Vì đây là chuyện mà ai cũng quen nên bạn có thể nghĩ nó là truyền thống từ xa xưa nhưng thực chất nó lại là trào lưu mới, chỉ xuất hiện cách đây chưa tới một thế kỷ. Thậm chí, ban đầu, đếm ngược còn đầy đáng sợ chứ không tươi vui như bây giờ.
Khởi đầu đáng sợ
Đếm ngược (countdown) là đếm thời gian đến thời điểm diễn ra sự kiện đã được ấn định nào đó theo thứ tự giảm liên tục và ngày nay, sự kiện đếm ngược phổ biến nhất toàn cầu là đếm ngược đêm Giao thừa.
Từ tư gia cho đến nơi công cộng, vào thời khắc những giây cuối cùng của năm cũ sắp trôi qua hết, mọi người đếm ngược đến thời điểm 00:00 và hân hoan đón chào năm mới.
Chúng ta gọi đếm ngược đêm Giao thừa là “đếm ngược để khởi đầu” vì nó mang ý nghĩa tiễn năm cũ đi và đón năm mới tới. Với một năm nữa lại về, chúng ta ước mong, hạ quyết tâm và tràn đầy lạc quan, nhiệt huyết hướng tới tương lai. Ít ai biết, khởi nguyên của trào lưu toàn thế giới này lại không vui vẻ chút nào.
Lần đầu tiên nhân loại giới thiệu đếm ngược đến toàn cầu là năm 1947, với sự ra mắt của Đồng hồ Ngày tận thế (Doomsday Clock). Nó được sáng chế nhằm mục đích cảnh báo chiến tranh hạt nhân toàn cầu. Kể từ lúc này, đếm ngược đồng nghĩa với sắp sửa diễn ra sự kiện đáng sợ.
Năm 1953, Mỹ thử bom nguyên tử ở sa mạc Nevada và một thành viên của nhóm thử đã dùng loa phóng thanh đếm ngược to thời gian còn lại trước khi vụ nổ xảy ra. Ở 10 giây cuối cùng, giọng anh ta dõng dạc vô cùng và ngay sau khi anh ta vừa dứt số 0 thì bom nổ.
Năm 1957, đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim người Anh, Alfred Hitchcock (1899 – 1980) đưa đếm ngược lên màn ảnh với bộ phim truyền hình Four O’Clock. Vật thể chứa đồng hồ đếm ngược trong phim là khối thuốc nổ và tình tiết trước khi khối thuốc nổ phát nổ hoặc được ngăn chặn phát nổ thành công luôn vô cùng “thót tim”. Đếm ngược đóng vai trò thúc đẩy kịch tính lên cao trào và suốt mấy năm tiếp theo, nó đại diện cho sự kiện kinh hoàng sẽ xảy ra, gây hoảng loạn.
Bất ngờ đảo ngược
Ngày 5/5/1961, sau 14 năm chỉ khiến mọi người khiếp sợ, đếm ngược bất ngờ lật ngược vai trò. Vào ngày này, 45 triệu người Mỹ dán mắt vào màn hình TV hoặc lắng tai nghe radio theo dõi sự kiện phóng tàu vũ trụ có người lái đầu tiên.
Trước đó 23 ngày, Liên Xô đã gây tiếng vang toàn cầu vì là nước đầu tiên thành công phóng tàu vũ trụ có người lái vào không gian. Để cân bằng cán cân Chiến tranh Lạnh (1947 – 1991), Mỹ không được phép thất bại.
Vụ phóng thành công. Phi hành gia Alan Shepard (1923 – 1998) đã ở trên không 15 phút 28 giây trước khi hạ cánh xuống Đại Tây Dương và suốt thời gian này, công chúng Mỹ không ngừng đếm ngược.
Sự thành công của Shepard khiến họ vỡ òa hạnh phúc và đếm ngược thoát vai “đồng hồ ngày tận thế”, khoác lên mình diện mạo mới là “đồng hồ tân thế”, đóng vai trò mở ra kỷ nguyên mới tuyệt vời hơn.
Suốt thập niên 1960, đếm ngược là sự háo hức. Cuối thập niên này, sự háo hức này còn lên đến đỉnh điểm với sự kiện phóng tàu vũ trụ Apollo 11 lên Mặt trăng. Ít nhất 500 triệu người trên thế giới đã theo dõi chặt chẽ tiến trình phóng của Apollo 11. Trước 13 giờ 32 phút chiều ngày 16/7/1969, ai nấy đều hồi hộp đếm người rồi vỡ òa hạnh phúc khi Apollo 11 vút bay an toàn.
Thập niên 1970, đếm ngược mở rộng vào các chương trình phát thanh và truyền hình. Năm 1974, Úc ra mắt Countdown, chương trình truyền hình âm nhạc hàng tuần, đếm ngược các “bản hit” mới nhất. Lập tức, Mỹ và nhiều nước châu Âu nô nức học theo.
Ở Anh, người ta còn mở chương trình trò chơi dài tập Countdown, thách thức khách tham gia giải quyết bài toán hoặc bài đố chữ trong khoảng thời gian cố định. Tất nhiên là với chương trình này, họ sử dụng đồng hồ đếm ngược.
Một màn hình tín hiệu rất to đã được treo lên, nhìn không khác gì Đồng hồ Ngày tận thế nhưng chẳng còn ai nhớ đến vai trò của Đồng hồ Ngày tận thế nữa. Từ người tham gia đến khán giả đều chỉ háo hức, hồi hộp và vội vã chạy đua với thời gian để giành chiến thắng.
Mừng năm mới
Trong những “đảo ngược bất ngờ” của đếm ngược, không thể không nhắc đến đếm ngược mừng năm mới. Trước khi có sự kiện này, thế giới cũng có rất nhiều truyền thống chào đón độc đáo nhưng không có cái nào mang tính chất toàn cầu.
