Lễ hội đánh cá hơn 300 năm

GD&TĐ - Lễ hội đánh cá Đồng Hoa hay còn gọi là lễ hội đánh cá Vực Rào hoặc lễ xả Vực đã tồn tại hơn 300 năm ở xã Xuân Viên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

Vực Rào - nơi diễn ra Lễ hội đánh cá Đồng Hoa.
Vực Rào - nơi diễn ra Lễ hội đánh cá Đồng Hoa.

Lễ hội đánh cá Đồng Hoa hay còn gọi là lễ hội đánh cá Vực Rào hoặc lễ xả Vực đã tồn tại hơn 300 năm ở xã Xuân Viên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Đây là một trong 3 lễ hội đánh cá truyền thống còn lưu giữ được đến ngày nay ở nước ta.

Cả làng rủ nhau đi bắt cá

5 giờ sáng, ông Đặng Văn Việt (72 tuổi, xã Xuân Viên) vội đánh thức các thành viên trong gia đình chuẩn bị dụng cụ lên Vực Rào (thôn Nam Viên, xã Xuân Viên) bắt cá. Mấy ngày qua, khi nghe loa thôn phát thông báo lịch mở hội đánh cá Vực Rào, cả nhà ông ai nấy đều thấp thỏm.

“Đã thành lệ rồi, nên cứ gặt mùa xong là bà con Xuân Viên mong ngóng khai hội để đi bắt cá. Từ cuối tháng 5 âm lịch, mọi nhà đều chuẩn bị dụng cụ từ nơm, vó, lưới, rổ… cứ đồ dùng nào bắt cá được đều mang đi. Không chỉ người lớn mà trẻ em trong làng đều được sắm dụng cụ để dự hội”, ông Việt háo hức cho biết.

Theo lịch 6 giờ 30 phút mới khai hội, nhưng từ tờ mờ sáng, tại Vực Rào đã chen kín xe cộ và người. Không chỉ người trong làng, trong xã, lễ hội còn thu hút cả người dân từ các tỉnh đến dự. Ông Đặng Văn Tư (70 tuổi, quê xã Đô Lương, Nghệ An) cho biết, khi nghe tin về lễ hội này, gia đình ông và hàng xóm đã thuê 3 ô tô khách chở gần 50 người vào Hà Tĩnh để tham dự.

“Làng chúng tôi có truyền thống về làm nơm vó, nên hễ nơi nào có lễ hội đánh cá đều muốn tham dự. Đây là một lễ hội giữ gìn nét văn hóa vùng quê rất đẹp và ý nghĩa. Đến đây rồi, không chỉ tham gia lễ hội đánh cá, đoàn chúng tôi còn có dịp tham quan khu lưu niệm của Đại thi hào Nguyễn Du”, ông Tư cho hay.

Đến giờ, ngay khi các bậc cao niên trong làng Nam Viên và cán bộ xã dâng hương, hoa quả cúng tế Thành Hoàng bản thổ tại ngôi miếu cạnh đầm, hội đánh cá Vực Rào bắt đầu. Tiếng trống lớn vang lên, dòng người từ trên bờ chạy nhanh xuống đầm, tiếng cười nói rôm rả cả một vùng.

Năm nay, Lễ hội đánh cá Đồng Hoa được tổ chức vào ngày 29/6 (tức ngày 24/5 Âm lịch) thu hút khoảng hơn 400 người dân và du khách, ở nhiều độ tuổi. Ngoài mang dụng cụ đánh bắt, họ mang theo túi lưới, túi nilon, bao tải để đựng số cá bắt được.

Sau khoảng 10 phút xuống đầm, ông Đặng Văn Nhuần (69 tuổi, trú thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân) đã có thu hoạch và cho biết: “Năm nào tôi cũng tham gia lễ hội này. Năm ngoái, tôi bắt được hơn 10kg cá, năm nay hy vọng bắt được nhiều hơn”.

