Lĩnh vực GD-ĐT vào Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5

GD&TĐ - Với 471/471 đại biểu tán thành đạt tỷ lệ 96,71%, sáng nay (15/6), Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Các đại biểu bấm nút biểu quyết
Các đại biểu bấm nút biểu quyết

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội đó là về lĩnh vực GD-ĐT.

Đối với lĩnh vực này, dự thảo Nghị quyết nêu rõ: Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, nhất là chính sách đối với các đối tượng ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Kịp thời sửa đổi, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết các luật về giáo dục và giáo dục đại học.

Hoàn thành đề án cụ thể về quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên. Phát triển chương trình đào tạo đại học theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục; kiên quyết giải thể các cơ sở đào tạo đại học chất lượng yếu, kém.

Có chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học; thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo chất lượng cao; thúc đẩy phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo ngang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao.

Khẩn trương ban hành quy định cụ thể về tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, đổi mới cơ chế học phí. Tiếp tục hoàn thiện và ổn định kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, khắc phục tình trạng chạy theo thành tích trong giáo dục, giảm áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội; có chính sách hữu hiệu thu hút học sinh giỏi vào học ngành sư phạm. Rà soát, hoàn thiện quy trình, thủ tục và công khai việc công nhận văn bằng, học vị, chức danh giảng viên đại học.

Kết quả biểu quyết
 Kết quả biểu quyết

Tích cực chuẩn bị và triển khai thực hiện chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết của Quốc hội. Rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục phổ thông gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng cơ sở vật chất, số lượng, cơ cấu, chất lượng giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho việc hình thành các trường tư thục chất lượng cao. Triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Triển khai có hiệu quả các đề án về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 – 2025.

Đẩy mạnh việc hướng dẫn nội dung chăm sóc, giáo dục trẻ em tại gia đình và các nhóm trẻ độc lập, tư thục; làm tốt công tác dự báo, quy hoạch, phát triển trường mầm non, nhất là ở các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, khu vực đông dân cư; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non; quản lý chặt chẽ việc cấp phép, tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động và hoạt động đối với giáo dục mầm non.

Rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên theo bậc học, cấp học; tăng cường quản lý, sắp xếp, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý theo tiêu chuẩn nghề nghiệp; rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng giáo viên; nâng cao tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; phát huy dân chủ, thực hiện nền nếp, kỷ cương trường học, làm tốt công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, rèn luyện thể chất cho học sinh; tăng cường an ninh, an toàn trong trường học; trong năm 2018, ban hành đề án về văn hoá ứng xử trong trường học.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giáo dục và đào tạo. Trong đó, chú trọng chấn chỉnh hoạt động liên kết đào tạo, tình trạng vi phạm pháp luật về văn bằng, chứng chỉ, việc xác nhận đủ điều kiện để thi tốt nghiệp phổ thông và đại học, việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung mới, việc công nhận cơ sở đào tạo đạt chuẩn quốc gia; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đạo đức của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh học sinh và học sinh, sinh viên; tạo chuyển biến rõ nét về những nội dung nêu trên.

>>> Xem chi tiết dự thảo tại đây

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