Theo sử sách ghi lại, khoảng thế kỷ 17, Đền Hương Nao thuộc làng Hương Nao của xã Đại Nài (nay thuộc xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà, Hà Tĩnh). Tuy không lớn nhưng làng Hương Nao hội tụ bản sắc văn hóa đặc sắc của một làng quê Việt Nam. Làng có phong cảnh hữu tình với cây đa, bến nước, đền miếu linh thiêng.
Đền Hương Nao phụng thờ Thượng tướng quân Lê Biên - một người con của quê hương, thuộc dòng họ Lê Tự, là người có tài thao lược, quả cảm, được Chúa Trịnh tin dùng.
Ngoài ra, đền còn là nơi thờ tự các vị tiên hiền, tiền bối, các vị danh nhân, khoa bảng, có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Những năm 1930 - 1931, Đền Hương Nao còn là nơi hội họp, hoạt động của các chiến sĩ cộng sản của Nông hội đỏ. Đền cũng là địa điểm bí mật họp bàn, thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của xã Đại Nài.
Trải qua bao biến cố của lịch sử, đền bị xuống cấp, hư hỏng, lễ hội không có điều kiện tổ chức.
Đến năm 2001, Đền Hương Nao được tu tạo, nâng cấp và thể theo nguyện vọng của nhân dân địa phương, Lễ Kỳ Phúc Lục Ngoạt đã được phục dựng.
Với những giá trị lịch sử quý báu, năm 2011, Đền Hương Nao được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây là niềm tự hào của người dân địa phương xã Tân Lâm Hương nói riêng và huyện Thạch Hà nói chung.
Để tưởng nhớ công lao của các vị thần, cứ hai năm một lần, vào dịp rằm tháng 6, tại Đền Hương Nao nhân dân lại mở hội Kỳ Phúc Lục Ngoạt để các dòng họ trong làng rước linh vị và tiến lễ vào Đền.
Lễ hội được tổ chức long trọng, trang nghiêm theo nghi lễ truyền thống thành kính, giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hoá trong tế lễ và ngày càng thu hút đông đảo nhân dân, du khách gần xa tham dự.
Các dòng họ đã có sự chuẩn bị kỹ càng cho phần rước của mình, từ kiệu rước, bài vị thần tổ cho đến trang phục hoặc chiêng, trống.
Để tạo không khí thi đua giữa các dòng họ, Ban tổ chức lễ hội sẽ trao thưởng cho những dòng họ nào có kiệu rước đẹp, có sự tề tựu đông đúc của con cháu trong lễ rước.
Trong lễ hội truyền thống Đền Hương Nao, người ta còn tìm thấy sự giao thoa, gắn kết giữa cộng đồng làng xã, giữa các dòng họ cùng sinh sống trong một không gian văn hóa. Đó chính là sự tôn vinh, ngưỡng vọng về những thế hệ tiền nhân khai mở ra làng ấp, tạo lập và gìn giữ để có xóm thôn trù phú hôm nay.
Nếu như phần Lễ mang đậm nét tâm linh để các thế hệ con cháu nhớ về nguồn cội, công lao của các vị danh nhân thì phần Hội diễn ra sôi nổi, hào hứng với những trò chơi dân gian đặc sắc như ném vòng cổ chai, đâm nộm rơm, kéo co, bóng chuyền, thi hát dân ca,...
Ông Lê Trung Phú - Công chức Văn hóa xã Tân Lâm Hương cho biết: "Chính quyền địa phương luôn quan tâm và chỉ đạo sát sao về công tác tổ chức Lễ hội Kỳ Phúc Lục Ngoạt. Đây là sự kiện văn hóa, tín ngưỡng có ý nghĩa quan trọng trong niềm tin của nhân dân, hướng về cội nguồn".
"Việc tổ chức lễ hội cũng là dịp để nêu cao tinh thần đoàn kết, kết nối cộng đồng, tưởng nhớ công đức to lớn của các bậc tiền nhân, góp phần bảo lưu các giá trị truyền thống, giáo dục lòng yêu nước và tinh thần thượng võ, đoàn kết cộng đồng cho thế hệ trẻ", ông Phú cho biết thêm.