Linh động gỡ khó triển khai Chương trình giáo dục mới nơi đất mũi

GD&TĐ - Bằng quyết tâm và sự linh động, các địa phương triển khai có hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Đến nay, công tác chuẩn bị triển khai Chương trình mới lớp 3, lớp 7 và lớp 10 được khẩn trương thực hiện.

HS Tiểu học huyện Năm Căn, Cà Mau trong giờ học.
HS Tiểu học huyện Năm Căn, Cà Mau trong giờ học.

Điểm sáng từ Đất mũi

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, tỉnh đã triển khai Chương trình GDPT mới và thu được kết quả đáng trân trọng. Sở đã chủ động tham mưu và ban hành các văn bản chỉ đạo; chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; tổ chức tập huấn và bồi dưỡng giáo viên; tổ chức nghiên cứu và giới thiệu SGK; lựa chọn SGK và thực hiện dạy học.

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có 232 trường tiểu học công lập, ngoài công lập và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập. Đối với khối lớp 1 và khối lớp 2, có hơn 43 nghìn học sinh, với tổng số hơn 1.500 lớp.

Theo Sở GD&ĐT Cà Mau, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành phấn đấu để Chương trình GDPT 2018 đạt hiệu quả.

Về chất lượng, ở khối lớp 1, tỉnh hoàn thành chương trình lớp học đạt tỷ lệ hơn 95%; học sinh bỏ học chiếm tỷ lệ 0,31%. Đối với lớp 2, hoàn thành các môn học học kỳ I là 85%.

Chuẩn bị cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, Sở GD&ĐT đã tham mưu, xây dựng kế hoạch mua sắm thiết bị, xây dựng và sửa chữa phòng học theo lộ trình với tổng kinh phí 2.223,9 tỷ đồng (trong năm 2020 là 530,6 tỷ đồng; năm 2021 là 893,4 tỷ đồng; năm 2022 là 799,9 tỷ đồng). Phòng học chuẩn bị cho dạy học lớp 1, lớp 2 khá đầy đủ.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau Lê Hoàng Dự, tỉnh đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành trong việc thực hiện Chương trình mới. Đồng thời, lãnh đạo ngành tìm nhiều giải pháp và có định hướng lâu dài để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thiếu phòng học cùng những vấn đề có liên quan để Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.

Ngành GD&ĐT Cà Mau đang trình phê duyệt Dự án mua sắm thiết bị phục vụ dạy và học năm 2022, thuộc Đề án mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT giai đoạn 2021 - 2025, với kinh phí thực hiện 246 tỷ đồng.

Tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức bán trú đối với các lớp học 2 buổi/ngày, tạo điều kiện cho các em học tập tốt và thuận tiện cho phụ huynh trong việc đưa đón. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Viettel Cà Mau tập huấn Chương trình GDPT 2018 cho cán bộ quản lý và giáo viên các mô đun theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Sinh hoạt Tổ chuyên môn ở một trường tiểu học tỉnh An Giang.
Sinh hoạt Tổ chuyên môn ở một trường tiểu học tỉnh An Giang.

Từng bước gỡ khó

Theo Sở GD&ĐT Cà Mau, trong năm học, còn một số cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được 100% cho học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày, như các trường: Tiểu học Tân Xuân, Tiểu học thị trấn A, Tiểu học Tân Lợi (huyện Thới Bình); Tiểu học 1 Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời); Tiểu học Đỗ Thừa Luông (huyện U Minh). Việc chỉ học 1 buổi/ngày chương trình sẽ rất nặng (5 tiết/buổi), chưa tính các buổi ngoại khóa...

Tỉnh Cà Mau xác định 4 yếu tố quyết định thành công thực hiện chương trình GDPT 2018 là đội ngũ giáo viên, thiết bị dạy học, cơ sở vật chất và nâng cao năng lực chuyên môn.

Hiện giáo viên vẫn thiếu, phần lớn thiết bị dạy học lớp 1 (chương trình hiện hành) không đáp ứng được với Chương trình GDPT 2018, hoặc qua nhiều năm sử dụng đến nay bị hư hỏng nặng. Kinh phí cấp cho các cơ sở giáo dục tiểu học hằng năm có hạn chế nên việc mua sắm bổ sung gặp nhiều khó khăn.

Về giải pháp, theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau Lê Hoàng Dự, tỉnh đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, nỗ lực xoá điểm lẻ để dồn lực đầu tư thiết bị dạy học, cơ sở vật chất đảm bảo dạy học Chương trình GDPT mới. Đặc biệt quan tâm rà soát số lượng, chất lượng giáo viên để đào tạo, bồi dưỡng nâng chất, đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy theo lộ trình, nhất là đối với giáo viên Tiếng Anh, Tin học…

Tỉnh An Giang cũng xác định một số khó khăn trong triển khai Chương trình mới như: Công tác tuyển dụng giáo viên Ngoại ngữ, Tin học cấp tiểu học chưa đáp ứng nhu cầu cho Chương trình mới. Cấp THCS gặp khó khăn trong công tác đào tạo giáo viên dạy chung các môn Khoa học tự nhiên (Lý+Hóa+Sinh), Lịch sử và Địa lý khi thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Môn tự chọn tiếng Dân tộc (Khmer) chưa có sách biên soạn theo Chương trình GDPT 2018, đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn để tham gia công tác giảng dạy môn học này. Cấp THPT nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật, trong đó có hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật, các trường THPT còn thiếu giáo viên ...

Giải pháp được ngành Giáo dục An Giang đưa ra là rà soát sắp xếp mạng lưới trường lớp và hoàn thiện quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên. Rà soát lại đề án vị trí việc làm và số lượng người làm việc của các đơn vị trực thuộc.

Tập trung tổ chức bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt là bồi dưỡng giáo viên Tin học dạy môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học; bồi dưỡng giáo viên THCS dạy môn Khoa học tự nhiên và bồi dưỡng giáo viên THCS dạy môn Lịch sử và Địa lý...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.