Thực tế, lần đầu tiên đếm ngược mừng năm mới đã được ghi nhận từ năm 1957, trong thời đại “đếm ngược là tận thế”. Vào thời điểm Giao thừa, phát thanh viên Ben Grauer (1908 – 1977) của Mỹ đã hô to trên đài phát thanh, “Năm 1958 sắp đến rồi, 5 – 4 – 3 – 2 – 1.
Vâng, quả cầu đã được thả xuống và nó là tín hiệu cho thấy năm 1958 đã đến đây”. (Mỹ bắt đầu truyền thống thả quả cầu xuống mái Quảng trường Thời đại vào 10 giây cuối cùng của năm cũ để mừng năm mới từ năm 1908). Tuy nhiên, không ai đếm ngược cùng với Grauer hay chú ý đến việc đếm ngược của ông.
Thập niên 1960, dù đếm ngược đã thoát vai “đếm thời gian còn lại đến ngày tận thế” và được phát thanh viên Grauer cố gắng đưa vào chương trình truyền hình đón năm mới, đếm ngược vẫn không được chào đón.
Khán thính giả vui mừng vì năm mới đang tới, nhưng không tham gia đếm ngược với Grauer. Tiếc sáng kiến và công sức của Grauer, nhà sản xuất truyền hình Dick Clark (1929 – 2012) của Mỹ cố ý đưa đếm ngược mừng năm mới vào chương trình New Year’s Rockin’ Eve chào đón năm 1973. Tuy nhiên, lại một lần nữa, nó bị thờ ơ.
Clark đã không nản chí. Ông kiên trì duy trì đếm ngược mừng năm mới suốt 5 năm tiếp theo và cuối cùng, vào năm 1979 đã nhận được sự hồi đáp của công chúng. Lần đầu tiên trong lịch sử New Year’s Rockin’ Eve, đám đông đếm ngược cùng các nghệ sĩ và mở ra trào lưu đón năm mới bằng đếm ngược sẽ cuốn hút toàn cầu.
Thập niên 1980, đồng hồ đếm ngược được lắp đặt tại Quảng trường Thời đại, đồ họa truyền hình hiển thị con số đếm ngược, người dẫn chương trình hào hứng và khán giả cực kỳ nhiệt tình. Từ Mỹ, đếm ngược chào đón năm mới cũng lan ra khắp thế giới, xuất hiện trên các chương trình chào xuân.
Các quốc gia âm lịch cũng theo trào lưu đếm ngược mừng năm mới. Vào ngày cuối cùng của năm âm lịch, đài truyền hình quốc gia thường tổ chức ghi hình tại địa điểm quan trọng nhất đất nước và dân chúng tập trung đông đảo để cùng nhau “tiễn cựu nghênh tân”.
Vào phút thứ 59 của 23 giờ, đếm ngược được chia thành nhiều đợt và người dẫn chương trình sẽ bắt nhịp để đám đông cùng nhau đếm, tạo không khí phấn khích. 10 giây cuối cùng của năm cũ là thời điểm đếm ngược lý tưởng nhất. Ai nấy đều tập trung và hô vang từng con số lùi liên tiếp cho đến số 0 và đúng thời điểm này, pháo hoa hoặc nhạc hiệu mừng năm mới nổ vang.
Từ trào lưu, đếm ngược mừng năm mới biến thành truyền thống toàn cầu. Quốc gia, châu lục nào cũng nhiệt tình với nó song, vào thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ - năm 2000, đếm ngược lại bị lật về bản chất ban đầu vì tin đồn và nỗi sợ hãi ngày tận thế.
Trên khắp thế giới, mọi người thấp thỏm trước giây phút cuối cùng của năm 1999. Cùng lúc, hệ thống máy tính lại vấp sự cố Y2K, không nhận biết được sự khác biệt giữa năm 2000 và 1900 (do lỗi thời). Các công ty và tổ chức trên toàn cầu vò đầu bứt tai, khổ sở chỉnh sửa, nâng cấp và chỉ cần họ thất bại thì sẽ thành thảm họa.
Tất nhiên là ngày tận thế đã không tới và sự cố Y2K cũng được khắc phục. Bước sang thế kỷ XXI, đếm ngược mang vai trò mới “đếm ngược đến ngày, giờ, phút, giây trọng đại” và bây giờ, bạn có thể thấy đếm ngược ở bất cứ đâu.
Cá nhân thì đếm ngược đến ngày kỷ niệm của mình như sinh nhật, kết hôn, sinh con… Tập thể đếm ngược đến ngày lễ, phương tiện giao thông đếm ngược đến giờ khởi hành, quốc gia đếm ngược đến sự kiện trọng đại…
Ngoài thông báo thời gian còn lại đến các sự kiện trọng đại, đếm ngược vẫn duy trì vai trò cảnh báo cho các nguy cơ liên quan đến sức khỏe hành tinh, an ninh toàn cầu. Tại Quảng trường Union ở New York, Mỹ hiện đang hiển thị Đồng hồ Khí hậu, kêu gọi mọi người hành động vì khí hậu trước khi quá muộn.
Thế giới cũng nơm nớp lo ngày biến thể Covid-19 tiếp theo xuất hiện, thảm họa thiên nhiên, tấn công khủng bố, chiến tranh toàn cầu… Có điều, so với vai trò này, đếm ngược phổ biến vai trò ngược lại hơn.
Đó là giảm bớt sự căng thẳng và nâng cao tinh thần lạc quan. Trong thời đại kỹ thuật số, đếm ngược còn có đồng hồ trực tuyến phủ khắp không gian mạng và thiết bị điện tử, phục vụ tận tâm cho cả cá nhân lẫn cộng đồng.