Liệu Nga có bỏ rơi Bashar Assad để đổi lấy dỡ bỏ cấm vận?

GD&TĐ - Tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước G-7 tổ chức tại Lucca (Ý), người đứng đầu Bộ Ngoại giao Anh Boris Johnson tuyên bố từ chối chuyến công du Moskva đã được lên kế hoạch trước đó. 

Liệu Nga có bỏ rơi Bashar Assad  để đổi lấy dỡ bỏ cấm vận?

Ông Johnson kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga. Trong khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đưa ra lời đề nghị béo bở với Moskva kèm theo điều kiện: Moskva phải chấm dứt ủng hộ Bashar Assad.

Lời đề nghị… khiếm nhã

Vào đêm trước Hội nghị Ngoại trưởng nhóm các nước G-7, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết, nhóm G-7 có ý định thảo luận về gói các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga, nếu Moskva không từ bỏ ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuyên bố tương tự như vậy được Thủ tướng Anh Theresa May đưa ra khi cáo buộc Chính phủ Bashar Assad đã sử dụng vũ khí hóa học tấn công phe đối lập ở Syria. Boris Johnson cho rằng, các biện pháp trừng phạt nên được áp dụng đối với những nhân vật quân sự Syria cũng như các quan chức quân sự Nga vì họ có trách nhiệm hỗ trợ các lực lượng Syria.

Tuy nhiên, phương Tây sẵn sàng đề nghị với Nga một phương án thay thế để tránh việc mở rộng các biện pháp trừng phạt. Theo tờ Telegraph, giới ngoại giao phương Tây sẽ đề nghị Nga từ chối hỗ trợ Bashar al-Assad, đổi lại, họ sẽ đưa Moskva trở lại tư cách thành viên chính thức của khối các cường quốc công nghiệp - G-7. Nếu Moskva không đồng ý với những điều khoản này, các biện pháp trừng phạt mới sẽ được áp dụng.

Như vậy, theo Telegraph, Moskva cũng được G-7 sử dụng phương pháp “cây gậy và củ cà rốt”.

Theo các nguồn tin, người đề xuất phương án trao đổi này là Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, người có chuyến công du Moskva vào ngày thứ Tư (12/4), ngay sau khi Hội nghị Ngoại trưởng các nước G-7 kết thúc.

Cũng trong ngày thứ Hai, Bộ Ngoại giao Ý thông báo rằng Bộ trưởng Ngoại giao Angelino Alfano đã hội đàm qua điện thoại với người đồng cấp Iran, theo đó, Mohammad Javad Zarif nhắc lại rằng Tehran đã lên án là “không thể chấp nhận việc sử dụng vũ khí hóa học”.

Cũng trong thời gian này, Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm đề cập đến chủ đề Nga. “Thủ tướng Chính phủ và Tổng thống nhất trí rằng, hiện tại, cơ hội duy nhất để thuyết phục Nga rằng liên minh với Assad không còn đáp ứng lợi ích chiến lược của họ” - Trang web của chính phủ Anh đưa tin.

Ngoài ra, Ngoại trưởng các nước G-7 đã thảo luận về chuyến thăm Moskva của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. “Họ nhất trí rằng chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Tillerson tại Moskva trong tuần này sẽ đem lại những tiến triển trên con đường hướng tới một giải pháp chính trị lâu dài” - Tuyên bố nêu rõ.

Moskva nghĩ gì về lời đề nghị của Rex Tellerson?

Theo kế hoạch, chuyến công du 2 ngày đến nước Nga của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bắt đầu vào ngày thứ Ba (11/4), và vào ngày thứ Tư (12/4), Rex Tillerson có cuộc gặp với Tổng thống Nga V.Putin. Tuy nhiên, vào ngày thứ Hai, người phát ngôn điện Kremkin D.Peskov thông báo với báo giới rằng trong lịch trình của V.Putin không có cuộc gặp gỡ với Rex Tillerson. Như vậy có thể hiểu rằng Tổng thống Nga đã hủy cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ tại Moskva.

Còn nhớ trước thềm chuyến thăm Moskva, trả lời phỏng vấn tờ Politico, Rex Tillerson lớn tiếng tuyên bố: “Dĩ nhiên, có thể khiêu vũ với Nga và từ đó có thể nhận được một cái gì đó. Nhưng tin chắc rằng sẽ không nhảy với Lavrov, bởi vì ông không được phép”.

Theo truyền thông Nga, Moskva như đã gửi một thông điệp cho Rex, đại để: Không có vấn đề gì với riêng Ngài, Rex Tillerson! Moskva đợi Ngài nhưng không phải vào lúc này!

Theo Dmitry Suslov, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu và quốc tế, Trường Đại học Kinh tế thì Nga sẽ không từ bỏ hỗ trợ cho đồng minh Bashar Assad của mình để đổi lấy việc trở lại tư cách thành viên của “G-8”.

“Trong thực tế, không phải Mỹ hay các nước phương Tây khác thực sự cân nhắc việc trở lại G-7 của Nga. Và điều này không chỉ liên quan đến tình hình ở Trung Đông mà còn do cuộc xung đột Ukraine…” - D.Suslov nhận định. Cũng theo lời ông Suslov thì điều quan trọng nhất là bản thân Nga cảm thấy không có nhu cầu quay trở lại G-7.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