Máy bay chiến đấu Israel đã thực hiện cuộc tấn công có chủ đích vào một chiếc ô tô chở các tay súng thuộc nhóm Hayat Tahrir Al-Sham (HTS - bị nhiều quốc gia xem là một tổ chức khủng bố) ở tỉnh Quneitra của Syria.
Vụ việc xảy ra tại khu vực thành phố Ghadir Al-Bustan, nằm gần biên giới với Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng. Theo dữ liệu sơ bộ, do vụ tấn công, hai thành viên của nhóm HTS đã thiệt mạng, một thường dân và vài người khác bị thương.
Theo các nguồn tin địa phương, các tay súng HTS đã đến Quneitra với mục đích thu giữ vũ khí từ những cựu binh sĩ của Lực lượng Vũ trang Cộng hòa Ả Rập Syria (SAR). Quân đội Israel có thể coi sự hiện diện của họ là một mối đe dọa nên đã tiến hành cuộc không kích.
Hành động của lực lượng Israel đã gây chấn động trong khu vực. Quyền Ngoại trưởng Syria Assad al-Sheibani - người đang có chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ, đã lên án hành động của Israel, gọi chúng là vi phạm chủ quyền của nước này.
Ông al-Sheibani kêu gọi cộng đồng quốc tế và Liên hợp quốc gây áp lực lên Tel Aviv để ngăn chặn các cuộc tấn công vào lãnh thổ Syria và rút binh sĩ khỏi các khu vực bị chiếm đóng.
Ngoại trưởng lâm thời Syria nhấn mạnh rằng lập luận về sự hiện diện của lực lượng Iran và thân Iran trong khu vực không còn cơ sở nữa, vì toàn bộ họ đã bị trục xuất khỏi đất nước.
Israel không bình luận về hành động của mình, duy trì chính sách không can thiệp vào phạm vi đưa tin của các hoạt động được thực hiện bên ngoài lãnh thổ của mình.
Tuy nhiên về mặt lịch sử, các cuộc tấn công vào mục tiêu ở Syria được biện minh là do nhu cầu ngăn chặn mối đe dọa từ Iran cũng như đồng minh của Tehran. Trong trường hợp này, sự hiện diện của HTS gần các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng có thể khiến quân đội Israel lo ngại về khả năng leo thang.
Giới chuyên gia lưu ý rằng tình hình ở Quneitra làm nổi bật sự bất ổn đang diễn ra trong khu vực. Tỉnh của Syria nằm ở biên giới với Israel vẫn là khu vực căng thẳng, nơi lợi ích của nhiều bên giao nhau - từ chính phủ Syria và các nhóm đối lập cho đến những tác nhân tham gia bên ngoài, bao gồm cả Israel và Iran.
Cộng đồng quốc tế đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về sự leo thang xung đột ở Cao nguyên Golan. Việc Israel chiếm đóng vùng lãnh thổ này bắt đầu từ năm 1967 vẫn còn gây tranh cãi, mặc dù được quốc tế công nhận một phần.