(GD&TĐ) - Có những người lính đã đi qua các cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, về với đời thường, họ lại canh cánh một nỗi niềm là làm sao có thể giúp gia đình đồng đội kiếm tìm người thân, những người vẫn còn đang yên nghỉ trong những cánh rừng hoặc nằm đâu đó dưới chân những con đèo, dốc… ngoài mặt trận. Với sự tâm huyết, nhiệt tình của những người lính từng đồng cam cộng khổ, đã có nhiều liệt sĩ “trở về” với gia đình, quê hương trong vòng tay đồng đội…
Tìm đồng đội trên đất bạn Lào
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy |
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2 - năm nay đã bước sang tuổi 83. Trong ký ức của vị tướng trận mạc, có một kỷ niệm làm ông nhớ mãi, đó là chuyến đi tìm hài cốt đồng đội cùng Trung đoàn 9 (Sư đoàn 304), người đã yên nghỉ trên đất bạn Lào cách đó hơn 3 thập kỷ.
Tướng Huy nhớ lại: Năm 1967, Sư đoàn 304 nhận nhiệm vụ chiến đấu trên chiến trường Khe Sanh. Khi đó, ông đang là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 9. Để chuẩn bị trận đánh làng Vây, Trung đoàn 9 nhận nhiệm vụ tổ chức trinh sát ở bờ sông Sê-pôn trên đất Lào. Ông Huy đã có mặt trong chuyến đi trinh sát cùng cán bộ Trung đoàn và một đơn vị đặc công của Mặt trận. Do việc hiệp đồng không chặt chẽ nên tốp đi trước của ta bất ngờ bị thám báo địch lùng sục, tấn công làm Tham mưu trưởng Trung đoàn Hoàng Danh Ngọc và đồng chí Tiểu đoàn phó đặc công hy sinh. Hai người đã được đồng đội đưa về hậu cứ trên đất Lào để chôn cất. Mãi tới năm 2000, qua chắp nối thông tin từ các đồng đội cùng đơn vị, gia đình liệt sĩ Ngọc mới tìm gặp được Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - người trực tiếp chôn cất liệt sĩ Hoàng Danh Ngọc - để tìm hiểu thông tin và đặt vấn đề nhờ ông tìm giúp. Sau hơn 30 năm, người lính già đầu bạc Nguyễn Đức Huy đã tổ chức một chuyến đi trở lại chính nơi người đồng đội của mình đã hy sinh để kiếm tìm di cốt.
Chuyến đi năm ấy, tướng Huy đã liên hệ với Bộ Chỉ huy quân sự Quảng Trị, huyện đội Hướng Hóa và các đồn biên phòng của nước bạn Lào giúp đỡ, họ đã cử hẳn một sĩ quan biên phòng đi cùng. Về phía ta, Ban chỉ huy Đồn biên phòng 613-Quảng Trị đã cử 10 chiến sĩ đi cùng với các dụng cụ cuốc, xẻng… phục vụ cho việc tìm kiếm, quy tập hài cốt. Sang tới nơi mới biết địa hình trước kia nay đã bị cây cối, lau sậy mọc um tùm. Tướng Huy tâm sự: “Tôi là người trực tiếp mai táng liệt sĩ Ngọc vậy mà cũng hết sức ngỡ ngàng trước sự thay đổi của địa hình nơi đây, con đường mòn đã không nhìn rõ, cây cối thì rậm rạp, những cụm tre mọc lúp xúp khắp nơi”. Bởi vậy cả ngày hôm ấy, các chiến sĩ biên phòng đã tích cực khai quật, tìm kiếm. Trời đã về chiều, khi mọi người đã thấm mệt và đang băn khoăn thì một cụ già người Vân Kiều từ trong làng đi ra, bảo “Đào dịch sang bên phải khoảng 1 mét”. Từ đó, những nhát cuốc của các chiến sĩ biên phòng lại dồn sang một phía. Trời chập choạng tối, bỗng một chiến sĩ biên phòng nói như reo: “Đây rồi, tìm thấy hài cốt rồi”. Một đôi giày đen lộ ra, từ đây, những lưỡi cuốc, lưỡi xẻng trở nên thận trọng hơn. Cẩn thận moi từng nhúm đất, xương cốt liệt sĩ từ từ hiện ra kèm theo những di vật gồm: đôi giày, chiếc dù pháo sáng, chiếc tăng võng, chiếc bút máy… Cũng ngay tại khu vực chôn cất liệt sĩ Ngọc, đoàn đã tổ chức khai quật ngôi mộ một đồng đội khác là người Tiểu đoàn phó một đơn vị đặc công. Ngay trong đêm, hài cốt liệt sĩ Ngọc cùng người đồng đội đơn vị đặc công đã được đưa về quàn tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hướng Hóa để hôm sau tổ chức lễ truy điệu và đưa hài cốt liệt sĩ về Hà Nội.
