Lịch sử thăng trầm của hòn đảo Mageshima

GD&TĐ - Đầu tháng 12 vừa qua, chính phủ Nhật Bản công bố họ đã mua lại hòn đảo Mageshima cách Kyushu - đảo chính ở cực Nam nước này - khoảng 34 km. Hòn đảo rộng khoảng 7,8 km2, hình thành từ núi lửa ở rìa biển Hoa Đông này một ngày nào đó có thể được sử dụng như một hàng không mẫu hạm không thể chìm.

Toàn cảnh đảo Mageshima nhìn từ trên cao
Toàn cảnh đảo Mageshima nhìn từ trên cao

Hòn đảo “bí ẩn”

Mageshima là một đảo nhỏ ở biển Đông, nơi Francis Xavier lần đầu tiên đặt chân đến Nhật Bản vào thế kỷ 16 và cách đảo di sản thế giới Yakushima khoảng 40 km về phía Bắc. Để đến đảo Mageshima, mất một vài giờ đi thuyền máy (khoảng 115 km) về phía Nam thành phố Kagoshima, nằm cách Tanegashima khoảng 12 km về phía Tây.

Với chu vi 6 km và diện tích khoảng 8 km2, được hưởng lượng mưa đủ để đổ đầy khoảng 16 con sông, không gian nhỏ bé của nó chứa đựng sự đa dạng sinh học đáng kinh ngạc: Từ rùa làm tổ và cua ẩn sĩ khổng lồ đến một số loài cá nhỏ sống ở nước ngọt, nước lợ hoặc nước mặn, thường có màu sắc rực rỡ.

Chúng chủ yếu có nguồn gốc từ châu Mỹ và gồm nhiều loài cá cảnh phổ biến và hơn 400 loài chim bao gồm chim bói cá và chim chích chòe. Trên đảo Mageshima chỉ có một vài nhóm ngư dân cư trú cho đến nay. Các nhà nghiên cứu có lẽ là người hiểu rõ nhất về hòn đảo này. Trong khoảng từ 1987 đến 2000, họ cùng với các sinh viên thường xuyên đến đảo Mageshima.

Những thăng trầm mà Mageshima đã trải qua trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ 2 khiến nó trở thành một nơi hoang tàn. Từ năm 1951, chính phủ Nhật khuyến khích việc định cư trên đảo, vừa là giải pháp làm tăng dân số, đồng thời tạo thêm nguồn sản xuất lương thực.

528 người (113 gia đình) đã đến Mageshima, một trường tiểu học và trung học cơ sở được xây dựng. Những người dân nơi đây sống bằng nghề trồng lúa và mía đường, đánh cá, và thu gom các loại thảo mộc và cỏ biển.

Tuy nhiên, trong thập niên 1960, chính phủ Nhật thay đổi chính sách, cắt giảm đặc biệt là sản xuất lúa gạo và với nông nghiệp. Vào những năm 1970, các nhà đầu tư dần dần mua hết đất và người dân rời bỏ hòn đảo, trường học địa phương đóng cửa năm 1980.

Nhiều người cho rằng, đảo Mageshima giống hệt như một hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm
 Nhiều người cho rằng, đảo Mageshima giống hệt như một hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm

Các kế hoạch phát triển Mageshima sau đó đã được vạch ra như: Khu phát triển du lịch (dự án có tên Mage Island Marine Leisure Lan); căn cứ radar của Lực lượng Phòng vệ (1983); một kho chứa dầu (1984); kho chứa chất thải hạt nhân (khoảng năm 1999); nơi hạ cánh Tàu con thoi Hope của Nhật (cuối những năm 1990 đến khoảng năm 2008). Nhưng với nhiều nguyên nhân, theo thời gian, tất cả các kế hoạch nhằm phát triển Mageshima đều không được thực hiện.

Quyền sở hữu (hơn 99%) Mageshima thuộc về Mage Island Development Company. Do các dự án xây dựng đổ vỡ nên Mageshima được xếp vào nhóm đảo không có dân cư, mặc dù một số nhỏ nhân viên Công ty Mage Island Development vẫn ở.

Từ năm 2000, hòn đảo đóng cửa đối với các nhà nghiên cứu, nhà báo, công chúng... Công ty Mage Island Development đưa ra quan điểm rằng chính quyền địa phương đã không ủng hộ những dự án nhằm mang lại lợi ích cho quốc gia và khu vực. Mageshima trở thành hòn đảo “bí ẩn”.

Mageshima trở thành căn cứ quân sự

Đầu thế kỷ 21, những khoản đầu tư vào Mageshima của Mage Island Development có dấu hiệu được thu hồi vốn. Bộ Quốc phòng Nhật Bản được xác định là khách hàng tiềm năng để mua (hoặc thuê) hòn đảo Mageshima. Do vậy, Công ty Taston Airport (doanh nghiệp thay thế Mage Island Development) bắt đầu tiến hành sửa sang lại hòn đảo và xây dựng cơ sở vật chất.

Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, hai đường băng, 4.200 mét hướng Bắc - Nam và 2.400 mét hướng Đông - Tây đã được xây dựng. Khu rừng rộng 441 ha đã bị thu hẹp để lấy chỗ xây dựng một sân bay có quy mô tương đương với sân bay Naritacủa Tokyo hay Kansaicủa Osaka.

Để phục vụ cho kế hoạch xây dựng, đã có những sai số so với giấy phép và thiết kế. Công ty Taston Airport báo cáo đã giải phóng mặt bằng khoảng 170 ha, trong khi giấy phép chỉ cho phép 60ha (bao gồm cả một sân bay trực thăng). Ngoài ra, đỉnh Takenokoshi của Mageshima cao 71,7 mét đã bị san phẳng.

Vào năm 2009, Mageshima được đề nghị là điểm đến cho việc căn cứ không quân Futenma của Thủy quân Lục chiến Mỹ phải được di dời khỏi đảo. Cuộc trưng cầu được tiến hành sau loạt sự cố các bộ phận máy bay Mỹ rơi từ trên không hoặc khi đang hạ cánh, xuống các địa điểm dân sự gồm các trường học; ngoài ra là một loạt vụ việc lùm xùm liên quan đến nhân viên quốc phòng Mỹ và cư dân địa phương. Bất chấp lá phiếu đó, chính phủ Nhật Bản vẫn xúc tiến kế hoạch tái di dời căn cứ Futenma ra khu vực khác thưa dân cư hơn, song vẫn nằm trên đảo Okinawa.

Vị trí đảo Mageshima trên quần đảo Nhật Bản và khu vực biển Hoa Đông.
 Vị trí đảo Mageshima trên quần đảo Nhật Bản và khu vực biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, hòn đảo nhỏ Mageshima không bị lãng quên. Chính phủ Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Naoto Kan và sau đó là Yoshihiko Noda đã theo đuổi chính sách tăng cường phòng thủ quốc gia tại các đảo phía Tây Nam và biển Đông.

Ngay lập tức, chủ sở hữu của Mageshima đã nhìn thấy cơ hội của họ. Vào tháng 6/2011, cuộc họp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Nhật Bản tại Washington đề cập đến Mageshima là nơi tiềm năng để xây dựng căn cứ quân sự.

Các phi công của Hải quân Hoa Kỳ từ tàu USS George Washington, neo tại Yokosuka) cũng có thể sử dụng nó cho các cuộc luyện tập cất cánh và hạ cánh ban đêm. Điều này sẽ giúp hai lực lượng vũ trang hợp tác chặt chẽ hơn, cung cấp một địa điểm thuận tiện hơn cho các hoạt động của hải quân Hoa Kỳ.

Vào tháng 12/2019, chính phủ Nhật tuyên bố đã đạt được thỏa thuận mua lại hòn đảo Mageshima với giá 16 tỷ yên (146 triệu USD) để phục vụ cho việc huấn luyện cất hạ cánh của lực lượng quân sự Hoa Kỳ đang đồn trú trên đất Nhật.

Được dự kiến trở thành một sân bay tập luyện, đảo Mageshima cũng sẽ thuận tiện hơn cho các phi công tàu sân bay Mỹ, mà nhiều người trong số họ đang phải xuất phát từ căn cứ không quân của Thủy quân Lục chiến Mỹ trên đảo chính Honshu của Nhật Bản.

Sau đó, họ bay tới luyện tập hạ cánh xuống tàu sân bay Iwo Jima của Nhật, nằm cách Honshu khoảng 1.360km. Việc xuất phát từ đảo Mageshima sẽ giúp cắt ngắn hành trình này xuống 960 km.

Theo CNN, đảo Mageshima có thể cung cấp một số chương trình hợp tác mới giữa quân đội Hoa Kỳ và Nhật Bản - đặc biệt liên quan đến máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Tokyo đã tuyên bố sẽ nâng cấp các khu trục hạm trực thăng lớp Izumo để cho phép máy bay phản lực F-35B do Mỹ sản xuất có thể cất cánh.

Phi đội máy bay chiến đấu này hiện cất cánh trên các tàu tấn công đổ bộ của Mỹ, về cơ bản giống như các tàu sân bay nhỏ. Nhật Bản cũng mua thêm hàng chục máy bay hạ cánh thẳng đứng và cất cánh với đường băng ngắn.

Tokyo chưa đưa ra khung thời gian hoàn tất thỏa thuận này với phía Mỹ. Nhưng một khi các cơ sở hạ tầng được xây dựng, hòn đảo cũng có thể trở thành căn cứ thường trực cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, trong bối cảnh Tokyo tìm cách củng cố vị thế của mình ở biển Hoa Đông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.