Nghi lễ đặt đá được thực hiện bài bản, công phu. Sau nghi thức hành chính, là nghi lễ niêm hương và chính thức đặt đá xây dựng chùa.
Theo thiết kế, tọa vị trên đỉnh Rú Gám là pho tượng Đại Phật An Quốc. tượng Đại Phật An Quốc được lấy mẫu từ pho tượng bằng đồng an vị tại Thiền viện Trúc Lâm - chùa Hộ Quốc (Phú Quốc), có chiều cao 41m, được thiết kế bằng bê tông, sắt thép, đặt ngay giữa đỉnh Rú Gám cao 260m so với mặt nước biển.
Tiếp theo là các hạng mục tâm linh Phật giáo phục vụ nhu cầu tu tập, tín ngường cho Phật tử và nhân dân được bố trí xung quanh chân Rú Gám.
Sau khi xây dựng xong, công trình sẽ là nơi lưu giữ nhiều thư tịch, văn hóa Phật giáo đặc sắc và giá trị, phục vụ cho tất cả mọi người có nhu cầu tìm hiểu về đạo Phật. Bên cạnh đó, tạo thêm cảnh quan du lịch sinh thái, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng của nhân dân, lưu giữ, phát huy và tiếp nối tư tưởng của dòng thiền Trúc Lâm.
Được biết, chùa Gám được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ XI ( năm 1010) thời nhà Lý. Từ lâu, chùa Gám là cụm văn hóa tâm linh nổi tiếng. Tại đây có sự gặp gỡ, hội tụ về tín ngưỡng, tôn giáo của vùng dân cư rộng lớn.
Theo sử sách, chùa Gám thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; các vị thần có công bảo quốc, hộ dân: Cao Sơn, Cao Các, Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, Tam tòa Đại Vương, Tứ vị thánh nương. Chùa Gám có lối kiến trúc, điêu khắc, hoa văn và họa tiết được xác định là công trình kiến trúc Phật giáo theo tông phái Trúc Lâm.
Hiện nay, UBND tỉnh đã cho phép khôi phục hoạt động Phật giáo tại chùa Gám, đồng thời xây dựng nơi đây một thiền viện, phái Trúc Lâm với quy mô lớn nhất vùng Bắc Trung Bộ.
Dự án có tổng diện tích quy hoạch xây dựng 316,575 ha thuộc địa phận 2 xã Xuân Thành và Tăng Thành, bao gồm 5 khu vực chính: Khu di tích gốc được bố trí tại chùa Chí Linh (Xuân Thành) thờ các vị thần đã có công bảo quốc hộ dân; thờ Phật và Chư vị Bồ tát; Khu tâm linh - lễ hội ở rú Gám; Khu đền Bạch Y (xã Tăng Thành); Khu nghĩa trang và nhà thờ các anh hùng liệt sỹ.
Hằng năm, vào dịp Lễ hội đền - chùa Gám được tổ chức từ ngày 14-16/2 (âm lịch) có hàng vạn khách thập phương thành kính tìm đến.