Thế giới ngày nay có biết bao biến cố, nhưng không ai có thể phủ nhận một sự thật rằng, với cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 lịch sử loài người bước sang trang mới. Thế giới không còn là độc tôn của chủ nghĩa tư bản mà liên tục rung chuyển bởi các cuộc cách mạng vô sản, của phong trào giải phóng dân tộc và cuộc đấu tranh của công nhân, nhân dân lao động ở các nước tư bản phát triển vì hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.
Một sự quá độ lịch sử đã được mở ra: nhiều quốc gia bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, quá độ lên chủ nghĩa xã hội nhằm đạt được mục tiêu cao cả là độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Tác giả tinh thần và lãnh tụ trên thực tế của các cao trào cách mạng đó chính là Vlađimia Ilich Lênin (1870- 1924), người con ưu tú của dân tộc Nga, nhà tư tưởng vĩ đại, nhà chính trị kiệt xuất, người Thầy của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
Sinh ngày 22-4-1870 trong một gia đình trí thức tiến bộ, ngay từ những năm học tại Đại học Tổng hợp Cadan, Lênin sớm tham gia vào hoạt động chống chế độ Sa hoàng, bị bắt và đi đày một năm. Năm 1893, Lênin gia nhập Đảng Xã hội – Dân chủ Nga, hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng đến tận phút giây cuối cùng, ngày 21-1-1924.
Lênin để lại cho nhân loại, cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức toàn thế giới một di sản đồ sộ cả về tư tưởng, lý luận, tinh thần và chính trị thực tiễn.
Ông đã bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác thành chủ nghĩa Mác-Lênin, hệ tư tưởng khoa học và cách mạng soi sáng con đường đấu tranh vì những giá trị, mục tiêu cao đẹp của thời đại.
Lênin đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, sáng lập chính quyền xô viết, thực hiện công cuộc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước Nga, sau đó là trên phạm vi Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết.
Người đã lãnh đạo phong trào cộng sản, công nhân quốc tế vượt qua khủng hoảng, thành lập tổ chức quốc tế cộng sản đầu tiên (Quốc tế Cộng sản, 1919-1943), mở ra trang sử vẻ vang của những người cộng sản trong nhiều thập kỷ của thế kỷ XX đầy biến động.
Người đã đem lại ánh sáng soi đường, cảm hứng mãnh liệt và sự ủng hộ quý báu cho cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập, tự do và cho cả loài người tiến bộ đấu tranh chống thực dân, đế quốc, tư bản.
Người đã để lại một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng và nhân sinh quan cộng sản, sẵn sàng hy sinh tất cả vì sự nghiệp giải phóng quần chúng cần lao, giải phóng con người.
Là một nhà tư tưởng, Lênin đã kế tục, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trên cả 3 bộ phận triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa cộng sản khoa học, đem lại cho hệ tư tưởng vô sản sức sống trong thời đại mới.
Người đã nêu ra định nghĩa về phạm trù vật chất; luận chứng mối quan hệ giữa vật chất và ý thức; xây dựng lý luận nhận thức; hoàn thiện phép biện chứng; thống nhất phép biện chứng với lô gích học và lý luận nhận thức…Đã phân tích những đặc trưng kinh tế chính trị cơ bản của chủ nghĩa tư bản độc quyền; nêu ra chính sách kinh tế mới trong xây dựng chủ nghĩa xã hội; chính sách công nghiệp hóa, cải tạo và phát triển nông nghiệp, thương nghiệp xã hội chủ nghĩa…
Người đã nêu ra lý luận về xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản; lý luận về bước chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới thành cách mạng xã hội chủ nghĩa; lý luận về nhà nước chuyên chính vô sản; lý luận về vai trò vĩ đại của quần chúng nhân dân mà nòng cốt là liên minh công- nông do Đảng Cộng sản lãnh đạo; cương lĩnh về vấn đề dân tộc; lý luận về chính quyền Xô viết… Những đóng góp xuất sắc này đã tạo nên “giai đoạn Lênin” trong quá trình phát triển của chủ nghĩa Mác, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Người kế tục một cách thiên tài sự nghiệp vĩ đại của Mác- Ăngghen trong những điều kiện lịch sử mới là V.I. Lênin” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2002, t.7, tr.513).