Trong số thành viên tham dự lễ hội có không ít học sinh. Đây là một trải nghiệm mang nhiều ý nghĩa với trẻ nhỏ trong dịp nghỉ hè. Sinh ra tại xã Xuân Viên nhưng làm việc tại TP Hà Tĩnh, mỗi dịp hè chị Nguyễn Thanh Huyền (34 tuổi) đều đưa con về quê ngoại để trải nghiệm lễ hội của tuổi thơ.

“Từ nhỏ tôi đã tham gia Lễ hội đánh cá Đồng Hoa cùng cha và các anh chị. Giờ mỗi người một nơi, nhưng cứ có dịp anh chị em tôi lại đưa con về đúng lễ hội. Vừa cho các cháu sân chơi trải nghiệm bổ ích, vừa ôn lại tuổi thơ của mình”, chị Huyền chia sẻ.

Trong khi các “nơm thủ” săn cá dưới vực, trên bờ rất đông người dân, du khách theo dõi. Tiếng hò reo cổ vũ, tiếng nơm úp, cười nói đuổi bắt cá làm lễ hội thêm phần náo nhiệt. Mỗi khi có người nào đó bắt được cá to, tiếng cổ vũ lại càng thêm huyên náo.

Không chịu thua cánh trẻ, chỉ sau 20 phút, bà Phạm Thị Ngọ (70 tuổi, thôn Nam Viên, xã Xuân Viên) đã bắt được chú cá chép ước chừng hơn 1kg. Cất vội vào trong túi, bà cười dí dỏm: “Gì chứ bắt cá tôi còn lanh lợi lắm. Năm nào tôi cũng bắt được cá, có năm còn nhiều hơn mấy đứa con trong nhà”. Nói rồi, bà Ngọ tiếp tục rải chân đưa nơm bắt cá ở những vùng trũng gần bờ. Phía xa, đoàn người đã bắt đầu xuôi theo dòng nước lùa cá trở lại.

Đến gần 9 giờ, khi nắng bắt đầu gắt rát cũng là lúc già trẻ, gái trai thu dọn ngư cụ lên bờ về nhà. Theo nhiều người, năm nay sản lượng cá đánh bắt không nhiều và to như mọi năm. Không ít người phải mang túi không trở về.

Tuy nhiên, trên khuôn mặt ai cũng vui vẻ, phấn chấn. “Không bắt được cá cũng không sao. Tham gia lễ hội chủ yếu lấy niềm vui và nụ cười”, chị Hoàng Ngà - “nơm thủ” đến từ TP Hà Tĩnh cho hay. Kết thúc lễ hội, ban tổ chức sẽ trao giải cho “nơm thủ” đánh được nhiều con cá có trọng lượng lớn.

le hoi danh ca hon 300 nam (2).JPG
Người dân chuẩn bị dụng cụ đi đánh bắt cá từ sáng sớm.
le hoi danh ca hon 300 nam (3).JPG
Ngay khi có hiệu lệnh từ BTC, hàng trăm người đổ xô xuống vực bắt cá. Năm nay, lễ hội thu hút hơn 400 người tham gia.
le hoi danh ca hon 300 nam (4).jpg
Lão nông Đặng Văn Nhuần - 69 tuổi, trú thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân có thâm niên hơn 50 năm đánh cá ở Lễ hội Đồng Hoa.

Gìn giữ và phát huy hội làng

Theo truyền thuyết, Vực Rào trước đây là Vực Thuồng Luồng và Rào Nhà Nghẹ, một trong những cảnh quan đẹp ở núi Hồng Lĩnh. Vực Rào là một lạch nước sâu, rộng chạy dài theo chân núi Vực có diện tích tự nhiên khoảng 30ha, dài khoảng 1km, nơi trú ngụ của các loài cá nước ngọt.

Tại đây, dòng nước mát, trong lành, có nhiều hang, đầm, đìa… thích hợp để các loài cá nước ngọt trú ngụ, sinh sôi và phát triển. Ngoài các loại cá như: Chép, lóc, leo, trê, ngạo… còn có các loại tôm, tép, cua ốc. Ngoài ra, hàng năm nguồn cá từ các khe Nhà Nương, Tràng Vưng, Bàu Chăm... ở trong huyện Nghi Xuân cũng theo dòng nước đổ về Đầm Vực.

