Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành Giáo dục đã có nhiều sáng tạo, linh hoạt trong phương pháp, cách dạy mới, nhất là trong dạy học trực tuyến; góp phần hoàn thành kế hoạch học và tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành Giáo dục bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm học và an toàn sức khoẻ của học sinh, giáo viên.
Nhiều nội dung chương trình sách giáo khoa được tinh giản nhưng không “buông lỏng” chất lượng; thời gian học trên lớp giảm bớt, các cháu có thời gian học tự học bảo đảm chất lượng... Tuy nhiên, cần linh hoạt trong đánh giá.
Với nội dung cử tri đề cập, Bộ GD&ĐT cho biết: Trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn học trong học kỳ II năm học 2019 - 2020 và Công văn hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT từ năm học 2020 - 2021; góp phần tinh gọn nội dung, giảm tải cho chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương, nhà trường thực hiện tinh giản nội dung học tập thời gian còn lại của năm học 2019 - 2020; tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình.
Để thuận lợi hơn cho các cơ sở giáo dục trong việc tổ chức dạy học trực tuyến, Bộ đã ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT, ngày 30/3/2021 quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực truyến trong các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó quy định dạy học trực tuyến thay thế và hỗ trợ dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục phổ thông.
Việc kiểm tra thường xuyên có thể sử dụng kết quả kiểm tra trực tuyến. Trong trường hợp học sinh không thể đến trường vì lý do bất khả kháng, thủ trưởng cơ sở giáo dục có thể quyết định hình thức kiểm tra bảo đảm công bằng, khách quan, trung thực.
Để khắc phục triệt để nguyên nhân gây quá tải, cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên cần phối hợp chặt chẽ để quản lý việc dạy thêm học thêm; các bậc cha mẹ học sinh cũng cần hỗ trợ để giúp học sinh xây dựng kế hoạch học tập, vui chơi, nghỉ ngơi hợp lý, tránh tạo thêm áp lực cho học sinh ngoài giờ học ở trường.
Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện các văn bản và tổ chức triển khai hoạt động bảo đảm chất lượng, hiệu quả trong thời gian tới.