(GD&TĐ) - Chiếm 1/3 chiều dài bờ biển của nước ta, với vị trí là “mặt tiền” của đất nước hướng ra biển đông; có tiềm năng kinh tế biển to lớn, nhưng trong bao đời nay, trừ một số đô thị lớn, 7 tỉnh duyên hải miền Trung vẫn là dải đất nghèo so với nhiều địa phương khác trong cả nước. Nếu chỉ dựa vào lợi thế tĩnh về điều kiện tự nhiên của mỗi địa phương có được để thực hiện chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư mà thiếu sự liên kết để tạo ra “lợi thế động” nhằm tối ưu hóa nguồn nhân lực hữu hạn thì sẽ khó tạo ra sức cạnh tranh. Nhận thức được vấn đề trên, 7 tỉnh duyên hải miền Trung gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã thống nhất về sự cần thiết xây dựng, thực thi chính sách và cơ chế liên kết phát triển chung của cả Vùng.
Toàn cảnh hội thảo |
Ngày 15/7, tại Đà Nẵng, Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học “Liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung”. Về tham dự có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - UV Bộ Chính trị, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, ông Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đại diện Bộ GD&VT, các đồng chí Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND 7 tỉnh miền Trung; các trường ĐH trong vùng; các Viện NCKH và các học giả, nhà nghiên cứu…
Mục tiêu của Hội thảo là làm sao để sự liên kết không làm mất đi động lực canh tranh, tính năng động sáng tạo của từng địa phương; đồng thời phải biến sức mạnh kinh tế của Vùng thành “con số nhân”, chứ không phải là “con số cộng” của 7 địa phương hiện nay. Thật vậy, liên kết phát triển là cần thiết, là tất yếu khách quan, nhưng liên kết thế nào, gồm nội dung gì, cách thức và bước đi ra sao; cơ chế vận hành, lợi ích và trách nhiệm của từng địa phương; vai trò lãnh đạo và hỗ trợ của Trung ương… nhằm biến ý tưởng thành hiện thực của cuộc sống là những điều mà cuộc Hội thảo hôm nay chúng ta phải bàn để có tiếng nói chung.
Toàn vùng có 06 sân bay (trong đó có 04 cảng hàng không quốc tế), 07 cảng biển nước sâu, 06 khu kinh tế ven biển (cả nước có 15 khu kinh tế ven biển), 01 khu công nghệ cao (cả nước có 3 khu công nghệ cao), 09 tuyến đường quốc lộ, đường sắt Bắc - Nam chạy qua, phân bổ đều khắp ở các địa phương, nối liền các đô thị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trong Vùng. Các khu kinh tế, khu công nghiệp của 7 địa phương trong vùng tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực có quy mô lớn như lọc hóa dầu, năng lượng, lắp ráp ô tô, sửa chữa và đóng mới tàu biển, chế biến nông lâm thủy sản, hóa chất, vật liệu xây dựng, khai khoáng, cơ khí, điện, điện tử, điện lạnh, công nghiệp thông tin, dệt may, da giày... với các sản phẩm chủ lực là hóa dầu, thủy điện, ô tô, hải sản, dệt may, da giày, cao su...
Các địa phương trong vùng có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, đất, rừng, di sản văn hóa lịch sử… cho phép phát triển kinh tế tổng hợp với các ngành chủ lực như: du lịch, công nghiệp đóng tàu và dịch vụ hàng hải, khai thác và chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá... Đặc biệt, trên địa bàn tập trung đến 4 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận là Quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế, Phố cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn; có nhiều vũng, vịnh, bãi tắm đẹp tầm cỡ quốc tế và các khu bảo tồn thiên nhiên… là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành du lịch.
Một chuỗi đô thị ven biển đang hình thành như: Chân Mây - Lăng Cô, Đà Nẵng, Hội An, Vạn Tường, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang là cơ sở quan trọng để thiết lập và mở rộng các liên kết kinh tế giữa các địa phương trong Vùng.
