa khi nào đòi hỏi cho mình bất cứ điều gì.

Lính xe tăng và câu chuyện ngày trở về
Hoàn thành nhiệm vụ cao cả của người lính
Ngày 22/4, những cựu lính xe tăng trong chiến dịch Hồ Chí Minh đã có cuộc hội ngộ tại nhà của cựu chiến binh Trần Bình Yên (nguyên là lái xe tăng 846, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2) ở thôn 5, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Cuộc hội ngộ có đầy đủ các cựu chiến sĩ của xe tăng 846: pháo thủ số 1 Nguyễn Ngọc Quý (hiện ở xã Tân Viên, huyện An lão, TP Hải Phòng), chỉ huy xe tăng Lê Quang Hòa (nhà ở La Khê, Hà Đông, Hà Nội), pháo thủ số hai Nguyễn Bá Tứ (Hà Nội). Xe tăng 846 là chiếc xe tăng trong bức ảnh nổi tiếng của tác giả Trần Mai Hưởng “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975”.
Cuộc hội ngộ còn có cựu lái xe tăng 844 Đặng Xuân Trường, lái xe tăng 915 Lương Văn Đồng; cựu phóng viên chiến trường Trần Mai Hưởng, Chu Chí Thành, cùng cán bộ Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Hội cựu chiến binh của thị trấn... và nhiều bà con lối xóm.
Lính xe tăng và câu chuyện ngày trở về ảnh 1

Những người đồng đội cũ vẫn “sát cánh” bên nhau trong đời thường.

