Lễ khai mạc tuần lễ Festival Huế 2022 dùng từ 'khai màn' gây khó hiểu

0:00 / 0:00
0:00
GD&TĐ - Tại lễ khai mạc tuần lễ Festival Huế 2022 diễn ra vào tối 25/6 vừa qua, Ban tổ chức đã dùng từ “khai màn” in trên vé và trong các bài phát biểu gây khó hiểu đối với nhiều người.
Lễ khai mạc tuần lễ Festival Huế 2022 dùng từ 'khai màn' gây khó hiểu

Ở các kỳ Festival Huế trước đây (được tổ chức lần đầu tiên từ năm 2000, cách 2 năm tổ chức 1 kỳ Festival - PV), sự kiện mở màn cho Festival được gọi là lễ khai mạc. Tuy nhiên trong tuần lễ Festival Huế 2022 (nằm trong sự kiện Festival Huế 2022 được tổ chức xuyên suốt trong cả năm 2022), sự kiện mở màn được gọi là lễ “khai màn”.

Điều này khiến cho nhiều người dân Huế và một số du khách am hiểu về văn hóa, ngữ nghĩa tiếng Việt cảm thấy khó hiểu, thậm chí là… chói tai khi đọc từ này.

Trong vé, giấy mời đêm khai mạc Tuần lễ Festival Huế 2022 (kéo dài từ 25-30/6 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế) được dùng từ "khai màn". ảnh 1

Trong vé, giấy mời đêm khai mạc Tuần lễ Festival Huế 2022 (kéo dài từ 25-30/6 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế) được dùng từ "khai màn".

Một thầy giáo bày tỏ, “khai mạc” là từ Hán Việt, có nghĩa là “mở màn” hay “dẫn đầu” (“khai” là “mở”, “mạc” là “màn”). Do đó, muốn viết cho thuần Việt thì nên viết là “mở màn”, không nên viết là “khai màn” hay “mở mạc”. Viết vậy không logic về mặt ngôn ngữ và người ngoại quốc sẽ rất lúng túng khi dịch sang các ngôn ngữ khác như Anh ngữ, Pháp ngữ. Cứ viết là “khai mạc” cho hay.

PGS.TS. Trần Văn Sáng - Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng cho hay: “Mấy ngày qua, nhiều người hỏi tôi tại sao là "khai màn" ở Festival Huế 2022 chứ không phải là "khai mạc"? Tôi trả lời, tôi chưa hiểu hoặc chưa rõ lí do tại sao Huế dùng từ "khai màn" với dụng ý gì nhưng về mặt câu chữ, quả thật vừa "lạ tai", vừa không ổn.

Theo thiển ý, tôi hiểu "mạc" là âm Hán Việt, có nghĩa thuần Việt là "màn"’, "khai mạc", nghĩa là "mở màn". Vậy nói/viết "khai màn" là không chuẩn, nếu không muốn nói là không đúng quy tắc cấu tạo từ.

Chẳng hạn, "độc giả" nghĩa là "người đọc", vậy nếu viết/nói "đọc giả" hay "người độc" đều là cách viết/nói sai.

Vậy, nên dùng "Khai mạc Festival Huế 2022" sẽ chuẩn và trang trọng hơn "Khai màn Festival Huế 2022". Nếu viết: "Tiết mục mở màn cho Chương trình khai mạc Festival Huế 2022" thì nghe rất ổn!”.

Lễ "khai màn" Tuần lễ Festival Huế 2022 được tổ chức tại Quảng trường Ngọ Môn. ảnh 2

Lễ "khai màn" Tuần lễ Festival Huế 2022 được tổ chức tại Quảng trường Ngọ Môn.

Ngày 27/6, để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Tiến Đạt - Giám đốc Trung tâm Festival Huế, Phó Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế 2022 về sự việc trên. Ông Đạt cho biết, từ “khai mạc” Festival đã dự định để từ đầu cho lễ khai mạc.

Tuy nhiên nhiều thành viên Ban tổ chức phản đối vì Festival Huế 2022 là một kỳ Festival đầu tiên lễ hội được tổ chức xuyên suốt trong cả năm, chứ không phải một quãng thời gian ngắn như 1 tuần đến 2 tuần các năm trước đây.

“Festival Huế 2022 còn được gọi là Festival bốn mùa. Do sự kiện đã được mở màn từ đầu năm, khai mạc từ đầu năm, nên từ “mở màn” được dùng cho Tuần lễ Festival trong tháng 6 này – hay còn gọi là Festival mùa Hạ”, ông Đạt cho biết thêm.

Cũng theo ông Đạt, chỉ có dùng từ “mở màn” trong lễ khai mạc Tuần lễ Festival Huế. Khép lại tuần lễ này vào ngày 30/6, Ban tổ chức cũng sẽ không dùng từ “hạ màn” như theo cách nghĩ, mà dùng từ “Đêm Gala giã bạn”. Riêng lễ bế mạc sẽ được dùng vào cuối năm 2022 - khi kỳ Festival bốn mùa kết thúc.

Ghé Đà Lạt thưởng lãm 'Chuyện mình'

Ghé Đà Lạt thưởng lãm 'Chuyện mình'

GD&TĐ - Triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Đoàn Đức Hùng tại phòng tranh Le Lycee Ana Mandarin Villas DaLat (Lâm Đồng) tiếp tục đón khách đến 26/10.
Nhiều họa sĩ trẻ giành giải thưởng Cuộc thi và Triển lãm 5 năm Điêu khắc toàn quốc. Ảnh: Bình Thanh

Điêu khắc đang 'đổi vai'?

GD&TĐ - Góp tác phẩm vào Cuộc thi và Triển lãm 5 năm điêu khắc toàn quốc đang diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội, phần lớn là họa sĩ, nhà điêu khắc trẻ.
Ảnh minh họa: ITN.

Truyện ngắn Ước mơ của Linh

GD&TĐ - Từ ngày Linh chào đời, cả làng, cả xã biết mẹ và Linh bị AIDS. Hôm đó là một ngày mưa rét cắt da, cắt thịt trong tiết đại hàn của mùa Đông giá lạnh.
Canh 'tập tàng'.

Thương nhớ canh 'tập tàng'

GD&TĐ - Có một món canh quê, rất quê mà người quê hoặc gốc quê luôn luôn nhớ, luôn luôn thích - cả người quê xưa và người quê nay.
Ảnh minh họa/ITN.

Truyện ngắn: Đôi giày

GD&TĐ - Một người sẽ đi bao nhiêu đôi giày trong suốt cuộc đời? Câu hỏi này thật kỳ lạ, ai sẽ nghiêm túc tính toán cơ chứ!
Minh họa/INT

Từ màn ảnh đến cuộc đời

GD&TĐ - Nếu như những nhân vật, câu chuyện của thế giới ảo mới bắt đầu được điện ảnh nước nhà khai thác thì trên thế giới, chủ đề này đã không còn lạ lẫm.