Vị tướng trận mạc xúc động kể rằng, ông không sao quên được hình ảnh Chủ tịch Hội CCB Võ Huy Hồng tuy tuổi cao nhưng đã nhiệt tình đi cùng đoàn từ đầu tới cuối. Bác Hồng đã làm dân vận bằng tiếng Vân Kiều, tiếng Lào rất thông thạo, vì thế một số cụ từng là du kích địa phương ở thời điểm năm 1967 đã nhiệt tình giúp đoàn xác định mộ liệt sĩ. Ngoài ra, trong những ngày trú ở bản Cheng, một bản người Lào giáp với nước ta, cả 16 hộ dân trong bản đã thay nhau canh gác và mỗi ngày hai bữa họ đem những giỏ cơm nắm đến cho các thành viên trong đoàn ăn. Biết nhân dân trong bản còn nghèo mà vẫn bớt phần gạo của họ để san sẻ cho mọi người trong đoàn, ai nấy đều hết sức cảm động, nhiều người đã không cầm được nước mắt…
Có một điều vẫn làm tướng Huy day dứt, đó là kể từ ngày vào rừng tìm mộ đồng đội cho tới nay, ông không biết một chút thông tin dù ít ỏi về người đồng đội ở đơn vị đặc công ngày ấy. Trong đợt tìm hài cốt liệt sĩ Ngọc năm 2000, di cốt của người Tiểu đoàn phó đơn vị đặc công đã được chuyển về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Hướng Hóa, Quảng Trị. Thông tin về ngôi mộ ấy được ông gửi tới Binh chủng đặc công với mong muốn đồng đội của mình sớm được thân nhân tìm đến, nhưng niềm mong mỏi của ông trong hơn chục năm qua vẫn chưa nhận được hồi âm…
Người thương binh và những niềm trăn trở
Chúng tôi tới Câu lạc bộ tiếng hát thương binh Thủ đô và được nghe thương binh Nghiêm Huy Tiến - Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ - kể về những năm tháng tham gia chiến trận. Đó là quãng thời gian từ 1971-1975, khi anh có mặt trong đội hình Sư đoàn 968 làm nhiệm vụ ở chiến trường nước bạn Lào. Những năm tháng ấy đã để lại trong anh nhiều kỷ niệm về đồng đội, để rồi sau này trở về, anh vẫn đau đáu, trăn trở một nỗi niềm: Làm sao có thể đưa hài cốt những đồng đội của mình trở về nơi các anh đã sinh ra.
Thương binh Nghiêm Huy Tiến |
“Đến nay, tôi không sao quên được trường hợp chiến đấu dũng cảm của một đồng đội tên Hảo ở Đông Anh. Khoảng tháng 9-1971, Hảo bị thương do pháo địch phạt sát nách làm mất hẳn một cánh tay, vậy mà chính anh đã lấy cánh tay còn lại nhặt cánh tay bị đứt rồi bỏ vào chiếc mũ cối, bới đất và tự chôn một phần thi thể của mình ở khu vực sân bay Pắc Xoòng”, anh Tiến nhớ lại. Trong ký ức về một thời lửa đạn, Nghiêm Huy Tiến cũng không sao quên được những đồng đội người Hà Nội tên Hòa, Duyền, Thân đã dũng cảm hy sinh ngoài mặt trận, do vội vã mà chiến sĩ đơn vị chỉ dùng dao găm chôn tạm thi thể các anh ở bên những gốc cây săng lẻ. Sau này, qua bạn bè, đồng đội, Nghiêm Huy Tiến biết những người đồng hương từng nhập ngũ với mình đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Nhưng trong anh luôn đau đáu một nỗi niềm là muốn được đưa các anh trở về bên cạnh người thân, bạn bè, đồng đội và yên nghỉ tại các nghĩa trang liệt sĩ Thủ đô.