Là một nhà chính trị và lãnh tụ cách mạng, Lênin là người đầu tiên biến lý luận chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản thành hiện thực sinh động; biến chủ nghĩa cộng sản từ “một bóng ma ám ảnh” thành một thực thể sống mà các thế lực tư bản, đế quốc phải đối mặt.
Nhờ phân tích kịp thời, sâu sắc quy luật về sự phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn độc quyền đế quốc, phát hiện khâu xung yếu nhất của hệ thống đế quốc, Lênin đã chủ động chuyển hóa chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng.
Người đã lãnh đạo quần chúng cách mạng, làm nên một sự kiện làm “rung chuyển toàn thế giới”: đánh đổ chế độ áp bức, bất công, lập nên chính quyền công-nông-binh, khai sinh chế độ xã hội chủ nghĩa đầu tiên. Ngay sau Cách mạng Tháng Mười, lãnh tụ Lênin đã rất thành công trong việc lãnh đạo nhân dân bảo vệ vững chắc chính quyền Xô viết trước vòng vây của chủ nghĩa đế quốc; đồng thời, đã hết sức năng động, sáng tạo trong vai trò là người mở đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nắm bắt bối cảnh mới khi chủ nghĩa tư bản đế quốc vừa áp bức, bóc lột giai cấp vô sản, vừa áp bức, bóc lột các dân tộc thuộc địa, Lênin đã phát triển khẩu hiêu tập hợp lực lượng của Mác- Ăngghen : “Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại !” thành “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại !”.
Tư tưởng quan trọng của Lênin cùng với ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra phong trào giải phóng dân tộc trong thời đại mới, thời đại chủ nghĩa xã hội trở thành hệ thống thế giới; thời đại mà hệ thống thuộc địa thế giới nhanh chóng bị thủ tiêu; thời đại mà chủ nghĩa tư bản bị tấn công ngay tại các trung tâm của họ; thời đại mà các lực lượng cách mạng giương cao lá cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở hàng chục quốc gia thuộc châu Âu, châu Á và châu Mỹ.
Tư tưởng Lênin và ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga đã soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Trên hành trình tìm đường cứu nước, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc gặp được Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, đã reo lên trong cảm động: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Từ đó, Người đi theo Lênin, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, đem chủ nghĩa Mác- Lênin về với cách mạng Việt Nam.
Đối với cách mạng VN, tư tưởng của Lênin đã mở ra những chân trời mới, soi đường, chỉ lối cho nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn vận dụng một cách sáng tạo những tư tưởng của Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Dưới ngọn cờ vẻ vang của Lênin, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã làm Cách mạng Tháng Tám thành công, đã đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; giành thắng lợi to lớn trong công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Đưa đất nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, tự do, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Trên tinh thần đó và trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam đã có những nhận thức đầy đủ hơn về chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng sáng tạo những nguyên lý ấy vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Học tập và vận dụng chủ nghĩa Mác -Leenin vào cách mạng Việt Nam, Đảng ta cũng kiên quyết bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, đấu tranh chống mọi thủ đoạn xuyên tạc, đổi trắng thay đen của mọi kẻ thù tư tưởng; chống lại mọi biểu hiện xa rời những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Sau sự tan rã ở Liên Xô và các nước Đông Âu, đã có những ý tưởng tỏ ra hoang mang, dao động, thậm chí từ bỏ hệ thống lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Nhưng tinh thần khoa học, tính cách mạng, sức sống của chủ nghĩa Mác – Lênin vẫn còn sáng mãi với nhân loại tiến bộ.
Điều khẳng định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc năm 1927: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.
Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bằng thực tiễn đấu tranh cách mạng của mình, những người cộng sản Việt Nam khẳng định rằng, những vấn đề cơ bản nhất trong học thuyết của Lênin là không gì bác bỏ được, vẫn giữ nguyên giá trị khoa học và cách mạng trong thời đại ngày nay.
Kỷ niệm 150 năm ngày sinh V.I Lênin, chúng ta ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng của Người để những người cộng sản chân chính trên toàn thế giới phấn đấu học tập, noi theo; để tư tưởng, lý luận của Người sống mãi cùng thời gian, là ngọn cờ cách mạng soi sáng con đường giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của các dân tộc trên toàn thế giới.