Linh hoạt giải pháp chuẩn bị năm học mới

GD&TĐ - Sau khi Bộ GD&ĐT công bố khung kế hoạch thời gian năm học 2022 - 2023, các địa phương chủ động công tác chuẩn bị phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn.

Thầy cô giáo tỉnh An Giang trang trí trường lớp chuẩn bị năm học 2022 - 2023. Ảnh: Trọng Nhân.
Thầy cô giáo tỉnh An Giang trang trí trường lớp chuẩn bị năm học 2022 - 2023. Ảnh: Trọng Nhân.

Bắt tay vào chuẩn bị năm học mới

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên năm học 2021 - 2022 kéo dài đến đầu tháng 7/2022 mới kết thúc. Điều này cũng đồng nghĩa với thời gian chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023 ít hơn so với mọi năm. Do đó, các trường tùy điều kiện thực tế của đơn vị để khắc phục khó khăn, chuẩn bị thật tốt về cơ sở vật chất, nhân sự...

Theo đại diện Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, thành phố đang tập trung huy động trẻ mầm non ra lớp và tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6. Theo đó, Phòng GD&ĐT quận, huyện chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo trực thuộc căn cứ tình hình thực tế về đội ngũ, cơ sở vật chất để huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp. Đặc biệt, ưu tiên huy động 100% trẻ 5 tuổi trên địa bàn. Đối với các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện, tăng cường tổ chức dạy 2 buổi/ngày và bán trú theo chương trình giáo dục mầm non.

Đối với tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6 có phương thức xét tuyển theo địa bàn. Các trường tiểu học đảm bảo các điều kiện ưu tiên cho học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 3 được học 2 buổi/ngày. Các trường THCS đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và tỷ lệ giáo viên theo quy định. Đối với những vùng giáp ranh giữa các địa phương, việc tuyển sinh được thực hiện linh hoạt, hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, học tập của học sinh.

Theo ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, Sở đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, nỗ lực xoá điểm lẻ để dồn lực đầu tư thiết bị dạy học, cơ sở vật chất đảm bảo dạy học Chương trình GDPT mới hiệu quả. Đặc biệt quan tâm rà soát số lượng, chất lượng giáo viên để đào tạo, bồi dưỡng cũng như đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy theo lộ trình, nhất là môn Tiếng Anh, Tin học.

Tại Cà Mau, sở GD&ĐT đã tham mưu, xây dựng kế hoạch mua sắm thiết bị, xây dựng và sửa chữa phòng học theo lộ trình với tổng kinh phí 2.223,9 tỷ đồng (trong năm 2020 là 530,6 tỷ đồng; năm 2021 là 893,4 tỷ đồng; năm 2022 là 799,9 tỷ đồng). Đến nay phòng học chuẩn bị cho dạy học lớp 1, lớp 2 khá đầy đủ. Tuy nhiên, trong năm học 2020 - 2021, còn một số cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được 100% cho học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày.

Về giải pháp, tỉnh tập trung nguồn lực mua sắm thiết bị dạy học, đầu tư phòng học theo lộ trình nhằm đảm bảo học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học. Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh tuyển giáo viên còn thiếu, đặc biệt là giáo viên dạy môn Tiếng Anh và Tin học...

Cán bộ quản lý, giáo viên tỉnh Tiền Giang tham gia tập huấn SGK Chương trình GDPT mới.

Cán bộ quản lý, giáo viên tỉnh Tiền Giang tham gia tập huấn SGK Chương trình GDPT mới.

Linh động thích ứng những thay đổi của ngành

Năm học 2022 - 2023, trước những thay đổi trong giảng dạy môn Lịch sử nên các trường THPT có sự điều chỉnh lại các tổ hợp môn học đã xây dựng trước đó. Ngành GD Tiền Giang có 103 giáo viên môn Lịch sử trong tổng số 2.080 giáo viên bậc THPT. Ngành đang nỗ lực xây dựng kế hoạch điều chỉnh chương trình môn Lịch sử dựa trên hướng dẫn từ Bộ GD&ĐT để sớm có hướng dẫn cụ thể đến các trường.

Theo đề xuất của nhiều GV, tổ hợp đã xây dựng có môn Lịch sử có thể giữ nguyên, với thời lượng 52 tiết học bắt buộc. Còn tổ hợp môn học lựa chọn mà các trường đã xây dựng trước đó không có môn Lịch sử chỉ cần bỏ bớt 1 môn bất kỳ trong số 5 môn học, phù hợp với điều kiện đáp ứng của mỗi trường.

Cô Cao Châu Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Đoàn Trần Nghiệp (huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) cho hay: Điều chỉnh Lịch sử trở thành môn học bắt buộc không gây ảnh hưởng hay xáo trộn cho năm học tới đây. Bởi nhà trường đã chủ động chuẩn bị các phương án cho năm học 2022 - 2023 ngay sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Thời gian tới cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán môn Lịch sử sẽ được bồi dưỡng để kịp thời nắm bắt, áp dụng chương trình mới một cách phù hợp, sáng tạo.

Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ) hiện đủ điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để thực hiện giảng dạy Chương trình GDPT mới. Chia sẻ về công tác chuẩn bị đội ngũ cho năm học mới, theo Phó Hiệu trưởng Lê Di Thanh, trường lập danh sách giáo viên dự kiến dạy các môn học lớp 10 năm học 2022 - 2023, chọn và cử tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng theo quyết định triệu tập của sở GD&ĐT.

Tuy nhiên trường thiếu giáo viên bộ môn Mỹ thuật, Ngoại ngữ 2 ngoài tiếng Pháp khi thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đối với các môn học còn thiếu giáo viên, trường sẽ tìm nguồn, liên hệ ký kết hợp đồng mời giảng để đảm bảo kế hoạch dạy học của nhà trường, đồng thời thực hiện thông báo tuyển dụng thêm.

Trao đổi công tác chuẩn bị cho năm học mới, thầy Phạm Đức Quyền, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) cho biết: Một số phòng bộ môn và đa chức năng của trường đã xuống cấp vì xây dựng từ lâu. Đặc biệt là chưa có phòng chức năng phục vụ cho bộ môn Âm Nhạc, Mỹ Thuật. Trường đã tổ chức rà soát, thống kê tình trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có và đề xuất đầu tư thêm trang thiết bị để phục vụ cho Chương trình GDPT 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