Dãy núi Vực có hệ sinh thái phát triển, cây cối rậm rạp nên vào mùa mưa bão các loài chim như: Cói, cò, vạc, diệc… bay về trú ngụ, sinh nở. Hình ảnh chim trời, cá nước tạo nên một cảnh đẹp như chốn bồng lai tại khu vực núi Hồng, sông Lam.

Đầu thế kỷ XVIII thời vua Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng có hào trưởng là ông Đậu Danh Kiêm đã đỗ tam trường nhưng ông không làm quan mà về làm Hào trưởng xây dựng quê hương.

Hào trưởng Đậu Danh Kiêm là người đề xướng tổ chức hội bắt cá Vực Rào. Ông đã thảo hương ước quản lý làng xã với 5 điều khuyên và 10 điều cấm kỵ. Trong đó, điều cấm thứ 10 ghi rõ là cấm bắt trộm cá Vực Rào.

le hoi danh ca hon 300 nam (6).JPG
Nhiều phụ huynh tranh thủ đưa con đến lễ hội để trải nghiệm.
le hoi danh ca hon 300 nam (5).JPG
Thành quả sau một buổi 'săn' cá.

Thay vào đó, hàng năm, xã sẽ tổ chức xả Vực Rào một lần để bà con thoải mái đánh, bắt cá khi kết thúc mùa gặt. Người dân sẽ dùng những hạt gạo thơm kết hợp với những con cá tươi ngon nhất vừa đánh được ở Vực Rào để làm lễ cúng cơm mới.

Theo các cụ cao niên tại xã Xuân Viên, từ xa xưa, lễ hội này được tổ chức rất bài bản. Vào ngày diễn ra lễ hội, người đứng đầu làng và các bậc cao niên cho lập bàn thờ, hương đăng hoa quả để cúng tế Thành Hoàng bản thổ tại ngôi miếu cạnh đầm Vực.

Lễ tế xong, một hồi chiêng trống vang lên, người đứng đầu làng hú to một tiếng rồi cầm nơm lội xuống đầm úp cá đầu tiên. Ngay sau đó, người dân trong làng không phân biệt già trẻ, trai gái dùng ngư cụ như nơm, vó, lưới, nhủi, vợt, rớ… lội xuống đầm để thi nhau bắt cá.

Khi tham gia lễ hội người nào bắt được cá to, hoặc bắt được nhiều cá, người đó sẽ gặp may mắn, mùa màng bội thu, gia đình no ấm trong suốt cả năm. Trải qua hàng trăm năm nay, đến nay lễ hội vẫn giữ được bản sắc riêng, thu hút đông đảo người dân xã nhà cùng khách thập phương tham gia.

Theo ông Phan Tiến Thành - Phó Chủ tịch xã Xuân Viên, trải qua nhiều biến đổi lịch sử, Lễ hội đánh cá Đồng Hoa luôn được duy trì. Xưa kia lễ hội được tổ chức trang nghiêm, chính quyền địa phương dựng đàn dâng lễ vật cúng các vị thần linh, bậc tiền nhân, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Sau năm 1945, chủ tịch xã là người trực tiếp đánh trống và truyền lệnh khai hội. Ban tổ chức lễ hội luôn có quy định đàn ông cầm nơm đi trước, phụ nữ mang rớ vó đi theo sau, ai bắt được con cá lớn thì hô lớn để mọi người xung quanh cùng biết hưởng ứng.

Đây là một trong những lễ hội độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của người dân địa phương với tinh thần khuyến nông, khuyến ngư, phát triển nông nghiệp nông thôn. Lễ hội còn góp phần thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, thu hút khách du lịch đến với huyện Nghi Xuân. Ông PHAN TIẾN THÀNH

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.