Buổi sáng, trời trở gió mùa, mưa càng về trưa càng to. Hai dãy bàn kê ở ngoài sân được căng bạt bên trên hứng từng cơn gió mạnh, mưa hắt cả vào trong. Nhưng gió mưa không làm cho câu chuyện của những người lính bị ngắt quãng, ngược lại càng lúc càng sôi nổi, hào hứng. Ký ức về trận đánh cuối cùng tràn về, từ những ngày giằng co với địch ở căn cứ Nước Trong (từ 26 - 29/4/1975) - trường sĩ quan thiết giáp lớn nhất Miền Nam, cho đến lúc có mặt tại Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975.
Chỉ huy Nguyễn Ngọc Hòa kể xe 846 đã nổ phát súng đầu tiên chiến đấu ở căn cứ Nước Trong ra sao, Đại đội 5 có 8 xe tăng thì 5 xe tăng bị địch bắn cháy, sau đó phải sáp nhập với đại đội 4 của đồng chí Bùi Quang Thận thế nào. Pháo thủ số 1 Nguyễn Ngọc Quý kể lại niềm hạnh phúc khi sáng 29/4, khi được lệnh nổ súng vượt qua rừng cao su, phát súng đầu tiên ông đã bắn cháy một chiếc M48.
Tiếp sau ông lại bắn cháy một M41 và 2 GMC trong đó có 50 tên lính ngụy và nhiều mục tiêu khác. Trong buổi lễ mừng công sau này, ông Quý là chiến sĩ duy nhất (4 người nữa được vinh danh đều là cán bộ) vinh dự được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất. Cựu chiến binh Lương Văn Đồng kể xe tăng 915 do ông lái bị địch bắn cháy, đồng đội hy sinh, ông thoát chết trong gang tấc và phải chuyển ra tuyến sau để điều trị vết thương, không có mặt trong ngày giải phóng miền Nam chỉ còn tính bằng giờ đồng hồ...
Mỗi người lính khi đó tuổi còn rất trẻ, hầu hết mới ngoài hai mươi, trong đội hình tăng của Lữ đoàn tăng thiết giáp 203 anh hùng của Quân đoàn 2, đơn vị đánh mũi thọc sâu vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đã cùng nhau chiến đấu trong trận đánh lớn cuối cùng và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Họ đã có mặt tại thời khắc lịch sử trọng đại trưa ngày 30/4/1975, là nhân chứng lịch sử và cũng là những người góp phần vào chiến thắng chung của toàn dân tộc.
Cuộc sống đời thường giản dị
Điều đáng trân trọng là, sau khi giải phóng miền Nam, những người lính tăng năm xưa, có người tiếp tục công tác trong quân ngũ, người trở về cuộc sống đời thường, sống một cuộc sống giản dị, làm những công việc rất đỗi bình thường. Có người, đến bây giờ cuộc sống vẫn còn khó khăn, người thì bệnh tật. Nhưng tất cả đều vui sống, lao động hết mình, chưa khi nào chất lính trong họ phai nhạt.
Ông Nguyễn Ngọc Quý năm nay 64 tuổi, do sức khỏe yếu nên đã xuất ngũ năm 1980 và được giải quyết chế độ một lần. Trở về cuộc sống đời thường, kinh tế gia đình rất khó khăn. Hai vợ chồng đều không có lương, thu nhập trông cả vào cấy lúa, chăn nuôi lợn gà, có lúc để có tiền cho con ăn học (vợ chồng ông có 4 người con), cũng phải đi vay mượn.
Nhưng cùng với vợ mình, người lính năm xưa chăm chỉ lao động, tích cực tham gia công tác đoàn thể. Nói chuyện cùng ông, chúng tôi luôn thấy ông cười vui, lạc quan.
“Mình đã hoàn thành xong nghĩa vụ với Tổ quốc, xuất ngũ trở về cũng khó khăn nhưng là khó khăn chung của đất nước, nhiều người còn khó khăn hơn. Được gặp lại đồng đội là vui rồi, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng hễ cứ gặp nhau là ôm nhau thật chặt”, ông Quý cười hiền nói.
Ông Nguyễn Quang Hòa xuất ngũ năm 1983, sau 14 năm trong quân ngũ, khi trở về cũng rất trăn trở sẽ làm gì để kiếm tiền nuôi gia đình. Cả nhà trông vào vài ba sào ruộng, bốn đứa con còn nhỏ, vợ lại đau ốm luôn.
Vốn là lính nên ông chẳng nề hà việc gì, làm đủ mọi nghề, từ chạy máy kem, máy đá đến chẻ que kem, rồi mua các loại trứng gia cầm về bán. Hàng ngày, 5 giờ sáng ông đã ra khỏi nhà, đi thu mua trứng gia cầm ở huyện Chương Mỹ cách nhà khoảng 30 km để kịp buổi chợ sáng cho người ta lấy buôn và vợ bán lẻ tại nhà.
Bây giờ, ông Hòa đã ở tuổi xưa nay hiếm. Mười năm nay ông lại mắc bệnh tiểu đường nên sức khỏe kém. Năm ngoái ông phải phẫu thuật tim, trước đó ông bị tai biến, nay sức khỏe đã ổn định hơn nhưng khi ông nói vẫn còn có một số từ không tròn tiếng, nhiều lúc bị hụt hơi. Hai lần bị thương (lần một tại mặt trận B5 năm 1972 và lần 2 tại chiến dịch Hồ Chí Minh 1975) nhưng hiện ông chưa được hưởng chế độ thương tật vì giấy tờ đã bị cháy khi để trong xe thiết giáp trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
Việc xác nhận giấy tờ cũng khó khăn và phần vì ông “e ngại”, nên thôi. “Với tôi, phần thưởng cao quý nhất khi rời quân ngũ là mình còn nguyên vẹn trở về, đồng đội hy sinh nhiều, họ thiệt thòi hơn mình rất nhiều”, ông Hòa nói.
Cựu pháo thủ số hai Nguyễn Bá Tứ hiện cuộc sống cũng còn nhiều khó khăn. Cách đây hơn 5 năm, ông đã phẫu thuật cắt bỏ thanh quản do căn bệnh ung thư thanh quản. Bây giờ khi giao tiếp với ai, ông đều “nói chuyện” bằng cách ghi ra giấy. Hiện nay, hàng ngày ông phụ vợ bán xôi sáng. Tuy vậy, chưa khi nào người lính này tỏ ra bi quan hay nản chí, ông viết ra giấy: Mình đã khỏe nhiều rồi, có thể phụ vợ kiếm tiền được!
Còn lái xe Trần Bình Yên, sau 8 năm trong quân ngũ, năm 1980 ra quân hưởng chế độ phục viên. Thời gian mới ra quân, gia đình cũng rất khó khăn, một năm 3 tháng giáp hạt phải đào củ từ quanh nhà để ăn. Nhưng nhớ bài học chính trị ngày còn đi bộ đội “kỹ thuật là then chốt”, vì vậy ông luôn suy nghĩ xem trồng cây gì, nuôi còn gì, vận dụng khoa học kỹ thuật ra sao.
Nhận thấy, vùng đất Ba Sao có chất đá gio, chất vôi thích hợp với cây na vì đất không chua, cây trồng không bị bó rễ, từ đó ông vỡ đất hoang quanh nhà dưới chân núi để trồng na. Nhanh nhẹn, sốc vác, cần cù chịu khó, rồi được Hội cựu chiến binh, anh em đồng đội trợ giúp vốn, sau hơn mười năm, giờ đây gia đình ông đã có khoảng 1.000 gốc na, mỗi năm doanh thu khoảng 70 - 80 triệu đồng, sau khi trừ chi phí được khoảng 35 - 40 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn trồng cỏ, nuôi bò để có thêm thu nhập.
“Tôi tình nguyện vào bộ đội và đã hoàn thành nhiệm vụ của người lính. Khi ra quân, tôi may mắn hơn nhiều anh em là đến bây giờ sức khỏe vẫn tốt. Trong cuộc sống, luôn phấn đấu lao động hết mình, sống là phải vui. Tôi còn tham gia phong trào thể thao và rất thích làm thơ về mùa xuân vì đây là mùa cây trái đâm trồi nảy lộc, ra hoa kết trái, trước mùa xuân con người cũng thư thái”, ông Yên vui vẻ nói.
Theo baotintuc.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