Anh đã mang theo nỗi trăn trở ấy tâm sự với đồng đội CCB Tiểu đoàn 38 (Bộ tư lệnh Thủ đô), nơi các anh từng có những tháng huấn luyện tân binh trước khi vào chiến trường. Ý tưởng của anh được đồng đội nhiệt tình ủng hộ. Nhưng muốn làm việc nghĩa ấy thì phải có sự đồng ý của gia đình chứ không thể tự ý tiến hành, thế là anh đã lặn lội đi kiếm tìm địa chỉ của gia đình đồng đội. Trong các năm 1997-1998, anh đã lặn lội đi các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì… để hỏi thăm địa chỉ của 5 gia đình liệt sĩ từng nhập ngũ cùng. Cảm thông với mong muốn của chồng, “bà xã” Nguyễn Thị Thoa đã nhiệt tình cùng chồng rong ruổi trên chiếc xe máy cà tàng để tìm người thân liệt sĩ. “Vợ chồng tôi từng tỉ mẩn đi dọc các triền đê ở Đông Anh, lần tìm tới các nghĩa trang liệt sĩ trong huyện để tìm tên liệt sĩ Hòa trong phần mộ chí của địa phương, vậy mà tới cả năm sau, qua hỏi thăm bạn bè, đồng đội, chúng tôi mới tìm được địa chỉ gia đình”, chị Nguyễn Thị Thoa kể.
Do điều kiện chiến tranh nên những người lính cùng chung chiến hào thường chỉ nghe mong manh về địa chỉ gia đình, vì thế tuy là đồng hương Hà Nội nhưng việc lần tìm địa chỉ nhà nhau cũng không dễ dàng. Thậm chí, có trường hợp tìm thấy tên liệt sĩ trong danh sách ghi ở nghĩa trang của xã, nhưng gia đình liệt sĩ lại đang sinh sống ở nơi khác, thế là lại dò tìm, hỏi thăm qua bà con hàng xóm. Như trường hợp liệt sĩ Huê quê ở Khâm Thiên, khi Nghiêm Huy Tiến tìm tới hỏi thăm thì được biết gia đình anh đã chuyển sang Hà Đông, tới Hà Đông thì được biết bố mẹ Huê đã mất, chỉ gặp được cô em gái và thật tình cờ, chính cô em gái của liệt sĩ Huê lại là vợ của một chiến sĩ cùng đại đội.
Nhiều gia đình biết được ý định của Tiến và đồng đội đã rất mừng, bởi bao năm qua họ vẫn nghĩ rằng con em mình đang yên nghỉ ngoài mặt trận chứ không nghĩ họ đã được quy tập về nước. Năm 1998, Nghiêm Huy Tiến đã cùng các đồng đội CCB Tiểu đoàn 38 tổ chức đưa hài cốt 5 liệt sĩ Hà Nội về yên nghỉ tại nghĩa trang quê nhà theo mong muốn của gia đình và cũng là tâm nguyện của đồng đội.
“Nghệ sĩ thương binh” Nghiêm Huy Tiến cũng tâm sự một điều mà bấy lâu ông và đồng đội từng mong mỏi, đó là trong chiến tranh, ta vẫn thường tổ chức các đoàn văn công đi biểu diễn phục vụ bộ đội đang làm nhiệm vụ ở các chiến trường, giờ đây chiến tranh đã kết thúc, nhưng dường như chúng ta vẫn còn “mắc nợ” với hàng triệu liệt sĩ đang yên nghỉ tại các nghĩa trang khi họ chưa có dịp được nghe lại những lời ca, tiếng hát của những đoàn văn công chuyên nghiệp. Từ mong mỏi của người thương binh từng tâm huyết trong việc mang lời ca, tiếng hát tới tri ân đồng đội, nên chăng các ban, ngành hãy tổ chức thường xuyên một hoạt động ý nghĩa là cử các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp luân phiên đi biểu diễn văn nghệ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên mọi miền đất nước hoặc tại những nơi mà đồng đội đã hòa tan xương thịt trong mỗi tấc đất cha ông. Thiết nghĩ, hoạt động tri ân dành tặng những đồng đội “đang nằm dưới cỏ” ấy nên mang một chủ đề xuyên suốt là “Hát cho đồng đội” và nên bắt đầu từ dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh liệt sĩ này…
Bài, ảnh: Bùi Vũ Minh