Tuy nhiên, quá trình phát triển thời gian qua của Vùng cũng cho thấy, nếu chỉ dựa vào “lợi thế tĩnh “ về điều kiện tự nhiên mỗi địa phương có được để thực hiện chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư, mà thiếu sự liên kết để tạo ra “lợi thế động” nhằm tối ưu hoá nguồn lực hữu hạn, thì sẽ khó có thể nâng cao sức cạnh tranh của toàn Vùng. Với sự quy hoạch phân bố lực lượng sản xuất theo mô hình cơ cấu kinh tế tỉnh dẫn đến sự phân tán nguồn lực và thiếu sự liên kết để giải quyết những vấn đề chung của bài toán phát triển đã và đang đặt ra khá gay gắt đối với mỗi địa phương
TS Nguyễn Bá Ân, Nguyễn Bá Ân– Phó viện trưởng Viện chiến lược Bộ Kế hoạch đầu tư nhận xét: “Miền Trung có khu vực địa kinh tế, địa chính trị đặc biệt quan trọng. Nhưng việc biến lợi thế so sánh của từng địa phương chưa được tốt. Sự cạnh tranh giữa các địa phương với nhau làm cản trở, hạn chế sự cạnh cạnh thế mạnh của toàn vùng”. Ông Ân cũng gợi ý: “Phải phá vỡ tính cát cứ của toàn vùng, không thể dàn trải cùng phát triển. Tùy từng thế mạnh của các khu kinh tế mà phân công phối hợp cùng liên kết hỗ trợ hoạt động”.
Tiến sỹ Trần Du Lịch cho rằng: “Tất cả lãnh đạo các tỉnh trong vùng đều nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc liên kết phát triển vùng đối với phát triển kinh tế địa phương, song sự phát triển còn dàn trải dựa trên tiềm năng, thế mạnh của mình, từ đó có sự xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn Vùng mà cụ thể là đều ưu tiên tập trung phát triển cảng biển, sân bay, khu kinh tế v.v… cũng như việc trùng lắp về cơ cấu ngành, sản phẩm trong khi đó thiếu các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ”.
Theo đồng chí Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thì: “Trung ương đã đề ra nhiều chủ trương và chính sách cụ thể để tạo đà phát triển của khu vực này, đặc biệt chú trọng liên kết vùng. Do xuất phát điểm của các tỉnh thành còn thấp nên mỗi địa phương vẫn còn cạnh tranh trong thu hút đầu tư, chưa có sự quan tâm sâu sắc đều lợi ích chung của khu vực. Liên kết là một quá trình lâu dài, đòi hỏi kiên trì, đồng thuận, có sự hỗ trợ của trung ương và các bộ ngành”.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện – bí thư tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, phát triển nhanh được đánh giá tốt nhưng không được bỏ quên sự phát triển bền vững. Cần thay đổi quan điểm về sự phát triển để miền Trung luôn được nâng cao vị thế dù phải thường xuyên đương đầu với bão lũ, thiên tai
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Phúc - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng: “Các đia phương trong vùng cần mạnh dạn bắt tay với nhau thực hiện 9 nhóm vấn đề. Từ mô hình này, có thể mở rộng thành sự liên kết 19 tỉnh thành miền Trung – Tây Nguyên. Các địa phương đều có thế mạnh riêng nên cần phải có sự lựa chọn ưu tiên thế mạnh nào ở địa phương nào để phát triển; cần thiết phải có ý tưởng qui hoạch và phát triển vùng”. Theo ông Phúc, thế mạnh riêng có của 7 tỉnh là kinh tế biển, do đó, cần phải có sự nghiên cứu, hợp tác toàn diện, phát triển sân bay, cảng biển, đặc biệt là du lịch ven biển. Các địa phương cũng cần phải tận dụng hành lang kinh tế Đông - Tây trong phát triển kinh tế, đây là “hành lang xóa đói giảm nghèo, đa văn hóa, du lịch dịch vụ”. Cũng theo ông Phúc, vùng cũng phải chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực, trong đó, cần đặt ra vấn đề cải thiện cơ sở hạ tầng ĐH vùng, ĐH địa phương, hệ thống giáo dục, dạy nghề của các tỉnh… Ông Phúc nhấn mạnh: “Muốn tham gia chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu thì phải có môi trường đầu tư tốt và nguồn nhân lực cao”.
Ánh Ngọc